Vaccine, bước tiến trên chặng đường dài

(Người Chăn Nuôi) – Vaccine là một phần quan trọng của kế hoạch chăm sóc sức khỏe vật nuôi. Khi được sử dụng đúng cách, vaccine có thể giúp ngăn ngừa bệnh tật, cải thiện sức khỏe, phúc lợi và năng suất vật nuôi.

Chìa khóa phòng bệnh

Đối với ngành chăn nuôi hiện đại, một trong những thách thức chủ yếu mà người nuôi phải đối mặt chính là kiểm soát được các bệnh đang xảy ra trong trang trại. Không những chỉ chú ý phòng tránh việc bùng phát các ổ dịch bệnh mà quan trọng hơn hết, đàn vật nuôi phải được bảo hộ trước tất cả biến thể có thể xảy ra của bệnh. Vì vậy, sử dụng vaccine được xem là một trong những biện pháp hiệu quả hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi. Thực tế cho thấy, vaccine có vai trò quan trọng trong việc gia tăng tỷ lệ sống, giảm việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, sử dụng vaccine cũng góp phần vào việc tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vaccine là các sản phẩm sinh học được thiết kế để tạo ra các phản ứng miễn dịch đặc hiệu đối với các vi sinh vật gây bệnh, nhằm ngăn ngừa hoặc làm giảm các bệnh truyền nhiễm. Vaccine được nghiên cứu và sản xuất theo các quy tắc nghiêm ngặt và an toàn cho vật nuôi. Trong đó, vaccine chứa các thành phần bị suy yếu hoặc không hoạt động của một sinh vật cụ thể (kháng nguyên) để gây ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể vật nuôi. Phiên bản suy yếu này sẽ không gây bệnh cho vật nuôi được tiêm vaccine. Sau tiêm vacicne một thời gian, khi các tác nhân gây bệnh thực sự xâm nhập vật nuôi, hệ thống miễn dịch sẽ nhận ra virus và ngay lập tức sản sinh các kháng thể để chống lại tác nhân đó, bảo vệ vật nuôi không bị nhiễm bệnh hoặc nhiễm bệnh rất nhẹ, không gây biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Khả năng bảo vệ do vaccine cung cấp sẽ giảm dần sau khi động vật được tiêm vaccine, việc tiêm chủng định kỳ là cần thiết để nhắc nhở hệ thống miễn dịch sản xuất đủ kháng thể bảo vệ.

vaccine

Vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả giảm thiệt hại trong chăn nuôi

 

Không ngừng cải tiến

Con người và vật nuôi đã được hưởng lợi từ vaccine trong hơn 2 thế kỷ. Tuy nhiên, con đường đến với vaccine hiệu quả không dễ dàng. Sự khám phá ra vaccine đậu mùa của nhà khoa học Edward Jenner những năm 1796 đã làm thay đổi vĩnh viễn lịch sử y học. Kể từ đó, vaccine đã giúp bảo vệ con người và động vật chống lại hàng trăm bệnh truyền nhiễm và cứu sống hàng triệu người. Trải qua một chặng đường dài, nhờ vào sự phát triển của công nghệ các phương pháp sản xuất vaccine mới không ngừng cải tiến. Đến nay nhiều loại vaccine được chế tạo đặc biệt để hoạt động với các hệ thống cơ thể động vật nhạy cảm. Trong đó, vaccine tiểu đơn vị, vaccine tái tổ hợp, vaccine DNA và vaccine giải độc tố ngày càng được giới khoa học chú ý, đây được coi là những thế hệ vaccine tiếp theo và thay thế khả thi cho vaccine thông thường.

 

Việt Nam không nằm ngoài cuộc đua

Ở nước ta, trong nhiều năm qua, ngành thú y đã có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học nhằm sản xuất các loại vaccine thế hệ mới. Điển hình như chế tạo thành công giống gốc để sản xuất vaccine phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc và chế tạo vaccine vô hoạt nhũ dầu phòng bệnh lở mồm long móng type O cho gia súc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất thành công vaccine phòng bệnh lở mồm long móng type O, giúp phòng bệnh cho khoảng 20.000 gia súc mỗi năm, giảm hàng trăm tỷ đồng nhập khẩu vaccine hằng năm; Sản xuất vaccine phòng Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo (PRRS) do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì đã tạo ra 209.340 liều vaccine nhược độc, với quy trình sản xuất vaccine ổn định.

Đặc biệt, đối với Dịch tả heo châu Phi (ASF), sau một thời gian thực hiện, đến nay, Cục Thú y đã chính thức chấp nhận cấp phép thực hiện khảo nghiệm vaccine ASF dùng chủng G-delta I 177 L do Công ty CP Thuốc Thú y Trung ương Navetco nghiên cứu sản xuất, làm cơ sở cho việc đăng ký lưu hành này tại Việt Nam. Cũng đang trong cuộc chạy đua sản xuất vaccine ASF, mới đây, ngày 21/11 Tập đoàn Dabaco tuyên bố, doanh nghiệp đang trên chặng cuối để hoàn thiện vaccine ASF. Đại diện doanh nghiệp cho biết, ngay sau khi tiếp nhận việc chuyển giao từ Mỹ virus chủng ASF G-Delta I177L/Delta VLR và dòng tế bào thường trực PIPIC (PIPEC), phòng thí nghiệm Dabaco đã đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm. Với kết quả thử nghiệm khả quan, vaccine ASF của Dabaco đang bước vào những giai đoạn quan trọng để chuẩn bị cho quá trình sản xuất đại trà trong thời gian tới.            

 >> Tạo miễn dịch bảo vệ để chống lại bệnh truyền nhiễm tiếp tục là vấn đề quan trọng và cấp thiết với ngành thú y toàn cầu trong các thập kỷ và thế kỷ tới. Để làm được điều này, cần một cơ chế giám sát các loại virus mới để nhanh chóng phát triển vaccine chống lại các bệnh nhiễm trùng mới nổi nguy hiểm nhất.

                Thái Thuận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *