Bệnh xoắn khuẩn trên trâu, bò

(Người Chăn Nuôi) – Bệnh gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn trong chăn nuôi. Phát hiện sớm bệnh để có biện pháp phòng và điều trị bệnh là vô cùng quan trọng.

Nguyên nhân

Xoắn khuẩn Leptospira gây bệnh chủ yếu qua đường tiêu hóa. Ánh sáng và các thuốc khử trùng thông thường dễ diệt được Leptospira. Tuy vậy Leptospira chịu được lạnh và sống được lâu ở nước tới 3 tuần. Sống dai dẳng trong bùn lầy, nước đọng với pH bazơ (pH = 7,7), tốt nhất là nước cống rãnh ruộng đồng, khe suối.

Xoắn khuẩn sẽ theo thức ăn, nước uống và lây lan chủ yếu vào vật nhiễm bệnh thông qua đường tiêu hóa khi gia súc ăn phải hoặc uống phải các nguồn thức ăn có chứa mầm bệnh. Gia súc ăn uống phải các chất bài tiết, nhất là nước tiểu có nhiễm xoắn khuẩn sẽ bị nhiễm bệnh. Ngoài ra vi khuẩn còn có thể xâm nhập qua da và niêm mạc không bị tổn thương khi con vật bơi trong nước bẩn có xoắn khuẩn cũng sẽ bị nhiễm bệnh.

Ngoài ra, vi khuẩn còn lây lan qua các tổn thương ngoài da khi tiếp xúc với các vật chứa mầm bệnh hay qua vết cắn từ các loài gặm nhấm truyền bệnh.

Con người rất dễ bị nhiễm Leptospira thông qua tiếp xúc với vật nuôi, các loài động vật gặm nhấm, các hoạt động sống có tiếp xúc với mầm bệnh…

bệnh xoắn khuẩn trên trâu

Xoắn khuẩn Leptospira gây bệnh chủ yếu qua đường tiêu hóa

 

Triệu chứng

Thời gian tiến triển của bệnh có thể kéo dài 10 – 20 ngày. Gia súc khi mắc bệnh thường ở 3 thể khác nhau:

Thể quá cấp: Thường xảy ra ở những gia súc có chửa, con vật sẽ chết sau khoảng 3 – 7 ngày khi phát bệnh. Lúc này bệnh phát ra rất đột ngột, con vật sốt cao, giảm hoặc dừng nhu động dạ cỏ và ruột, trạng thái mệt mỏi, lờ đờ, chỉ thích nằm một chỗ, kém ăn hoặc bỏ ăn hoàn toàn, đi ngoài bị táo bón. Niêm mạc và da vàng sẫm, nước tiểu cũng có màu vàng.

Thể cấp tính: Bệnh kéo dài 5 – 10 ngày, tỷ lệ chết cao 50 – 70%. Thường gặp nhất ở gia súc non, khi nhiễm bệnh ở thể này con vật sẽ sốt cao 40 – 410C, trạng thái mệt nhọc, ít ăn hoặc bỏ ăn hoàn toàn, nhu động dạ cỏ giảm. Một số trường hợp sau khi bị táo bón con vật sẽ bị ỉa chảy. Da, niêm mạc vàng sẫm, nước tiểu vàng hoặc nâu vì có huyết sắc tố, đôi khi có lẫn cả máu trong đó. Mí mắt, môi, má có hiện tượng phù thũng và hoại tử da. Con vật gầy đi nhanh chóng do bỏ ăn và ỉa chảy lâu ngày, lông dựng, thiếu máu nặng…

Thể mãn tính: Xảy ra ở mọi lứa tuổi của gia súc. Con vật khi mắc bệnh ở thể này chỉ thể hiện gầy yếu, lông rụng, thiếu máu, đôi khi có phù thũng ở mặt, ở yếm ngực, nước tiểu có màu vàng, tiêu chảy trong thời gian dài. Gia súc đang có chửa khi nhiễm bệnh có thể bị sẩy thai.

 

Phòng bệnh

Cách phòng bệnh hiệu quả nhất chính là tiêm vaccine. Tuy nhiên, cần phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm huyết thanh để xác định chính xác chủng xoắn khuẩn gây bệnh, từ đó lựa chọn ra đúng loại vaccine phù hợp. Hiện nay tại Việt Nam thường lưu hành 6 loại vaccine phòng bệnh khác nhau cho 6 chủng xoắn khuẩn gây bệnh phổ biến nhất. Bên cạnh đó, nên theo dõi tình trạng sức khỏe của trâu, bò và chẩn đoán bệnh sớm để phát hiện gia súc mắc bệnh, đem cách ly ra khỏi đàn và có những biện pháp xử lý.

Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, chăm sóc và bồi dưỡng gia súc tốt để chúng có sức đề kháng tốt. Định kỳ khoảng 15 ngày sát trùng chuồng trại bằng Vimekon. Chú ý tiêu diệt chuột trong khu trang trại chăn nuôi vì chuột có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Kiểm tra huyết thanh học định kỳ để xử lý triệt để các trường hợp bệnh mãn tính.

 

Điều trị

Khi gia súc nhiễm bệnh có thể điều trị bằng cách sử dụng các loại thuốc kháng sinh sau:

– Pen – Strep với liều dùng 1 g cho 20 kg thể trọng.

– Marbovitryl với liều dùng 1 ml cho 10 kg thể trọng.

– Vime – Sone với liều dùng 1 ml cho 10 kg thể trọng.

Ngoài ra có thể kết hợp thuốc kháng viêm Ketovet hoặc Dexamethasone và các thuốc trợ sức như Vitamin C, B – Complex Fortified để tăng hiệu quả.

Phương Đông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *