Không thể kiểm soát được dịch bệnh nếu vẫn để xảy ra nhập lậu

(Người Chăn Nuôi) – Tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới vào nước ta trong thời gian qua vẫn diễn ra phức tạp, điều này không chỉ tác động đến ngành chăn nuôi trong nước mà còn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm và sức khỏe của người tiêu dùng.

Số lượng nhập lậu vẫn rất lớn

Thông tin tại Hội nghị “Ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm” diễn ra mới đây, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết: Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ NN&PTNT thường xuyên, liên tục ban hành rất nhiều văn bản, tổ chức các Đoàn công tác, các hội nghị quán triệt nhưng việc triển khai công tác chống buôn lậu gia cầm của các địa phương còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc ngăn chặn gặp khó khăn. 

nhập lậu gia cầm

Bội đội Biên phòng Trà Cổ bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép hơn 17.000 con gà giống. Ảnh: Hữu Việt.

Cũng theo ông Minh, tình hình buôn bán, vận chuyển, nhập lậu trong 9 tháng đầu năm nay có chiều hướng gia tăng rất mạnh. Một số tỉnh trọng điểm về buôn bán, vận chuyển, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật như Lạng Sơn phát hiện 31 vụ; 101.800 con gia cầm giống; 4.000 gia cầm thịt; 8.532 kg/sản phẩm động vật. Tỉnh Quảng Ninh phát hiện 41 vụ; 14.795 gia cầm giống; 27.900 quả trứng giống; 16.695 kg/sản phẩm động vật. Tỉnh Cao Bằng phát hiện 59 vụ; 39.000 gia cầm giống; 347 gia súc; 16.012 quả trứng giống; 31.351 kg/sản phẩm động vật. Tỉnh Long An phát hiện 5 vụ, tiêu hủy 68 con heo, 26 con bò; xử phạt vi phạm hành chính 4 đối tượng với số tiền là 27 triệu đồng và khởi tố 3 bị can.

Còn theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA), ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 – 250.000 tấn/năm. VIPA cũng cho biết, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Đây là những con số đáng báo động. 

Nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm

Việc nhập lậu gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm không chỉ khiến cho thị trường trong nước gặp khó khăn mà còn khiến cho nguy cơ dịch bệnh thêm căng thẳng.

Một số dịch bệnh điển hình xâm nhập vào nước ta có thể kể đến như: Bệnh cúm gia cầm (CGC) do vi rút CGC A/H5N1 đã xâm nhiễm vào Việt Nam vào cuối năm 2003, sau đó xâm nhiễm hơn 10 biến chủng phân nhánh. Cũng từ đó đến nay nước ta đã ghi nhận 124 ca bệnh CGC trên người. Trên đàn heo, bệnh tai xanh xâm nhiễm vào Việt Nam năm 2007; bệnh lở mồm long móng xuất hiện năm 2012; Bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào nước ta vào tháng 2/2019; còn bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2020.

cúm gia cầm

Gà nhập lậu có thể mang theo mầm mống của bệnh cúm gia cầm. Ảnh: ST

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam lo ngại: Nếu không kiểm soát tốt nhập lậu thì không thể kiểm soát được dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là khi đại đa số bệnh dịch trong chăn nuôi ở Việt Nam là do truyền nhiễm từ nước ngoài vào. Cùng với đó, hệ lụy là không kiểm soát được an toàn thực phẩm và rõ ràng sức khỏe của người tiêu dùng cũng bị đe dọa.

Kiên quyết đấu tranh 

Tham gia chủ trì Hội nghị về chống buôn lậu gia cầm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Nếu vẫn còn trâu, bò lậu, heo lậu, gà vịt lậu thì ngành chăn nuôi không thể phát triển. Hiện tại các nghị định, luật, thông tư, chỉ thị, công điện… về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật… đã có đầy đủ, vấn đề quan trọng là công tác tổ chức thực hiện thế nào cho hiệu quả. Qua đây, tôi đề nghị các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh đó cần phối hợp chặt chẽ, xây dựng quy chế phối hợp cụ thể.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ nước ngoài, Cục Thú y cam kết sẽ tăng cường lực lượng thú y kiểm tra tại các chợ đầu mối, thường xuyên cử cán bộ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức trực tại các chốt kiểm dịch 24/24 giờ. Phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng Giấy chứng nhận kiểm dịch khống, Giấy chứng nhận kiểm dịch giả, Thực hiện nghiêm việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định của Luật Thú y.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *