Chăn nuôi an toàn dịch bệnh – Điều kiện cần để tham gia vào chuỗi

Để chăn nuôi phát triển hiệu quả, công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đóng vai trò quan trọng. Bởi khi chăn nuôi ATDB sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro và cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường mà còn góp phần giúp ngành chăn nuôi hình thành các chuỗi liên kết và phát triển bền vững.

Chú trọng chăn nuôi an toàn

Hơn 10 năm nuôi vịt đẻ nên ông Trần Mật, ấp Phước Trinh, xã Tam Phước, huyện Long Điền có nhiều kinh nghiệm về các loại dịch bệnh có thể tái phát, gây hại cho vịt bất cứ lúc nào. Do đó, ông luôn chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ đàn vịt khỏi dịch bệnh. Đặc biệt, trong thời điểm chuyển mùa, do thay đổi thời tiết thất thường khiến gia cầm chưa kịp thích nghi với điều kiện môi trường, dễ dẫn đến việc mắc bệnh và lây lan thành ổ dịch như bệnh tả vịt, bệnh tụ huyết trùng, dịch cúm… Vì thế, để đảm bảo đàn vịt khoẻ mạnh, tỷ lệ đẻ trứng cao, ông chủ động tiêm phòng vắc – xin theo định kỳ, tăng cường phun hóa chất khử trùng, hạn chế tối đa người ra vào chuồng nuôi để tránh nguồn bệnh lây nhiễm. Các dụng cụ chăn nuôi như máng thức ăn, máng nước được cọ rửa, sát trùng thường xuyên.

Ngoài ra, trong các đợt thả mới, ông chủ động tìm hiểu nguồn giống có xuất xứ rõ ràng, lựa chọn con giống khoẻ mạnh nhằm đảm bảo tỷ lệ sống cao nhất. Ông Trần Mật cho biết, vịt đẻ có nhu cầu khoáng rất cao, đặc biệt là canxi, nếu thiếu sẽ gây hiện tượng sưng khớp, đi lại khó khăn. Vì vậy, khẩu phần ăn của vịt trong thời gian này phải chọn các thức ăn giàu dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin C để tăng sức đề kháng. Chính nhờ điều chỉnh thực phẩm trong thức ăn cho vịt cộng với việc phòng bệnh khoa học nên vịt ít bị bệnh, tỷ lệ vịt đẻ cũng ở mức cao khoảng 80%…

chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Chăm sóc gà tại trang trại gà Anh Nguyên, huyện Châu Đức.

Trong khi đó, trang trại gà Anh Nguyên, thôn Phước An, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức đang sản xuất theo quy trình an toàn sinh học và minh bạch thông tin sản phẩm.

Anh Lý Trung Vân, chủ trang trại cho biết, trang trại rộng hơn 2ha với 4 dãy chuồng đang nuôi 8.000 con gà ri miền Bắc – một trong những giống gà có chất lượng thịt rất thơm ngon. Với mong muốn tạo ra sản phẩm “sạch từ trang trại đến bàn ăn”, anh Vân xây dựng mô hình chăn thuận tự nhiên, sử dụng chủ yếu thức ăn như cám gạo, bắp có bổ sung các loại thảo dược như bột nghệ, quế, tỏi để tăng sức đề kháng cho gà.

Ngoài việc sử dụng thảo dược phối trộn làm thức ăn cho gà, anh Vân sử dụng đệm lót sinh học hoàn toàn trong quá trình nuôi. Anh Lý Trung Vân cho biết: “Lợi ích thiết thực nhất mà người chăn nuôi nhận được là không phải sử dụng kháng sinh cho gà mà sản phẩm gà đến tay người tiêu dùng cũng bảo đảm an toàn”.

Khuyến khích chuyển sang chăn nuôi tập trung

Theo ngành nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh hiện có tổng đàn heo gần 400 ngàn con, gần 6,6 triệu con gia cầm… Với tổng đàn gia súc, gia cầm gần 7 triệu con, thời gian qua, để triển khai xây dựng vùng, cơ sở ATDB, ngành chăn nuôi đã khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển dần sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trong việc giám sát dịch bệnh đối với bệnh đăng ký chứng nhận; tập huấn, hội thảo; thẩm định, công nhận vùng ATDB; tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi…

chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Chăn nuôi gà tại trang trại của nông hộ tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức.

An toàn sinh học trong chăn nuôi là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong của các cơ sở chăn nuôi. Mục đích ngăn cản sự xâm nhập của mầm bệnh từ bên ngoài vào trong trại, không để mầm bệnh lây lan giữa các khu vực chăn nuôi, không để vật nuôi trong trại phát bệnh và các trại chăn nuôi bắt buộc là phải có hệ thống xử lý chất thải trong quá trình chăn nuôi.

Theo Sở NN-PTNT, việc phát triển các mô hình chăn nuôi ATDB góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đây cũng là một trong những yếu tố then chốt để phát triển chăn nuôi bền vững. Vì vậy, Sở khuyến khích các nông dân chuyển đổi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung và áp dụng khoa học kỹ thuật để bảo đảm an toàn và chất lượng.

Hiện với nhiều chính sách phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh, khuyến khích chăn nuôi tuần hoàn đã được ban hành thì việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn là hoàn toàn có cơ sở và chính các hộ chăn nuôi cần phải tự giác áp dụng để đảm bảo lợi ích kinh tế trong chăn nuôi cho bà con, đồng thời giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Song Bình

Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *