Quảng Ninh: Bất cập của hệ thống thú y cơ sở

Những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi của Quảng Ninh có sự phát triển khá ổn định. Tuy nhiên, việc thu gọn đầu mối hoạt động của hệ thống thú y cơ sở trên phạm vi toàn tỉnh thời gian qua vẫn cho thấy một số khó khăn, bất cập, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi.

tiêm vắc xin cho gia cầm

Cán bộ thú y xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, tiêm vắc xin cho đàn gia cầm tại địa phương. Ảnh: Trần Hoàn (Trung tâm TT-VH Tiên Yên)

Sau hơn 5 năm thành lập Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện trên cơ sở hợp nhất trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật và bộ phận khuyến nông, thực hiện việc bổ sung chức danh nhân viên thú y xã, phường vào danh sách cán bộ không chuyên trách cấp xã, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, theo Nghị quyết số 55/2016/NQ-HĐND ngày 7/12/2016 của HĐND tỉnh, đã cho thấy đây là giải pháp nhằm thu gọn đầu mối quản lý, nâng cao tính chủ động cũng như năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của mạng lưới thú y, bảo vệ thực vật. Cụ thể, tổ chức bộ máy được sắp xếp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối. Các trung tâm thuộc cấp huyện quản lý toàn diện, nên được chỉ đạo rất sát sao về công tác cán bộ và kinh phí hoạt động, giúp cải thiện rõ rệt về hiệu quả của công tác phát hiện, thông tin và tổ chức dập dịch ngay từ những ổ dịch nhỏ nhen nhóm từ cấp hộ gia đình.

Cùng với đó, do đã tiến hành bổ sung chức danh nhân viên thú y xã, phường vào danh sách cán bộ không chuyên trách cấp xã, toàn tỉnh hiện đã không còn Ban chăn nuôi thú y ở xã, phường, thị trấn. Đội ngũ nhân viên thú y cấp xã đảm nhiệm cùng lúc công tác chăn nuôi và thú y tại địa phương về xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh dịch, tiêm phòng, phun khử trùng tiêu độc. Họ cũng là đầu mối thực hiện hành nghề và làm dịch vụ thú y theo quy định của pháp luật, triển khai công tác hỗ trợ theo chính sách… Cơ bản họ đều có trình độ chuyên môn phù hợp, đội ngũ ngày càng được đánh giá khá tốt về chuyên môn nghiệp vụ, đã đảm nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

khử trùng chuồng trại chăn nuôi

Cán bộ thú y xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, vệ sinh tiêu trùng, khử khuẩn chuồng chăn nuôi của hộ gia đình tái đàn sau đợt dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Cầm Khuê

>> Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 169 nhân viên thú y tại cấp xã, trong đó có 11 người làm kiêm nhiệm. Gồm các trình độ: 3 thạc sĩ Thú y; 8 Đại học Thú y, Chăn nuôi thú y; 4 Cao đẳng chăn nuôi thú y; 119 Trung cấp chăn nuôi thú y; 18 Chứng nhận đào tạo, tập huấn.
Nhân viên thú y cấp xã được hưởng mức phụ cấp 1,0 mức lương cơ sở theo Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y; 11 người hưởng phụ cấp kiêm nhiệm do kiêm nhiệm chức danh khác tại xã, phường (như khuyến nông, phụ nữ, đoàn thanh niên…), tùy thuộc vào tình hình ngân sách địa phương có thể được chi trả thêm từ 35 – 50% mức phụ cấp của công việc chính.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, hoạt động của cấp cơ sở cũng gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định, cần sớm được tháo gỡ. Cụ thể, do hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương được quy định theo Luật Thú y và các hoạt động chuyên ngành được quy định tại các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật. Vì vậy, sau khi sáp nhập các đơn vị, đã phát sinh những khó khăn trong việc áp dụng và thực hiện các quy định, nhiệm vụ theo luật và các nghị định, thông tư, do hệ thống ngành không phù hợp với các văn bản quy định.

Cùng với đó, do chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp bao gồm nhiều lĩnh vực, hoạt động với các chuyên ngành khác nhau, nhiệm vụ chính là các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ, vì thế việc phối hợp phòng chống dịch, giải quyết, xử lý các vụ việc vi phạm hành chính trong công tác thú y giữa các địa phương với nhau gặp nhiều khó khăn. Khi có dịch bệnh xảy ra cùng lúc trên phạm vi rộng, việc điều chuyển cán bộ thú y từ địa phương này sang hỗ trợ địa phương khác để dập dịch không được chủ động.

Cũng qua rà soát cho thấy, số lượng cán bộ có chuyên môn trong ngành chăn nuôi, thú y, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản từ cấp huyện đến cấp xã đều thiếu. Do đó, công tác tham mưu và tổ chức thực hiện theo chức năng nhiệm vụ chưa đủ yêu cầu để phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh dịch đối với động vật trên cạn và động vật thủy sản, trong khi đặc thù các địa phương đều phần lớn chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, theo quy mô nông hộ. Còn với hoạt động kiểm soát giết mổ, đánh giá của Sở NN&PTNT cũng cho thấy các địa phương hầu như chưa thực hiện được tại cơ sở nhỏ lẻ, chưa thu hút được nhà đầu tư vào đầu tư cơ sở giết mổ tập trung.

Việc sớm có cơ chế, chỉ đạo giải quyết dứt điểm những hạn chế nói trên sẽ giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động về chăn nuôi thú y trên địa bàn.

Hoàng Giang
Nguồn: Báo Quảng Ninh
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *