Cải thiện và nâng cao chất lượng giống gà Móng đặc sản

(Người Chăn Nuôi) – Là giống gà bản địa, có nguồn gốc từ làng Móng xã Tiên Phong cũ, nay là xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, gà Móng được người chăn nuôi địa phương nuôi lưu giữ, phát triển nguồn giống. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, nguồn con giống rất cần được cải thiện và nâng cao chất lượng hơn nữa.

Nhiều đặc tính tốt

Gà Móng là giống quý hiếm, thịt chắc, thơm ngon, giữa lớp da và thịt không có lớp mỡ, da giòn, chân to cao, dáng thô, có sức đề kháng cao, thích nghi với điều kiện chăn nuôi của các địa phương và thị hiếu người tiêu dùng.

Những năm gần đây, chăn nuôi gà Móng đã trở thành nguồn thu nhập chính cho người nông dân ở xã Tiên Sơn nói riêng và người nuôi gà trên địa bàn tỉnh Hà Nam nói chung. Hiện, tổng đàn gà Móng của Hà Nam khoảng hơn 50.000 con, trong đó xã Tiên Sơn chiếm khoảng 70% tổng đàn.

Theo thống kê, tại Tiên Sơn có khoảng 70% số hộ đang nuôi gà Móng, thị trường tiêu thụ của các hộ gia đình chủ yếu là trong và ngoài tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Ðịnh, Hà Nội… Ông Lê Ðức Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gà Móng Tiên Phong kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tiên Phong cho biết, đàn gà Móng bố mẹ tại Tiên Phong phát triển rất mạnh, cao điểm lên đến 30.000 con.

Ông Nguyễn Văn Thắm, một trong những hộ dân có sản xuất gà Móng giống và nuôi thương phẩm cho biết: Gà Móng là giống bản địa có nguồn gen quý hiếm, dễ nuôi, chỉ ăn lúa, ngô, khoai, sắn nghiền như các loại gà khác. Tuy nhiên gà lại cho thịt chắc, thơm, da giòn nên rất được thị trường ưa thích, nhất là vào các dịp lễ, tết.

Gà Móng

Cần cải thiện và nâng cao chất lượng giống gà Móng. Ảnh: Ðình Việt

Gia đình ông Thắm nuôi khoảng 4.000 con gà Móng, trong đó có khoảng 1.000 con gà bố mẹ (nhằm bảo tồn gen gốc quốc gia); 3.000 con thương phẩm để cung ứng cho thị trường. Theo ông Thắm, việc bảo tồn nguồn gen là nhiệm vụ phải được ưu tiên hàng đầu. Giống tốt, giống khỏe mới có sản phẩm tốt nhất. Do đó, gia đình ông đã phải làm trại riêng, chọn kỹ gà trống, gà mái và khi có lứa gà con, ông cũng xem xét cẩn thận để con giống có được chất lượng tốt nhất.

 

Cải thiện chất lượng giống

Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng việc chăn nuôi gà Móng thời gian qua chưa phát huy hết tiềm năng do chất lượng con giống chưa có nhiều cải thiện. Do không được đầu tư chọn lọc, nhân giống thuần chưa đúng kỹ thuật và hầu hết các hộ nuôi giữ giống gà này là người dân địa phương, điều kiện kinh tế và trình độ chăn nuôi còn nhiều hạn chế nên năng suất, chất lượng chưa đạt chỉ tiêu giống, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của đàn giống thấp: Gà mái trưởng thành đạt 1,8 – 2 kg/con, gà trống đạt 2,5 – 2,8 kg/con, sản lượng trứng chỉ đạt 50 – 70 quả/mái/năm, tỷ lệ ấp nở đạt 70 – 75%. Chính vì vậy, giống gà Móng mới chỉ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm, còn năng suất sinh sản và hiệu quả kinh tế chưa cao. Bình thường các giống gà khác thụ tinh trực tiếp trung bình tỷ lệ 8 – 10 mái/trống, riêng đối với gà Móng thì tỷ lệ 6 – 7 mái/trống và tỷ lệ trứng có phôi đưa vào ấp nở đạt thấp 80%; Do sự chênh lệch trọng lượng giữa gà mái và gà trống, đặc biệt vùng da gần lỗ huyệt và đôi gai cấu của loại giống gà này rất dày, xù xì nên tỷ lệ thụ tinh trực tiếp không cao. Trong khi với phương pháp thụ tinh nhân tạo, 1 con gà trống thụ tinh được 25 con gà mái và tỷ lệ trứng có phôi đạt 95%, giảm chi phí nuôi trống gấp 4 lần so với phối tinh trực tiếp.

Trước thực tế này, năm 2021 Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nam đã tiến hành xây dựng Dự án “Xây dựng mô hình áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi gà Móng nhằm nâng cao hiệu quả sinh sản đàn bố mẹ”, là cơ sở để hướng dẫn người chăn nuôi chủ động sản xuất con giống đảm bảo chất lượng tại chỗ và phát triển nhân rộng mô hình. Dự án triển khai với mục tiêu: Áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo gà và xông khử trùng trứng giống trước khi ấp nở nhằm nâng cao sức sinh sản và sản xuất con giống chất lượng tốt cung cấp cho thị trường, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, giảm tỷ lệ loại thải, giảm chi phí thức ăn cho nuôi đàn trống trong chăn nuôi gà Móng sinh sản. Hoàn thiện quy trình nhân giống gà bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và chăm sóc nuôi dưỡng gà Móng bố mẹ trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Dự án đã mang lại hiệu quả về nhiều mặt, điển hình như: Giảm chi phí 4 lần nuôi đàn trống gà Móng so với thụ tinh trực tiếp; Tăng tỷ lệ đẻ đàn trên 10% khi được bổ sung đầy đủ các loại khoáng chất và các vitamin hỗ trợ cho sinh sản; Giảm tỷ lệ nhiễm bệnh, tỷ lệ loại thải đàn… trong quá trình khai thác khi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học tối thiểu cho cơ sở chăn nuôi gia cầm sinh sản; Tăng tỷ lệ ấp nở 7 – 10% khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật thụ tinh nhân tạo gà và xông khử trùng trứng trước khi cho vào ấp. Ngoài ra, Dự án cũng giúp duy trì và phát triển giống gà địa phương để đạt được năng suất hiệu quả cao hơn so với chăn nuôi truyền thống, nhưng vẫn giữ được chất lượng sản phẩm thơm ngon; Tăng nhanh đàn gà theo hướng ứng dụng khoa học tiên tiến trong chăn nuôi nhằm tăng nhanh đầu con cũng như chất lượng thịt…

So với các giống gà truyền thống khác, gà Móng có chất lượng thịt thơm ngon, bì dầy, dai, da giòn không có mỡ, thịt ẩm và không khô. Ðây là giống gà rất thích nghi với môi trường Việt Nam, có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, phù hợp với chăn thả tự do.

         Vân Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *