Chấn chỉnh lại hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm: (Kỳ 2) Bài toán khó trong xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung

Rõ ràng để đưa hoạt động giết mổ vào kiểm soát, đảm bảo tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, không thể để hàng nghìn cơ sở giết mổ nhỏ lẻ cùng tồn tại. Phải xây dựng được các cơ sở giết mổ công nghiệp hoặc ít nhất là cơ sở tập trung giết mổ. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng khi thói quen tiêu dùng của người dân còn dễ dãi, ngành chức năng, chính quyền địa phương thiếu kiên quyết, chậm ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư.

Còn nhiều bất cập 

Cách đây khoảng 15 năm, trong quyết tâm đưa hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn vào quy củ, thành phố Ninh Bình đã tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế, chính sách để một hộ dân trên địa bàn đứng ra đầu tư xây dựng trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm tại thôn Hoàng Sơn, xã Ninh Tiến. Hộ này đã bỏ ra nhiều tỷ đồng làm một dây chuyền mổ gia súc, một dây chuyền giết mổ gia cầm, công suất lớn với đầy đủ trang thiết bị, máy móc, hệ thống xử lý chất thải hiện đại. Ban đầu nhờ sự vận động, thuyết phục của chính quyền địa phương, lại được hỗ trợ về chi phí nên đã có hàng chục hộ làm nghề ở 4 phường thuộc thành phố vào đây để hành nghề giết mổ gia súc. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, cơ sở này đã phải đóng cửa. 

giết mổ lợn sữa

Hoạt động giết mổ lợn sữa tại cơ sở của anh Vũ Văn Hợp (thôn Đông Hạ, xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình) được cán bộ thú y kiểm tra, kiểm soát, đóng dấu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân khiến cơ sở này "chết yểu" là do thói quen giết mổ thủ công đã ăn sâu vào nhiều hộ dân làm nghề nên việc yêu cầu họ từ bỏ một thói quen là rất khó. Bên cạnh đó, chi phí giết mổ công nghiệp cao hơn cách làm thủ công. Ngoài ra, nếu họ chuyển sang giết mổ công nghiệp thì phải chịu sự quản lý gắt gao về quy trình sản xuất thực phẩm sạch. Chi phí cao và quản lý chặt khiến các thương lái không "mặn mà" gì với giết mổ công nghiệp. 

Ông Phan Văn Nhạn (xóm Xuân, xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh) một hộ giết mổ nhỏ lẻ nêu quan điểm: "Giết mổ tập trung tất nhiên là sạch sẽ hơn rồi nhưng phải di chuyển đêm hôm, đường xa, bất tiện lắm. Gia đình tôi ngày mổ có 1-2 con lợn, tiền lãi được 2-3 trăm nghìn bõ gì đâu. Hơn nữa thịt được giết mổ thủ công, không dấu kiểm dịch khi mang ra chợ vẫn bán bình thường giống như thịt giết mổ công nghiệp, có dấu nên tội gì không giết mổ tại nhà". 

Theo khoản 6, Điều 20 Nghị định 90/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y thì sẽ phạt tiền từ 60% đến 70% giá trị sản phẩm động vật (nhưng không vượt quá 50 triệu đồng) đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đóng dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y. 

Nhưng thực tế hiện nay, cơ bản các sản phẩm thịt được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh đều không có dấu kiểm dịch mà vẫn được bày bán bình thường, không hề có cơ quan chức năng nào đứng ra kiểm tra, xử phạt. Có thể thấy rằng, việc xử lý các vi phạm trọng hoạt động giết mổ chưa nghiêm đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa giết mổ tự do, nhỏ lẻ, giết mổ lậu với giết mổ tập trung có kiểm soát. Cùng với đó, thói quen tiêu dùng dễ dãi của người dân cũng là một phần nguyên nhân cho sự phá sản của cơ sở giết mổ tập trung. 

 

Cần một cơ chế đồng bộ 

Để đáp ứng nhu cầu về số lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng, đã đến lúc, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh phải có các giải pháp đồng bộ để đưa việc kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm vào nền nếp. 

Anh Đỗ Ngọc Hoàn (phố Thiện Tiến, phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình) đã có hơn 10 năm hành nghề giết mổ gia súc. Bản thân cũng nhận thấy hoạt động giết mổ tại nhà, trong khu dân cư là không đảm bảo vệ sinh, gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ gia đình xung quanh nhưng vì "miếng cơm, manh áo" anh vẫn phải làm. 

Tuy nhiên, đến thời điểm này, anh Hoàn cho rằng mình cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Mới đây, anh đã chủ động tìm một khu đất rộng 4 sào, cách biệt hẳn với khu dân cưở thôn Khoái Hạ, xã Ninh Phúc để hành nghề. Ở đó, anh xây dựng khu nuôi nhốt riêng, khu giết mổ riêng với đầy đủ hệ thống xử lý nước thải, hệ thống đóng gói, cấp đông… 

"Tôi có đủ năng lực về đất đai, kinh nghiệm, vốn để xây dựng nơi đây thành một điểm tập trung giết mổ của 5-7 hộ, với công suất khoảng 100 con/ngày. Nhưng cái vướng hiện nay vẫn là cơ chế, rất mong chính quyền sớm cấp phép, đưa cơ sở của tôi vào vùng quy hoạch khu giết mổ tập trung của địa phương để tôi có thể nhanh chóng đầu tư" – anh Hoàn cho biết. 

Cũng trong tình trạng chờ quy hoạch, anh Vũ Văn Hợp, đại diện cơ sở giết mổ lợn sữa ở thôn Đông Hạ, xã Ninh Phúc chia sẻ: Hiện nay, cơ sở của tôi đang thực hiện giết mổ, đóng gói, cấp đông khoảng 700 – 1.500 con lợn sữa/ngày, hoạt động đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thú y và được cơ quan chức năng đóng dấu kiểm dịch. 

Tuy nhiên nếu được đưa vào quy hoạch, có cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, của thành phố, chúng tôi sẽ đầu tư thêm một hệ thống giết mổ lợn thịt nữa, để phục vụ nhu cầu thực phẩm trên địa bàn. Như vậy, một bộ phận chủ cơ sở giết mổ hiện nay đã có những thay đổi về nhận thức, họ sẵn sàng bỏ vốn xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, quy mô lớn, hiện đại. Vì vậy, tỉnh cũng nên sớm ban hành các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để hỗ trợ, khuyến khích họ đầu tư. 

Trước mắt, các địa phương phải sớm lập, phê duyệt quy hoạch, chuẩn bị quỹ đất, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về mặt thủ tục cho các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, tập trung giết mổ trên địa bàn. Mặt khác, cũng phải tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ động vật nhỏ lẻ, tự phát; kiên quyết đóng cửa các điểm không đạt tiêu chuẩn, điều kiện quy định, gây ô nhiễm môi trường. Song song với đó, chỉ đạo ban quản lý các chợ xây dựng quy chế, nghiêm cấm việc kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y. 

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho rằng: Việc phát triển các cơ sở giết mổ tập trung sẽ tạo điều kiện để cơ quan chức năng kiểm soát dịch bệnh, kiểm tra về chất lượng thịt, từ đó bảo đảm chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường. Hiện, Chi cục đang tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng dự thảo Đề án xây dựng quản lý giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh. Trong đó có việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ về xây dựng hạ tầng, thiết bị đối với các cơ sở giết mổ đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ giết mổ. 

Hy vọng, tới đây sẽ có sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa của chính quyền các cấp trong vấn đề này, từ đó tạo chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và hướng tới một nền công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi hiện đại. 

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn: Báo Ninh Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *