Khởi nghiệp từ mô hình nuôi heo rừng lai

Vài năm trở lại đây, việc nuôi heo rừng lai được nhiều người dân trong tỉnh quan tâm nhờ nhu cầu tiêu thụ mạnh. Do đó anh Võ Trí Thức (thôn Phú Khánh, xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đã mạnh dạn khởi nghiệp bằng con nuôi này.

Sau khi tìm hiểu và học tập kinh nghiệm từ nhiều nơi, đầu năm 2021, anh Thức đã lặn lội tới các tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắk, Lâm Đồng tìm mua 10 con giống heo rừng lai về nuôi. Chuồng trại được làm khá đơn giản, có mái che và lưới B40 được chôn sâu trên diện tích khoảng 60 m2. Anh Thức chia sẻ: “Heo rừng lai có nguồn gốc hoang dã nên có đặc tính ăn tạp, kháng bệnh tốt, công chăm sóc ít. Thức ăn cho heo chủ yếu là thân cây chuối, cám gạo, bắp cùng với cây cỏ, rau củ, quả có sẵn trong vườn. Trong chu kỳ nuôi, chú ý giai đoạn tách đàn để cai sữa mẹ cho heo con, vì thời điểm này rất dễ mắc bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Người nuôi phải vệ sinh chuồng trại thường xuyên, dọn bỏ thức ăn thừa, rửa sạch máng ăn, máng uống. Đồng thời trong quá trình nuôi, cần chú ý tiêm vắc xin đầy đủ, có sổ ghi chép theo dõi cho cả đàn”.

nuôi heo rừng

Đàn heo rừng lai của anh Võ Trí Thức mang lại giá trị kinh tế cao.

Với tính cần cù và áp dụng linh hoạt những hướng dẫn của chủ các trang trại, đến nay tổng số heo mà anh Thức có là 40 con, trong đó có cả lứa heo thịt chuẩn bị xuất chuồng và heo con chưa đầy 1 tháng. Cũng theo anh Thức, trung bình mỗi lứa heo thịt nuôi khoảng 6 tháng, mỗi con nặng 25 kg là xuất bán được. Còn heo giống được người dân đến tận chuồng mua với giá 3 triệu đồng/cặp, mỗi con nặng từ 5 – 6 kg. Như vậy so với nuôi gà, vịt, bò thì nuôi heo rừng lai có giá trị cao hơn, ít bị rủi ro hơn. Hiện anh Thức đang tìm nguồn giống đảm bảo chất lượng để tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi này.

Với thành công ban đầu của anh Võ Trí Thức, Xã đoàn Hàm Mỹ đã giới thiệu cho nhiều thanh niên nông thôn tham quan học tập để chuyển đổi cho phù hợp. Anh Võ Minh Thư – Bí thư Xã đoàn cho biết: Những năm gần đây giá thanh long không ổn định đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu việc làm và thu nhập của thanh niên nông thôn. Những mô hình kinh tế mới là bước đột phá để thanh niên mạnh dạn thử nghiệm, làm chủ kinh tế, đa dạng cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện ở địa phương. Đoàn Thanh niên sẽ đề xuất với chính quyền địa phương và phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn để người chăn nuôi có thêm kinh nghiệm, kỹ thuật và lựa chọn nguồn giống đảm bảo, nâng cao hiệu quả. 

>> “Thịt heo rừng lai có thể chế biến thành các món ăn như quay, nướng, hấp. Chính nhờ sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên nên thịt chắc, nhiều nạc, ít mỡ. Sản phẩm được người dân tin dùng, ở nhiều thời điểm cung không đủ cầu”, anh Võ Trí Thức nói.

Thùy Linh

Nguồn: Báo Bình Thuận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *