Chưa kịp vui, chăn nuôi heo lại lo ASF

(Người Chăn Nuôi) – Sau một thời gian “chạm đáy”, giá heo hơi trong nước đang có xu hướng nhích dần lên. Thế nhưng, người chăn nuôi heo vẫn chưa có lãi và phấp phỏng lo âu khi Dịch tả heo châu Phi (ASF) đang bùng phát trở lại tại nhiều địa phương.

Giá heo đang “ấm” dần

cục trưởng cục thú y nguyễn văn đông>> Ông Nguyễn Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y: Do tác động của dịch COVID-19, giá heo rớt xuống mức thấp kỷ lục khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, Dịch tả heo châu Phi trở lại sẽ khiến người dân càng kiệt quệ hơn.

Tại Nghệ An, sau khi giảm giá khá mạnh thì những ngày cuối tháng 10 vừa qua giá bán heo hơi trên địa bàn tỉnh đã tăng mạnh trở lại. Chị Nguyễn Thị Mai, xã Thanh An, huyện Thanh Chương cho biết, hồi giữa tháng 10, gia đình chị bán đàn heo với giá 40.000 đồng/kg, sau đó giảm tiếp xuống 36.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến ngày 22/10, giá heo đã tăng lên mức 45.000 đồng/kg, còn đến ngày cuối tháng 10 thì ở mức 50.000 đồng/kg.

Và tại nhiều địa phương trên cả nước, tuần cuối của tháng 10 đã chứng kiến cú bật tăng trở lại khá mạnh của giá heo hơi, mức tăng dao động 5.000 – 12.000 đồng/kg, giá bán đứng trong khoảng 44.000 – 51.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giá heo hơi tăng 6.000 – 7.000 đồng so tuần giữa tháng 10, ở mức 45.000 – 46.000 đồng/kg. Dù mức tăng chưa đảm bảo cho người nuôi có lãi, tuy nhiên, nhiều người buộc phải bán vì heo đã tới kỳ xuất, giữ lại sẽ nhiều rủi ro, nhất là khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Còn tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước, giá heo hơi ngày 27/10 cũng ở mức 46.000 – 48.000 đồng/kg, tăng mạnh so vài ngày trước đó.

 

Người dân vẫn nên cẩn trọng

Giá bán heo hơi tăng trở lại là tín hiệu sáng đối với chăn nuôi trong nước, tuy nhiên, người nuôi heo cũng chưa vui vì họ vẫn chỉ cắt lỗ nặng chứ chưa có lãi. Nguyên nhân là do hiện nay giá con giống, giá cám đều tăng cao cộng thêm nhiều chi phí khác cũng tăng, đẩy giá thành nuôi heo lên khoảng 6 triệu đồng/con. Vì vậy với giá bán 45.000 đồng, thậm chí có 50.000 đồng/kg thì người chăn nuôi vẫn lỗ. Vậy nhưng, nhiều chuyên gia cảnh báo người dân nên cẩn trọng trước đợt tăng giá này bởi nó tiềm ẩn nhiều rủi ro.

dịch asf heo

Dịch tả heo châu Phi tiếp tục lây lan ở nhiều địa phương – Ảnh: TTXVN

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá tăng mạnh vì heo đã được xuất sang Trung Quốc. Đồng thời, việc nhập khẩu thịt heo chững lại do giá trong nước quá thấp, khó tiêu thụ. “Tuy nhiên, người dân nếu có đàn heo đến lứa xuất chuồng thì nên bán trong lúc giá tăng để giảm lỗ, không nên chờ vì diễn biến rất khó dự đoán. Bởi nếu thị trường thật sự khan hiếm thì giá sẽ tăng dần dần, còn chỉ trong vòng 1 tuần mà tăng 13.000 – 20.000 đồng/kg thì không phải là tăng trưởng bền vững”, ông Đoán cho biết thêm.

Và theo một chuyên gia trong ngành, đợt tăng giá heo hơi lần này giống như cách đây 2 năm. Khi đó, giá heo đang ở đáy thì bật tăng cao nhưng chỉ trong ngắn hạn. Lúc này, các công ty lớn tranh thủ giải phóng bớt lượng heo, sau đó giá quay đầu đi xuống. Điều này dường như được chứng minh ngay trong ngày 29/10 khi giá heo hơi có xu hướng chững lại, chỉ tăng nhẹ 1.000 – 2.000 đồng/kg.

Khi được hỏi về việc liệu có phải do yếu tố tác động làm giá của một số công ty lớn đang dẫn dắt thị trường hay không, đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng, với 16 doanh nghiệp chăn nuôi heo trên cả nước, hiện chưa có doanh nghiệp nào có đủ cơ cấu để điều tiết thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng có tác động rất lớn bởi họ có khoảng 6 triệu con heo, chiếm 23 – 24% tổng đàn heo thịt cả nước.

 

Phập phồng lo đại dịch

Theo Cục Thú y, tính đến tháng 10/2021, cả nước đã xảy ra 1.834 ổ ASF tại 1.672 xã, 304 huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố. Tổng số heo tiêu hủy 112.092 con, tăng hơn 2 lần so cùng kỳ năm 2020. Hiện, cả nước có 497 ổ dịch tại 149 huyện của 37 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Tại Quảng Ngãi, Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, từ cuối tháng 7 đến nay, ASF quay trở lại trên địa bàn tỉnh, tốc độ lây lan ngày càng nhanh, tăng thêm 559 cơ sở chăn nuôi tại 93 thôn của 26 xã thuộc 9 huyện, thị xã với tổng số heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.164 con. Tính từ đầu năm đến nay, ở Quảng Ngãi dịch xảy ra tại 699 cơ sở chăn nuôi tại 60 xã, phường, thị trấn với tổng số heo mắc bệnh 2.867 con.

Tại Nghệ An, tính đến ngày 15/10 đã có 67 ổ dịch xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa qua 21 ngày tại 13 huyện, thành phố. Lũy kế từ đầu năm, Nghệ An có 279 ổ dịch ASF xảy ra tại 7.066 hộ ở 20 huyện, thị, thành phố. Tổng số heo đã tiêu hủy trên 22.000 con.

Còn theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang, tính đến giữa tháng 10, toàn tỉnh ghi nhận gần 4.700 con heo mắc ASF tại 215 thôn/53 xã của 7 huyện, thành phố. Hiện nay, ASF có chiều hướng lây lan, phát triển nhanh trở lại. Chỉ tính từ đầu tháng 10 đến nay, toàn tỉnh có 10 xã/49 thôn/189 hộ với 1.783 con heo bị mắc bệnh phải tiêu hủy, chiếm khoảng 40% số heo bị mắc từ đầu năm đến nay.

Đại diện Cục Thú y cho biết, thời gian tới nguy cơ ASF tái phát là rất cao vì hiện chưa có thuốc hay vaccine phòng bệnh. Đặc biệt, việc buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm heo gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm và dịp Tết sắp tới khiến dịch bệnh càng dễ lây lan và khó kiểm soát. Để ngăn chặn, các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng. Đồng thời, cần hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; Vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và xung quanh; Ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, không để dịch bệnh lây lan rộng.

Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long 

phó cục trưởng cục thú y nguyễn văn longDo ảnh hưởng dịch COVID-19, năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 559.000 tấn thịt các loại, trong đó có 225.000 tấn thịt heo. Trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập 214.000 tấn thịt các loại, với 112.000 tấn thịt heo. Một số thông tin 8 tháng đầu năm nhập 256.000 tấn thịt heo là không chính xác. Bộ NN&PTNT không cấp hạn ngạch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật mà toàn bộ theo cơ chế thị trường, bảo đảm tuân thủ quy định của Việt Nam, thông lệ quốc tế và quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Hơn nữa, tỷ lệ nhập khẩu thịt heo 8 tháng đầu năm chỉ chiếm 3,6% sản lượng thịt heo trong nước. Do đó, việc nhập khẩu thịt heo không ảnh hưởng đến việc giá thịt heo giảm mạnh thời gian qua.

Phan Thảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *