Đắk Lắk: Người chăn nuôi “rục rịch” tái đàn đón mùa Tết

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tích cực tái đàn, chăm sóc và vỗ béo cho đàn vật nuôi; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Gia đình ông Lê Văn Sơn (thôn 4, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) đang nuôi 500 con heo thịt và 70 con heo nái. Mặc dù heo của nhà ông được xuất bán quanh năm (trung bình xuất ra hơn 100 tấn/năm), nhưng hiện nay ông cũng đang chuẩn bị để bắt đầu vụ nuôi nhằm cung ứng cho thị trường cuối năm. Ông Sơn cho biết, trước khi tái đàn, gia đình ông vệ sinh toàn bộ chuồng trại cũng như các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa điều kiện phát sinh dịch bệnh. Đối với con giống, sau khi kiểm định chất lượng sẽ nuôi cách ly ít nhất hai tuần để theo dõi trước khi cho nhập đàn. Mỗi loại heo sẽ được chăm sóc riêng biệt ở từng chuồng khác nhau để thuận tiện trong việc phân loại thức ăn, theo dõi sức khỏe cũng như hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, gia đình ông còn áp dụng mô hình nuôi heo trên chuồng sàn, phân và nước tiểu heo thải ra sẽ không bị ứ đọng. Nhờ đó đã hạn chế mùi hôi thối, đảm bảo chuồng luôn khô ráo, thoáng mát, giảm tình trạng nhiễm bệnh ở heo và bảo vệ môi trường xung quanh.

chăn nuôi Đắk Lắk

Trang trại chăn nuôi heo của một người dân ở thị xã Buôn Hồ. Ảnh: Vạn Tiếp

Gia đình anh Hà Văn Thực (thôn Hà Bắc, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) cũng đang tích cực chăm sóc, vỗ béo đàn bò để kịp xuất bán vào dịp Tết năm nay. “Nhà tôi đang nuôi 17 con bò, đến giai đoạn gần Tết, gia đình tôi luôn chủ động tăng đàn. Ngoài cho bò ăn các loại thức ăn phổ biến như: cỏ voi, rơm, rạ… tôi còn cho ăn thêm bột ngô, bột sắn và bã bia”, anh Thực chia sẻ. Giá bò hơi hiện nay ở mức 55.000 – 70.000 đồng/kg, tùy theo từng giống bò. Do vậy, anh Thực rất chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm vắc xin đầy đủ cho vật nuôi, đầu tư cải tạo, khử khuẩn chuồng trại để đảm bảo an toàn, giúp đàn bò phát triển tốt.

Không riêng gì các hộ chăn nuôi heo và bò, các hộ chăn nuôi gà cũng đang bắt đầu “rục rịch” chuẩn bị tái đàn nhằm đáp ứng thị trường cuối năm. Gia đình chị Lê Thị Anh (thôn 9, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) là một trong những hộ chăn nuôi gà quy mô trên địa bàn thị xã, với tổng đàn khoảng 1.000 con. Mới đây, chị đã nuôi thêm 500 con gà giống để phục vụ thị trường vào dịp Tết sắp tới. Trong quá trình nuôi, gia đình chị luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn sinh học, tách riêng đàn gà cũ và mới ở hai chuồng khác nhau. Chị cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiến hành phun thuốc khử trùng tiêu độc 2 lần/tuần và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho lứa nuôi mới.

Được biết, hiện nay tình hình kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi ở các địa phương trong tỉnh đang được thực hiện một cách hiệu quả. Giá bán và nhu cầu tiêu thụ cũng đang tăng cao so với trước. Cụ thể, giá heo hơi dao động ở mức 54.000 – 57.000 đồng/kg; giá gà thịt nuôi ngắn ngày đang ở mức khoảng 50.000 đồng/kg; thịt gà ta thả vườn từ 85.000 – 110.000 đồng/kg. Do vậy đây đang là thời điểm tốt để các trang trại, hộ chăn nuôi tái đàn, khôi phục sản xuất, bảo đảm nguồn cung cho thị trường, đặc biệt là trong dịp Tết sắp tới. Người chăn nuôi cũng đã chú trọng hơn trong việc đầu tư cải tạo chuồng trại, sử dụng thức ăn công nghiệp chất lượng, kỹ thuật nuôi tiên tiến… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm cho thị trường.

chăn nuôi Đắk Lắk

Anh Hà Văn Thực (thôn Hà Bắc, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) đang chăm sóc đàn bò của gia đình.

Tuy nhiên theo bà Lê Thanh Hà, cán bộ thú y, chăn nuôi xã Phú Xuân (huyện Krông Năng), những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến thất thường, nắng mưa xen kẽ, kèm các đợt không khí lạnh nên đàn vật nuôi không kịp thích nghi, dẫn đến sức đề kháng kém, dễ bị các loại vi rút tấn công, tạo cơ hội để dịch bệnh phát triển. Do đó, người chăn nuôi cần cẩn trọng phòng, chống dịch bệnh. Ngoài việc tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ, người chăn nuôi phải tiêm phòng bổ sung khi tái đàn; tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại… Khi phát hiện dịch bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, không để dịch bệnh lan ra diện rộng.

Cùng với đó, để đảm bảo việc tái đàn mang lại hiệu quả cao, người chăn nuôi cần cập nhật liên tục thông tin về tình hình dịch bệnh, thị trường cũng như những quy tắc quan trọng trong chăn nuôi như: nhập con giống rõ nguồn gốc, có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt; không nên tăng đàn ồ ạt, thường xuyên bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết vào khẩu phần ăn cho vật nuôi. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy trình vệ sinh chuồng trại, kiểm soát người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, xử lý thức ăn, đặc biệt là các hộ tận dụng thức ăn thừa để chăn nuôi.

Ngọc Thùy

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *