Lợi ích kép từ nuôi giun quế

Theo các nhà nghiên cứu, giun quế (tên gọi khác là trùn quế) là thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng, với hàm lượng chất đạm cao. Bên cạnh đó, loại thức ăn này còn dễ sản xuất, góp phần giảm chi phí đầu tư chăn nuôi, tạo ra nguồn thực phẩm sạch.

Nhận thấy những ưu điểm này, từ khoảng năm 2014, trên địa bàn huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) đã có một số hộ dân ở các xã: Phấn Mễ, Yên Lạc, Động Đạt mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi giun quế làm thức ăn cho vật nuôi (chủ yếu là các giống gà). Nhằm nhân rộng mô hình này và khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, bền vững, tháng 6/2021, UBND huyện Phú Lương đã hỗ trợ phát triển mô hình nuôi giun quế và gà an toàn sinh học cho 11 hộ dân thuộc các xã: Phủ Lý, Phấn Mễ, Động Đạt, Ôn Lương.

nuôi gà bằng giun quế

Đàn gà nuôi bằng giun quế của gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Năng, xã Na Dau, xã Phủ Lý (Phú Lương) hiện đang sinh trưởng tốt, cân nặng đạt từ 2,2 đến 2,5 kg/con.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống giun quế sinh khối, giống gà Tiên Yên (Quảng Ninh), cám cho gà từ 1 đến 22 ngày tuổi. Ngoài ra, các hộ được tham gia tập huấn khoa học kỹ thuật chăn nuôi. Riêng tại Phủ Lý – do xã thuộc vùng khó khăn nên các hộ được hỗ trợ thêm máy hút chân không để đóng gói sản phẩm thịt gà, máy băm nghiền đa năng để phối trộn thức ăn chăn nuôi, máy nghiền cám inox…

Qua hơn 4 tháng triển khai thực hiện, mô hình đã đạt được hiệu quả tích cực. Anh Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp chăn nuôi, trồng trọt xã Phấn Mễ cho biết: Khi gà được 1 tháng tuổi, chúng tôi sử dụng thức ăn được phối trộn từ giun quế kết hợp với thóc, bột ngô. Gà được nuôi bằng giun quế có sức đề kháng tốt hơn, ít mắc các bệnh thường gặp, như: Khô chân, cúm gà, tiêu chảy. Hiện nay, gia đình tôi đã chủ động được nguồn thức ăn, giảm được chi phí sản xuất.

Theo tính toán của anh Hòa, sau 4 tháng chăn nuôi, trọng lượng bình quân của mỗi con gà đạt khoảng 2,2 kg, giá bán ra cao gấp 1,5 đến 2 lần so với gà nuôi bằng cám công nghiệp. Hiện nay, gia đình anh đã mở rộng diện tích nuôi giun quế lên 600 m2. Ngoài việc chủ động thức ăn cho đàn vật nuôi, anh Hòa còn có thêm nguồn thu từ việc bán giun tinh. Trung bình mỗi tháng, anh xuất bán được 2 tạ giun tinh với giá 50 nghìn đồng/kg.

Ngoài những hiệu quả về mặt kinh tế, nuôi giun quế làm thức ăn chăn nuôi còn có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ môi trường. Bởi lẽ, giun quế là động vật có khả năng phân giải chất thải hữu cơ, phân vật nuôi để chuyển hóa thành phân bón cho cây trồng. Do đó, khi nuôi loại giun này sẽ góp phần xử lý chất thải chăn nuôi, làm sạch môi trường hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Thùy Năng, xã Na Dau, xã Phủ Lý, chia sẻ: Gia đình tôi nuôi 1 con trâu và 2 con bò. Trước đây, tôi thường sử dụng phân trâu, bò để bón cho cây trồng hoặc thải ra môi trường, khiến không khí, nguồn nước bị ô nhiễm. Kể từ khi được chính quyền địa phương hỗ trợ, hướng dẫn nuôi giun quế, tôi đã tận dụng được phân trâu, bò để chăn giun. Trung bình, cứ 2 ngày, 100 gam giun quế tiêu hủy được 1kg phân gia súc.

Ông Ma Tiến Kốp, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương đánh giá: Từ hiệu quả bước đầu mà mô hình nuôi giun quế mang lại, thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu triển khai nhân rộng trên toàn huyện. Hiện nay, nhằm mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chúng tôi cũng đang triển khai hỗ trợ các hộ tham gia mô hình về nhãn mác, bao bì sản phẩm gà thịt.

Phan Trang

Nguồn: Báo Thái Nguyên
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *