Người nuôi bò gặp khó

Hiện nay, giá thức ăn gia súc tăng, trong khi đó, giá bò thịt, bò giống liên tục sụt giảm từ đầu năm 2023 đến nay nên người nuôi bò không có lợi nhuận nhiều, thậm chí lỗ vốn.

Gia đình ông Phạm Bá Lộc (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An, tỉnh Long An) nuôi bò thịt, bò sinh sản gần 7 năm. Nhờ nuôi bò, kinh tế gia đình ông dần ổn định. Thế nhưng, từ đầu năm 2023 đến nay, giá bò thịt, bò giống sụt giảm mạnh khiến việc chăn nuôi của gia đình gặp nhiều khó khăn. Ông vừa xuất chuồng bán 8 con bò thịt giống 3B, với giá từ 31 – 34 triệu đồng/con. Trong khi đó, năm 2021, ông bán với giá từ 45 – 50 triệu đồng/con, có giai đoạn bán 70 triệu đồng/con.

nuôi bò gặp khó

Gia đình anh Trần Minh Thành (xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An) chỉ để lại 2 con bò sinh sản, không dám nuôi nhiều vì sợ lỗ vốn

Ông Lộc bộc bạch: “Giống bò này, tôi nuôi gần 2 năm mới xuất bán. Nhẩm tính đàn bò bán ra chỉ huề vốn, không có lợi nhuận nhiều. Hiện gia đình chừa lại 2 con bò sinh sản để nuôi cầm chừng, tận dụng cỏ xung quanh nhà làm thức ăn cho bò”.

Bà Nguyễn Ngọc Hận (phường 5, TP.Tân An) gắn bó với nghề nuôi bò hơn 10 năm. Bà Hận nuôi bò vàng nên thức ăn chủ yếu là cỏ. Trước đây, hàng năm, bà thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng từ bán bò giống, bò thịt. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, bà chưa bán được con bò nào vì giá xuống thấp, không có thương lái đến mua.

Bà Hận chia sẻ: “Những năm trước, 1 con bò vàng nuôi 2 năm, tôi bán được trên 30 triệu đồng, còn năm nay chỉ bán được 18 triệu đồng, tương đương với giá 1 con bê trước đây. Do đó, gia đình tôi quyết định không bán. Hiện tôi nuôi gần 30 con bò vàng, phần lớn lấy công làm lời, tận dụng đất xung quanh nhà trồng cỏ và các phế phẩm nông nghiệp để giảm chi phí thức ăn. Dù gặp khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì nuôi bò, chờ giá tăng thì tiếp tục tái đàn, xuất bán”.

Tận dụng đất xung quanh nhà hàng trăm mét vuông, anh Trần Minh Thành (xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An) trồng cỏ nuôi bò. Trước đây, đàn bò của gia đình duy trì từ 7 – 8 con. Còn hiện nay, anh đành ngậm ngùi bán gần hết đàn bò, chỉ chừa lại 2 con nuôi cầm chừng để khi giá bán tăng sẽ tái đàn. Anh Thành trải lòng: “Hiện nay, càng nuôi nhiều càng lỗ, bởi giá bò thấp, giá thức ăn tăng cao. Với giá như hiện nay, người nuôi chỉ huề vốn. Tôi gắn bó với nuôi bò thịt, bò giống mấy chục năm nay nên bỏ cũng không đành”.

Xã Hướng Thọ Phú là một trong những địa phương có số lượng đàn bò lớn trên địa bàn TP.Tân An. Tuy nhiên, hiện nay, đàn bò trên địa bàn xã giảm từ 500 – 700 con so với những năm trước. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An – Võ Minh Ba thông tin: “Giá thức ăn tăng cao, trong khi giá bò giảm mạnh, cộng với tình hình dịch bệnh tiềm ẩn nên người dân không còn mặn mà với nuôi bò. Từ lâu, nuôi bò góp phần giúp người dân tăng thu nhập nhưng hiện nay, giá bò thấp ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân”.

Với những biến động của thị trường hiện nay, hy vọng ngành chức năng sẽ có giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp hoặc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo đầu ra ổn định cho đàn bò. Riêng người nuôi bò cần áp dụng các biện pháp nuôi theo hướng an toàn sinh học; đồng thời, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để giảm chi phí chăn nuôi, tăng lợi nhuận./.

Lê Ngọc

Nguồn: Báo Long An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *