Thực hiện phúc lợi động vật: Từng bước thay đổi nhận thức

Phúc lợi động vật (PLĐV) là việc đối xử nhân đạo để vật nuôi có trạng thái tốt nhất về mặt thể chất, tinh thần. Đối với nhiều quốc gia, đây là vấn đề không mới nhưng tại Việt Nam, mặc dù đã được quy định trong Luật Chăn nuôi song vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và hướng tới xuất khẩu, Bắc Giang là một trong những địa phương đi đầu triển khai thực hiện PLĐV.

Xuất phát từ những đòi hỏi thực tế cũng như hiện thực hóa các quy định của Luật Chăn nuôi, mới đây, Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh (Công ty Hải Thịnh, huyện Hiệp Hòa) đã bắt đầu thực hiện PLĐV trên đàn lợn và gà đẻ trứng. Đơn vị đăng ký thực hiện PLĐV đối với một số trại gà đẻ trứng và lợn theo quy trình của Tổ chức đối xử nhân đạo với động vật trang trại (HFAC). Các chuyên gia của tổ chức này đã đến tư vấn về hồ sơ, khảo sát trang trại và hướng dẫn các bước thực hiện.

phúc lợi động vật

Chuồng nuôi tại Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh được bố trí sào đậu cho gà.

Công ty bước đầu áp dụng đối với 5 nghìn con gà đẻ trứng. Theo quy trình mới, gà mẹ không được nhốt trong lồng chật hẹp, thay vào đó phải có không gian rộng rãi, thoáng mát, được bố trí sào đậu, ổ đẻ và các cơ sở vật chất khác theo tiêu chuẩn của tổ chức HFAC để gà thể hiện tập tính, hành vi tự nhiên của loài. Ngoài ra, doanh nghiệp (DN) hạn chế tiêm các chất kháng sinh, ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng, chống dịch bệnh.

Tương tự, đối với đàn lợn, Công ty Hải Thịnh đang sắp xếp, bố trí lại chuồng trại, vật tư nhằm bảo đảm cơ sở vật chất, không gian phù hợp cho gần 1 nghìn lợn nái theo tiêu chuẩn PLĐV. Nếu trước đây, bình quân mỗi con lợn chỉ được nuôi nhốt trong phạm vi 0,5 – 1 m2 thì nay được bố trí diện tích gấp đôi.

Về chế độ chăn nuôi cũng như phòng, chống dịch phải bảo đảm lợn không bị đói khát, có môi trường thích hợp, thoải mái vận động và không bị đối xử, đánh đập dẫn đến sợ hãi hay các căng thẳng khác. Quá trình vận chuyển, giết mổ lợn được giám sát chặt chẽ, trong đó bảo đảm vật nuôi được ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, được gây tê trước khi giết thịt và không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ…

Ông Lê Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Hải Thịnh cho biết: “Công ty cổ phần Tập đoàn Kido – đơn vị chuyên sản xuất thực phẩm đã đưa ra yêu cầu phải thực hiện PLĐV mới ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của Công ty cổ phần Dinh Dưỡng Hải Thịnh. Thực hiện PLĐV là tiền đề để DN hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường lớn”.

Ngoài Công ty Hải Thịnh, hiện Bắc Giang còn có Công ty cổ phần Chăn nuôi Sơn Động đang bước đầu áp dụng quy trình phúc lợi trên đàn lợn để xuất khẩu sản phẩm.

Theo cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh có tổng đàn trâu hơn 30,6 nghìn con, đàn bò gần 110 nghìn con, đàn lợn gần 900 nghìn con và đàn gia cầm gần 20 triệu con… Chăn nuôi lợn, gia cầm hiện chủ yếu theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp. Trong đó, chăn nuôi lợn gần như 100% được nuôi nhốt hoàn toàn. Tại các trại chăn nuôi lợn nái, việc nuôi nhốt trong cũi, lồng rất phổ biến. Chiểu theo quy định thì không bảo đảm tiêu chí PLĐV.

Thực hiện phúc lợi trong chăn nuôi không chỉ có ý nghĩa đối với vật nuôi mà còn hữu ích với con người và xã hội. Vấn đề này đã được cụ thể hóa từ Điều 69 đến Điều 72 của Luật Chăn nuôi. Theo ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), việc thực hiện PLĐV là rất cần thiết.

Giới chuyên gia trên thế giới đã kiểm chứng rằng, nếu vật nuôi được đối xử tốt về tinh thần, thể chất, bảo đảm yếu tố tự nhiên, tập tính loài và được giết mổ nhân đạo thì ngoài mang lại giá trị xã hội còn nâng cao chất lượng sản phẩm thịt, trứng, sữa. Ngược lại, khi con vật bị đối xử không tốt sẽ làm chúng đau khổ, ức chế và tiết ra những chất không có lợi, gián tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng sản phẩm.

Nhằm cụ thể hóa chiến lược xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi (lợn, gà) của Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như bảo đảm các tiêu chí về an toàn sinh học theo tiêu chuẩn quốc tế, mới đây, cơ quan chức năng của tỉnh đã mời chuyên gia đến tập huấn kiến thức về PLĐV và dự kiến sẽ nhân rộng trong thời gian tới.

Theo đó, Hội Bảo vệ động vật Việt Nam (VAWA) đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức lớp trang bị kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, người làm chuyên môn về chăn nuôi – thú y cấp tỉnh, cấp huyện hiểu đúng về PLĐV. Các nội dung tập trung đề cập là quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm quyền của vật nuôi, các tiêu chuẩn tối thiểu. Trong đó có các yêu cầu giãn mật độ nuôi, tạo không gian rộng rãi, thoáng mát và phù hợp tập tính từng loài. Đơn cử như lợn phải có nơi để ủi dũi, tắm mát, gặm nhấm; gà có sào đậu, ổ đẻ, chỗ bay nhảy…

Tuy nhiên, bước đầu thực hiện gặp nhiều khó khăn như làm phát sinh thêm chi phí đầu tư cơ sở vật chất, duy trì việc đánh giá cấp chứng nhận; phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cũng như sự giám sát của cơ quan chức năng, tổ chức quốc tế và quan trọng là phải thay đổi thói quen chăn nuôi cũ… Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục tuyên truyền để dần thay đổi nhận thức, giúp người chăn nuôi, người tiêu dùng hiểu được lợi ích từ PLĐV. Trong các chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cán bộ chuyên môn sẽ lồng ghép nội dung hướng dẫn kỹ thuật, quy trình thực hiện PLĐV nhằm nhân rộng mô hình .

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn: Báo Bắc Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *