Phòng trị bệnh viêm mũi khí quản gia cầm (phần 2)

(Thế Giới Gia Cầm) – Bệnh sưng phù đầu (Avian RhinoTracheitis – ART) thực chất là bệnh viêm mũi – khí quản mới của đường hô hấp nhưng các biểu hiện và bệnh tích lại tập trung ở vùng đầu là chính, vì thế mới có tên là bệnh sưng phù đầu do APV.

Bệnh tích

Một trong hai bên hoặc cả hai bên đầu bị phù nề, gà chảy nhiều nước mắt, nước mũi. Nước mắt và nước mũi luôn lẫn bọt khí là bệnh chứng đặc thù đầu tiên dễ phát hiện của bệnh ART. Mí mắt bị viêm sưng, mắt lèm nhèm; Hai mí dính lại, con ngươi mắt lồi lên, mắt nhắm híp căng phồng. Vạch mở 2 mí mắt thấy rõ viêm kết mạc tạo bọt đang trong quá trình thối gây mù mắt ở các giai đoạn khác nhau cũng là một trong các bệnh lý nổi bật của bệnh ART do APV.

Lột da vùng má, đầu, gáy cổ thấy rõ viêm tiết dịch nhầy vàng đặc tạo thành một lớp mô – tổ chức khá dày màu vàng nằm sát ngay dưới da. Đây cũng là bệnh tích đặc trưng thứ 2 của ART.

Viêm nhầy xuất huyết khí quản là bệnh tích đặc trưng thứ 3 thường xuyên thấy ở ART, tuy nhiên bệnh tích này rất dễ nhầm với các biểu hiện thuộc các bệnh: ILT, IB, ORT… Điều khác duy nhất là nhầy mũi do APV tạo ra nhanh chóng bị fibrin và cazein hóa thành các mảng màu vàng nâu hoặc vàng trắng đỏ lẫn bọt khí bám dính rải rác trong lòng khí quản.

xuất huyết khí quản

Viêm nhầy, xuất huyết khí quản tạo fibrin và bị cazein hóa

Khi bị bội nhiễm với E.coli thành SHS thì thấy rõ các cục viêm fibrin màu trắng vàng ngà dính chặt vào các cơ quan nội tạng hoặc viêm xuất huyết các màng bao tim, phổi, túi khí… và không ít người nhầm bệnh tích này với ORT.

Phổi cũng bị viêm nhầy tiết dịch, chứa nhiều nước thẩm xuất màu nâu vàng nên phổi bị phù nề, khi cắt đôi hoặc cắt ba lá phổi rồi bỏ vào nước thì thấy phổi chìm.

Buồng trứng, ống dẫn trứng là một trong cơ quan có các bệnh tích nổi bật của bệnh ART. Buồng trứng bị viêm xuất huyết hoại tử có nhiều trứng non bị thoái hóa, teo, thối hoặc bị biến dạng… Ống dẫn trứng mỏng, ngắn lại và cũng bị viêm thoái hóa hoại tử. Tuy nhiên không ít trường hợp lại thấy ống dẫn trứng tăng sinh và dày lên, rắn chắc hơn bình thường, nhưng trong mọi trường hợp đều ngắn hơn bình thường. Trong ống dẫn trứng có rất nhiều trứng bị tồn đọng do gà không đẻ được. Chính vì thế khi gà mắc bệnh ART do APV thì tỷ lệ đẻ giảm mạnh, có nhiều trứng vỏ mềm, kích thước khác nhau và màu sắc nhợt nhạt hơn hoặc khác hẳn so với bình thường.

 

Chẩn đoán phân biệt

Bệnh sổ mũi truyền nhiễm (IC):

– Các biến đổi vùng đầu: Mí mắt, mắt, sưng phù đầu, mù mắt đều thấy rõ ở cả hai bệnh IC và ART. Tuy nhiên ở IC, nước mắt không lẫn bọt, viêm kết mạc mắt không tạo bọt, không có viêm nhầy tiết dịch vàng tạo thành lớp mô – tổ chức màu vàng sát dưới da vùng đầu và gáy cổ.

– Ở IC, viêm thối mũi và các xoang rất nặng dẫn đến gà tịt mũi (nghẹt), gà phải thở bằng miệng nên lưỡi gà khô và thâm. Hơi thở ra có mùi khó chịu và bệnh chứng này không thấy ở ART do APV.

Bệnh IC không có các biến đổi ở khí quản, phổi, màng bao túi khí, màng tim… và cũng không có các biến đổi nặng nề ở buồng trứng và ống dẫn trứng. Tỷ lệ chết ở bệnh IC thấp, tỷ lệ giảm đẻ cũng không nặng nề như ở ART.

Bệnh OrnithoRhinoTracheitis (ORT)

Cả 2 bệnh viêm mũi khí quản ORT và ART đều có các hiện tượng viêm sưng mắt, mí mắt, phù đầu, viêm mũi, khí quản, phổi và túi khí. Tuy nhiên ở ART do APV thì các biến đổi vùng đầu gặp thường xuyên hơn và nặng nề hơn so với ORT, nhất là quá trình bệnh gắn liền với sự hình thành lớp mô tổ chức màu vàng nằm sát ngay dưới da vùng đầu đặc biệt là gáy cổ. Những biến đổi bệnh lý ở đường hô hấp thì ORT lại nặng hơn bệnh ART.

Thông thường ở ORT viêm nhầy xuất huyết tạo fibrin trong khí quản thường quan sát thấy ở đoạn 1/3 cuối – nơi tiếp nối với phổi. Dịch nhầy mủ tạo fibrin đang bị cazein hóa (bã đậu phụ) nút đầy hai nhánh chính khí quản vào hai lá phổi và không ít trường hợp các cục bã đậu hình ống được quan sát rõ trong phổi và bệnh tích này không có ở ART.

thành túi khí dày

Thành túi khí dày, mờ, đục, được phủ các mảng fibrin màu trắng vàng ngà, luôn lẫn bọt khí.

Biến đổi bệnh lý ở túi khí: Túi khí bệnh ART bị dày lên do viêm tiết dịch lẫn bọt khí màu trắng ngà trong khi ở ORT trên bề mặt túi khí có vô số cục fibrin màu vàng không lẫn bọt khí bám dính.

Ở ART không quan sát thấy ho nấc, gà không thở hổn hển nặng nhọc và liên tục như ở ORT.

Bệnh ART nguyên phát không có tiêu chảy phân vàng lẫn bọt như ORT trừ trường hợp bội nhiễm với E.coli.

Bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm (ILT):

Bệnh ART do APV và ILT có một số biểu hiện giống nhau gồm: Gia cầm hay lắc đầu vảy mỏ khạc đờm, sưng phù đầu, viêm nhầy xuất huyết khí quản. Tuy nhiên sưng phù đầu ở ART do APV các bệnh chứng thường trực là viêm mí mắt, mắt híp, mù mắt rất nặng và chiếm tỷ lệ lớn, trong khi đó ở ILT thỉnh thoảng mới thấy phù nề đầu, viêm kết mạc không tạo bọt và luôn kèm theo ho ngạt từng cơn theo chu kỳ. Thanh khí quản bị viêm xuất huyết nhầy lẫn máu rất nặng, nhiều trường hợp thấy cả cục nhầy máu đông trong khí quản hoặc khi gà vảy mỏ khạc đờm ra sàn, lên tường sau cơn ngạt. Đôi khi thấy một số trường hợp gà bị lộn cả vùng thanh khí quản ra ngoài miệng. Trong khí quản thấy các mảng fibrin đang bị canxi hóa nằm rải khắp dọc theo khí quản. Những mảng fibrin đó ít khi bị cazein hóa và không lẫn bọt khí.

Ở bệnh ILT không có viêm tiết dịch màu vàng tạo thành lớp mô tổ chức dưới da má, dưới da đầu và gáy cổ. Đôi khi quan sát thấy màng giả dễ bóc ở vùng hầu họng. Buồng trứng, ống dẫn trứng rất ít khi bị ảnh hưởng mặc dù tỷ lệ đẻ có giảm. Túi Fabricius bị sưng mọng, có kích thước lớn như gà bị Gumboro. Niêm mạc hậu môn viêm xung huyết hoặc xuất huyết, bị phù nề và sưng mọng thậm chí được phủ màng giả… Các bệnh tích này không thấy ở ART.

Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB): Có 2 thể biểu hiện:

– Thể hô hấp với các triệu chứng viêm đường hô hấp kèm theo thở khó với tiếng ran rít trong khí quản phát ra như tiếng sáo. Bệnh lây lan rất nhanh và thỉnh thoảng có gà bị phù nề đầu (rất hiếm gặp). Ở gà đẻ, bệnh IB cũng gây giảm đẻ tới trên 70% trong khi đàn gà hoàn toàn khỏe mạnh, không có các bệnh tích viêm thối buồng trứng, trứng đẻ ra không thay đổi màu sắc nhưng vỏ trứng dày, xù xì với kích thước khác nhau.

trứng non bị dập

Viêm, thối nhiều trứng non bị dập, vỡ. Tồn lưu nhiều trứng hỏng trong ống dẫn trứng do gà không đẻ được

– Viêm phế quản thể thận: Viêm phế quản thể thận có thể xảy ra cùng với thể hô hấp nhưng nhiều trường hợp thể bệnh này xảy ra độc lập mà không liên quan đến các biểu hiện đường hô hấp với các triệu chứng điển hình là tiêu chảy phân trắng loãng không kiểm soát, bệnh tích tập trung ở thận… và các biểu hiện này không thấy ở ART.

Bệnh Newcastle

Ở cả 2 bệnh Newcastle và bệnh ART đều có chung hiện tượng giảm đẻ, có nhiều trứng với kích thước khác nhau, dị dạng, vỏ mềm… Ở bệnh Newcastle thấy: Mào gà thường bị thâm đen, ít khi gà bị sưng phù đầu. Màu vỏ trứng không thay đổi. Gà bệnh bị tiêu chảy phân xanh trắng. Mổ khám thấy bệnh tích viêm xuất huyết đường tiêu hóa rất nặng, nhất là dạ dày tuyến, ruột non, van hồi manh tràng và niêm mạc hậu môn. Những trường hợp Newcastle thể phát nhanh còn thấy các biểu hiện thần kinh.

PGS.TS Lê Văn Năm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *