Coronavirus gây bệnh tiêu chảy cấp ở heo – PED

(Người Chăn Nuôi) – Dịch tiêu chảy cấp ở heo – PED (Porcine Epidemic Diarroea) do virus PED gây ra và lây lan rất nhanh trong đàn với tỷ lệ chết cao, gây thiệt hại kinh tế lớn cho người chăn nuôi.

Nguyên nhân

Bệnh gây ra do virus PED tấn công vào hệ thống lông nhung ruột và làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng. Từ đó gây rối loạn tiêu hóa, heo bị tiêu chảy và gây mất nước, đặc biệt heo con thường bị tiêu chảy cấp tính và chết nhanh. Bệnh thường xảy ra với heo trong điều kiện chăn nuôi kém, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm như chuồng trại ẩm ướt, lạnh, bẩn, heo con chưa được tiêm sắt, heo mẹ chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Bệnh lây lan và phát dịch nhanh chóng, bệnh lây trực tiếp từ heo ốm sang heo khỏe (qua phân, dịch tiết…) và lây lan gián tiếp qua phương tiện vận chuyển, đặc biệt là xe và người ra vào mua bán heo tại trại, qua thức ăn, nước uống nhiễm mầm bệnh.

 

Triệu chứng

Heo con theo mẹ bú ít hoặc bỏ bú, heo sau cai sữa và heo bột ăn ít hoặc bỏ ăn . Heo con bị tiêu chảy cấp, phân lỏng, mùi tanh, phân màu trắng đục hoặc vàng nhạt, phân dính bết ở hậu môn. Heo có hiện tượng nôn mửa do sữa không tiêu, con vật bỏ bú, mất nước, thân nhiệt giảm nên hay có hiện tượng nằm lên bụng heo mẹ.

 

Bệnh tích

Heo con theo mẹ có dạ dày căng phồng, chứa sữa không tiêu. Thành ruột mỏng, căng phồng, chứa đầy dịch vàng. Hạch lympho màng treo ruột xuất huyết, sung huyết.

 

Chẩn đoán

Căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng như heo con tiêu chảy cấp tính, phân loãng màu vàng, tanh, có sữa không tiêu, bệnh lây lan nhanh trong đàn với tỷ lệ chết cao (với heo con < 5 ngày tuổi, tỷ lệ chết đến 100%). Heo con gầy nhanh do mất nước, heo con thích nằm lên bụng heo mẹ. Đã điều trị bằng các loại kháng sinh không có kết quả, bệnh dễ nhầm với bệnh viêm dạ dày ruột truyền nhiễm (TGE). Chẩn đoán huyết thanh học, dùng test kiểm tra nhanh phát hiện mầm bệnh.

 

Phòng bệnh

Kiểm soát người và phương tiện ra vào trại, làm vệ sinh lối đi, rắc vôi khử trùng thường xuyên… tuân thủ các quy định an toàn sinh học. Định kỳ vệ sinh các bụi rậm xung quanh trang trại, khơi thông cống rãnh, sát trùng và diệt côn trùng, loài gặm nhấm, tuân thủ nguyên tắc khô – sạch – ấm cho trang trại. Heo con cần được tiêm đầy đủ sắt theo đúng quy trình. Xử lý nước uống cho heo mẹ và heo con bằng Chlorine nồng độ 5%. Phòng bệnh bằng vaccine PED: Năm 1997, Nhật Bản đã bắt đầu sử dụng vaccine PED nhược độc. Tuy nhiên không phải toàn bộ heo nái sinh sản đều tạo đáp ứng miễn dịch qua sữa. Tự tạo miễn dịch cho heo bằng cách sử dụng autovaccine đã được người chăn nuôi sử dụng phổ biến hiện nay để bảo vệ đàn heo trước bệnh PED.

 

Trị bệnh

Bệnh do virus gây nên, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng. Dùng kháng thể E.coli tiêm vào xoang phúc mạc (liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm). Tiêm liên tục 3 ngày. Dùng Atropisunfat 0,1% tiêm bắp ngày 1 lần theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm. Bổ sung nước và chất điện giải cho cơ thể, như: Gluco- KC thảo dược, hoặc điện giải vitamin kết hợp với vitamin tổng hợp (Multivit – C; hoặc Super – Vita) cho heo uống tự do. Dùng dung dịch glucose 5 – 10% (liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm). Tiêm vào xoang phúc mạc ngày 2 lần. Dùng kháng sinh điều trị vi khuẩn bội nhiễm, như: Colistil; hoặc Quinoline; hoặc Enroflox; hoặc Amoxicos; hoặc Florphenicol; hoặc Thiamphenicol; hoặc Biseptol. Dùng thuốc trợ sức, trợ lực và nâng cao sức đề kháng Vitami C + Vitamin B1 + Cafein natribenzoat. Tiêm bắp ngày 1 lần. Liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *