Tuyên Quang: Sơn Dương đẩy mạnh chăn nuôi an toàn

(Người Chăn Nuôi) – Với nhiều lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm… thời gian qua, huyện Sơn Dương đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh thái giúp người dân nâng cao thu nhập, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Sản xuất an toàn sinh học

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Sơn Dương, toàn huyện đang có tổng đàn gia súc hơn 1,6 triệu con, với 75 trang trại, 7 hợp tác xã chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung ở các xã Hợp Thành, Tú Thịnh, Đông Thọ. Thực tế cho thấy, các hợp tác xã chăn nuôi đang phát huy tốt vai trò liên kết, định hướng sản xuất theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ, mang lại hiệu quả cao cho thành viên, hộ dân liên kết.

Điển hình cho mô hình chăn nuôi an toàn sinh học tại địa phương là anh Ma Văn Vĩ, với sự đồng hành của Hợp tác xã Hợp Thành, anh Vĩ đã mạnh dạn vay vốn 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng mô hình chăn nuôi gà thương phẩm từ hơn 100 con/năm lên khoảng 2.000 con/năm. Sau 3 tháng thả nuôi, nhờ sự chăm sóc cẩn thận cùng với sự đầu tư bài bản về hạn tầng nuôi cũng như trang bị kiến thức khoa học, anh Vĩ đã xuất bán lứa gà đầu tiên với giá 47.000 đồng/kg, thu lãi 25 triệu đồng. Đến nay, mô hình này đi vào ổn định, mỗi năm gia đình anh Vĩ nuôi được 3 lứa, mỗi lứa hơn 2.000 con gà thương phẩm, thu lãi gần 100 triệu đồng. Chia sẻ về mô hình, anh Vĩ cho biết, đàn gà của gia đình anh được nuôi theo hướng an toàn sinh học, hoàn toàn không có chất kích thích, chuồng nuôi được vệ sinh sạch sẽ, dải đệm lót sinh học, vừa đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa nâng cao chất lượng thịt.

chăn nuôi sơn dương

Chăn nuôi hữu cơ giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm ô nhiễm môi trường – Ảnh: CTV

Được biết đến là ông chủ trạng trại heo có quy mô lớn nhất huyện Sơn Dương, với doanh thu năm 2020 tới 5 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 5 tỷ đồng, anh Nguyễn Ngọc Sáng, thôn Đông Thịnh, xã Đông Thọ tạo việc làm cho 12 lao động tại địa phương với mức thu nhập trên 8 triệu đồng/người/tháng. Trang trại của anh Sáng với quy mô 20 ha, riêng khu vực chăn nuôi xây dựng trên 4 ha, 5 dãy chuồng khép kín, vốn ban đầu 5,5 tỷ đồng, chăn nuôi heo siêu nạc theo hướng công nghiệp hóa.

Để sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy mô chăn nuôi hàng hóa, gia đình anh Sáng đã đăng ký thực hiện theo Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, hợp đồng với đơn vị tư vấn có đủ tư cách pháp nhân hướng dẫn trang trại về quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đánh giá của đơn vị tư vấn, trang trại chăn nuôi của anh Sáng đã được công nhận và cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Giải quyết bài toán môi trường

Ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi luôn là một trong những vấn đề hóc búa và khó giải quyết trong nông thôn. Sau gần 2 năm triển khai (từ tháng 8/2019 đến tháng 7/2021), Dự án “Ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ quản lý hiệu quả chất thải chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” do Sở Khoa học và Công nghệ Tuyên Quang phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thực hiện tại xã Hợp Hòa, Sơn Nam và Đại Phú (huyện Sơn Dương) đã phát huy hiệu quả tích cực.

Là một trong những hộ dân tham gia dự án, anh Hoàng Văn Mão, thôn Yên Phú, xã Đại Phú nuôi khoảng 150 con heo thịt và 20 con heo nái, dù đã xây dựng công trình biogas với rất nhiều bể xử lý, song vẫn vượt quá công suất thiết kế, do lượng chất thải và nước thải vượt quá công suất xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Anh Mão cho biết, khi tham gia dự án, gia đình anh hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi heo, cùng hệ thống máy tách phân hiện đại để xử lý chất thải chăn nuôi. Bây giờ, với máy tách phân, chất thải được thu xuống bể lắng, sau đó máy tách phân sẽ bơm hút, xử lý tách ép chất bã là chất thải rắn. Từ chất bã này anh sử dụng ủ với men vi sinh, vôi, than hoạt tính tạo nên lượng phân hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao, không có mùi, tơi xốp, tốt cho cây trồng và mỗi tháng gia đình anh có thêm khoản thu nhập từ số phân bón hữu cơ này. Phần nước thải tách ra tiếp tục được cho xuống bể biogas vẫn tạo khí sinh học như bình thường. Sau đó, nước thải được thải qua hồ sinh học rồi mới thải ra môi trường nên đảm bảo trong xử lý ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi, các loại thức ăn chăn nuôi công nghiệp thông thường chưa cân bằng dinh dưỡng, thừa protein (đạm), heo ăn vào không tiêu hóa hết, thải ra môi trường gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Do vậy, dự án đã triển khai kỹ thuật phối trộn khẩu phần thức ăn cân bằng dinh dưỡng giúp heo hấp thu tối đa chất dinh dưỡng, tiết kiệm thức ăn, giảm phát thải khí gây mùi mà vẫn đảm bảo được năng suất và chất lượng sản phẩm heo thương phẩm.

Cũng như anh Mão, chị Trần Thị Sen, thôn Cao Đá, xã Sơn Nam cho biết, nhờ được dự án hỗ trợ dụng cụ, vaccine tiêm phòng, phân tích nguyên nhân nguồn gây ô nhiễm; Được hướng dẫn cách phối trộn khẩu phần ăn cân bằng dinh dưỡng hoàn chỉnh cho heo, cách xử lý chất thải và ủ phân theo công nghệ Nhật Bản -VCN… Đồng thời, áp dụng triệt để các quy trình kỹ thuật được dự án tập huấn chuyển giao và sử dụng thức ăn tự phối trộn so với thức ăn công nghiệp với chi phí thấp hơn 1.000 – 1.500 đồng/kg thức ăn, đàn heo 50 con của gia đình chị Sen sau thời gian nuôi đến khi xuất bán, đạt khối lượng 110 – 120 kg/con, trừ các khoản chi phí gia đình chị thu lãi 1,5  – 1,9 triệu đồng/con.

Thực tế cho thấy, khi chăn nuôi ngày càng phát triển thì vấn đề xử lý chất thải càng cần được quan tâm. Do đó việc ứng dụng thành công dự án ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải trong chăn nuôi heo sẽ giúp người dân giải quyết được bài toán khó về môi trường, tạo điều kiện để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng an toàn và bền vững, góp phần quan trọng giải quyết tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

>> Huyện Sơn Dương là địa phương đầu tiên trong tỉnh thành lập được Hội trang trại, lúc đầu chỉ có trên 30 thành viên nhưng đến nay con số đã là trên 200 thành viên. Đây là nơi để các chủ trang trại chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm quý trong làm ăn, thảo luận về giá cả thị trường, cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Ngọc Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *