Quảng Bình: Hướng đến chăn nuôi bền vững

Chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ, phân tán đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay bởi tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh và quản lý ngày càng cao về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, việc di dời các cơ sở chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ ở các khu dân cư đang là xu thế tất yếu. Tại tỉnh Quảng Bình, nhiều địa phương đã bắt đầu tiến hành quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung và chuyển dần đàn vật nuôi ra khỏi khu dân cư…

Hình mẫu từ Tân Hóa

Xã Tân Hóa (Minh Hóa) là địa phương có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển chăn nuôi. Tận dụng được lợi thế này, nhiều năm qua, người dân nơi đây đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, mỗi năm, Tân Hóa phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của thiên tai, đàn gia súc luôn bị ảnh hưởng. Kèm theo đó, việc chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ, phân tán tại hộ gia đình khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm, khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin. Bởi vậy, việc Tân Hóa quy hoạch vùng chăn thả, vùng nuôi nhốt tập trung cho đàn gia súc được thực hiện trong hơn một thập kỷ qua, đang được xem là hình mẫu.

Ông Đinh Xuân Quyền, ở thôn 1 Yên Thọ (Tân Hóa) cho hay, trước đây, gia đình ông và các hộ dân ở địa phương đều bố trí chuồng trại chăn nuôi trâu, bò ngay trong vườn nhà.Điều này gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh bởi mùi hôi, chưa kể ở các tuyến đường trong thôn, tình trạng chất thải đàn gia súc vươngvãi khắp nơi, gây mất mỹ quan.

Khu chăn nuôi gia súc tập trung

Khu chăn nuôi gia súc tập trung ở thôn 3 Yên Thọ, xã Tân Hóa (Minh Hóa).

“Năm 2013, gia đình tôi được cán bộ xã, thôn đến vận động di dời chuồng nuôi gia súc ra khỏi khu dân cư. Lúc đầu, gia đình cũng phân vân bởi sẽ gây khó khăn trong việc chăm sóc, không an toàn cho đàn trâu, bò. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hai chuồng nuôi và di dời 4 con trâu, bò ra khu chăn nuôi tập trung của thôn. Việc chăn nuôi gia súc tập trung có rất nhiều ưu điểm về vệ sinh môi trường, tránh lũ, kiểm soát dịch bệnh, tiêm vắc-xin. Người dân cũng mong muốn địa phương đầu tư xây dựng các tuyến đường vào khu chăn nuôi tập trung để đi lại thuận lợi hơn…”, ông Đinh Xuân Quyền cho hay.

Ở thôn 2 Yên Thọ, xã Tân Hóa, khu chăn nuôi tập trung nằm cách khá xa khu dân cư, được bố trí trên đồng cỏ rộng mênh mông, đường bê tông nằm sát vì thế rất thuận tiện cho việc kiểm tra, chăm sóc đàn trâu, bò của bà con. Ở đây, các chuồng nuôi được quy hoạch khá bài bản với chuồng nuôi được làm bằng gỗ, gạch, mái lợp ngói, fibro xi măng…

Bà Trương Thị Thạo, ở thôn 2 Yên Thọ cho hay, bà vừa mới đi cắt cỏ cho đàn gia súc của gia đình đang nuôi ở khu chăn nuôi tập trung của thôn. Khu chăn nuôi tập trung này đã hình thành hơn chục năm qua, là địa điểm nuôi nhốt đàn gia súc với khoảng hơn 400 con trâu, bò của thôn.

“Gia đình tôi đang nuôi nhốt 3 con trâu ở đây. Trước đây nuôi gia súc trong nhà ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Giờ đưa gia súc khu chăn nuôi tập trung, rất thuận lợi về vệ sinh môi trường, chăm sóc, tránh lũ, tiêm phòng vắc-xin và kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc…”, bà Trương Thị Thạo thông tin.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hóa Trương Thanh Hùng cho biết, Tân Hóa hiện có trên 2.000 con trâu, bò. Năm 2010, địa phương đã manh nha thực hiện đưa đàn gia súc ra các khu chăn nuôi tập trung, nhưng thực tế việc quy hoạch và xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung mới được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ xã Tân Hóa, nhiệm kỳ 2015-2020. Cùng với việc vận động người dân di dời đàn gia súc ra khỏi vùng dân cư, địa phương còn khuyến khích người dân phát triển nguồn thức ăn tại chỗ phục vụ chăn nuôi, như tận dụng nhiều vùng lèn đá, đất hoang hóa trồng cỏ để phát triển chăn nuôi. Đến nay, diện tích trồng cỏ của xã là trên 108 ha.

Khu chăn nuôi gia súc tập trung

Chăn nuôi gia súc tập trung ở Tân Hóa đang là hình mẫu.

“Không gian sống của người dân sạch sẽ và trong lành hơn khi khu chăn nuôi tập trung nằm tách biệt ra khỏi vùng dân cư, không ô nhiễm môi trường, kiểm soát được dịch bệnh và tiêm vắc-xin. Hiện nay, có 4/6 thôn ở Tân Hóa có khu chăn nuôi tập trung, với hơn 2/3 số trâu, bò đã được đưa ra khu chăn nuôi tập trung. Với tầm nhìn đưa Tân Hóa trở thành làng du lịch cộng đồng thích ứng với thời tiết, việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp thông qua quy hoạch khu chăn nuôi tập trung là điều kiện cần để thu hút, tạo thiện cảm đối với du khách khi đến đây…”, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho hay.

Quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung

Hiện nay, toàn tỉnh có đàn trâu là 33.150 con, đàn bò 90.500 con, đàn lợn 285.000 con, đàn gia cầm 5.125.000 con. Trong 9 tháng năm 2023, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt khoảng 64.906 tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ; giá sản phẩm đối với trâu bò, gia cầm và một số loại vật nuôi khác tương đối ổn định…

Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đặng Thị Huế cho biết, trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn còn nhiều, chiếm khoảng 75% trên tổng số các cơ sở, trang trại chăn nuôi. Đây là một trong những khó khăn của ngành bởi khi chăn nuôi ở nông hộ chiếm tỷ lệ cao sẽ tiềm ẩn các nguy cơ về lây lan dịch bệnh, rất khó để triển khai thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, công tác vệ sinh, tiêu độc, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định…

“Việc thực hiện quy hoạch chuồng trại chăn nuôi gia súc tập trung ở xã Tân Hóa được xem như là hình mẫu để nhân rộng tại các địa phương khác trong tỉnh. Qua đó, không những góp phần phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập mà còn làm cho môi trường nông thôn được cải thiện đáng kể, xây dựng nông thôn mới, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững…”, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết thêm.

Được biết, Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ năm 2020 đã nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư và giao cho các địa phương trong thời gian 5 năm để ban hành quy định khu vực nào không được phép chăn nuôi.

Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Bình đã lấy ý kiến các sở, ban, ngành, địa phương về nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quy định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Khi nghị quyết được ban hành, các khu vực không được phép chăn nuôi sẽ được quy định cụ thể, rõ ràng ở từng địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 428 trang trại chăn nuôi, trong đó có 9 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 95 trang trại quy mô vừa và 324 trang trại quy mô nhỏ. Một số trang trại ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến khép kín, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi… 

Ngọc Hải

Nguồn: Báo Quảng Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *