An toàn sinh học với cơ sở chăn nuôi gia cầm sinh sản

(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Yêu cầu an toàn sinh học tối thiểu với cơ sở chăn nuôi gia cầm sinh sản?

Trả lời:

Ngày 16/10/2015 Cục Chăn nuôi có Quyết định 713/QĐ-CN-GSN Ban hành Hướng dẫn thực hiện biện pháp an toàn sinh học tối thiểu cho cơ sở chăn nuôi gia cầm sinh sản. Chương II của Quyết định có quy định cụ thể như sau:

1. Yêu cầu về cơ sở hạ tầng và vật tư thiết bị chuồng trại

a) Khu vực chăn nuôi gia cầm phải đảm bảo sự cách ly giữa vật nuôi và nơi ở của  người và động vật khác bằng hàng rào bao quanh hoặc nơi biệt lập hoặc được nuôi nhốt hoàn toàn trong chuồng;

b) Cơ sở chăn nuôi nên nuôi duy nhất một đàn trong cùng một thời gian (cùng vào cùng ra) hoặc nếu có nhiều đàn trong cùng một thời gian thì phải có các khu vực tách biệt nuôi gia cầm con, gia cầm hậu bị và gia cầm sinh sản;

c) Có nơi để TĂCN, chất độn chuồng sạch, dụng cụ, hóa chất khử trùng riêng biệt;

d) Có máng ăn, máng uống bằng vật liệu phù hợp, dễ vệ sinh;

đ) Có ổ đẻ hoặc bố trí khu vực riêng để gia cầm đẻ trứng;

e) Có tủ xông khử trùng để khử trùng trứng giống;

g) Có nơi để rửa tay bằng xà phòng;

h) Có nơi thay giày dép và bảo hộ trước khi vào, ra cơ sở chăn nuôi;

i) Có nơi thu gom và xử lý chất thải.

 

2. Yêu cầu về đàn gia cầm giống sinh sản

a) Không nên sử dụng gia cầm thương phẩm làm giống bố mẹ; giống gia cầm có nguồn gốc từ đàn gia cầm sinh sản khỏe mạnh, và được tiêm phòng đầy đủ;

b) Đàn gia cầm sinh sản trong giai đoạn đẻ trứng đảm bảo khỏe mạnh, không bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và được phòng vaccine đầy đủ theo quy trình giống.

 

3. Yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng và vệ sinh thú y

a) Yêu cầu về thức ăn, nước uống

– Thức ăn cho gia cầm phải đảm bảo không bị mốc, không ôi chua và không quá hạn sử dụng;

– Nước cho gia cầm uống là nước dùng được cho người tại địa phương.

b) Yêu cầu vệ sinh thú y

– Trước khi vào khu vực chăn nuôi tất cả mọi người phải rửa tay bằng xà phòng hoặc nước khử trùng đồng thời mặc quần áo bảo hộ và thay giày dép;

– Chuồng nuôi và ổ đẻ hoặc nơi đẻ trứng của gia cầm cần phải được thông thoáng, khô và được bổ sung đệm lót thường xuyên;

–  Máng ăn, máng uống phải được vệ sinh thường xuyên sạch sẽ;

– Tất cả các phương tiện vận chuyển không được vào khu vực chăn nuôi. Khi cần thiết vào khu vực chăn nuôi, phương tiện phải được rửa, khử trùng trước, sau khi vào, ra khu vực chăn nuôi;

– Cần có biện pháp diệt chuột, côn trùng an toàn hiệu quả. Nếu sử dụng hóa chất thì phải theo khuyến cáo của nhà sản xuất và chỉ sử dụng hóa chất được phép lưu hành tại Việt Nam.

 c) Yêu cầu xử lý chất thải

– Cơ sở có biện pháp xử lý chất thải như gia cầm chết, trứng hỏng, rác, phân và chất độn chuồng đã qua sử dụng một cách an toàn;

– Kết thúc mỗi đợt nuôi, chất thải phải được thu gom, quét dọn, vệ sinh, làm sạch, tiêu độc khử trùng toàn bộ dụng cụ, thiết bị, chuồng nuôi và môi trường xung quanh. Sau đó để trống chuồng ít nhất hai tuần trước khi nuôi đàn mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *