Lâm Đồng: Ngành chăn nuôi đang đối mặt với nhiều khó khăn

Gần đây, ngành chăn nuôi trên địa bàn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là giá thức ăn và nguyên liệu tăng cao khiến giá thành sản xuất “đội lên”, nhiều giá sản phẩm chăn nuôi hiện thấp hơn giá thành sản xuất.

Thống kê 6 tháng đầu năm 2023, tổng đàn gia súc trên địa bàn đạt 560.150 con, đàn gia cầm trên 9,4 triệu con. Sản lượng sản phẩm chăn nuôi các loại đạt 59.270 tấn, trứng gia cầm đạt 210.550 ngàn quả; sữa tươi đạt 51.960 tấn/năm; mật ong đạt 870 tấn. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.358 trang trại chăn nuôi, trong đó có 81 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 405 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 872 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và khoảng 28.248 hộ chăn nuôi. Tỷ lệ gia súc, gia cầm chăn nuôi trong các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn và vừa chiếm khoảng 37% tổng đàn, chăn nuôi quy mô nhỏ và chăn nuôi nông hộ khoảng 63% tổng đàn.

Theo đánh giá từ ngành Nông nghiệp, chất lượng đàn vật nuôi được nâng cao, tỷ lệ đàn bò sữa thuần đạt trên 90%, tỷ lệ đàn bò lai đạt trên 78% tổng đàn và tỷ lệ giống lợn ngoại và lợn lai đạt trên 95%. Địa phương đang ưu tiên phát triển các đối tượng vật nuôi chính, có lợi thế của tỉnh là bò sữa, bò thịt cao sản, lợn, gia cầm, tằm và cá nước lạnh.

chăn nuôi Lâm Đồng

Giá thức ăn, nguyên liệu tăng cao khiến người dân chưa bù đủ chi phí sản xuất, hoạt động chăn nuôi cầm chừng

Trong khi đó, phương thức chăn nuôi hữu cơ được xác định là xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp nhằm tạo ra thực phẩm an toàn, đảm bảo hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong quá trình canh tác, góp phần bảo vệ môi trường. Đến nay, địa phương đã công nhận 1 vùng chăn nuôi bò sữa công nghệ cao trên địa bàn xã Tu Tra, Đạ Ròn (huyện Đơn Dương) quy mô 13.850 con. Có một doanh nghiệp được UBND tỉnh chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 150 ha, quy mô 2.800 con bò sữa.

Ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, ngành chăn nuôi địa phương đã từng bước phát triển, chuyển dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn và vừa. Tuy nhiên, sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, số lượng gia súc, gia cầm được chăn nuôi theo phương thức tận dụng, phân tán, với quy mô nông hộ còn chiếm tỷ lệ cao, hiệu quả chăn nuôi còn thấp.

Đặc biệt do giá cả vật tư đầu vào ở mức cao, giá bán sản phẩm chăn nuôi ở mức thấp và không ổn định duy trì trong thời gian dài khiến bà con nông dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đến nay, giá lợn hơi, gà thịt, trứng có chiều hướng tăng nhưng chưa bù đủ chi phí sản xuất, hoạt động chăn nuôi cầm chừng, một số cơ sở không đầu tư phát triển tăng đàn.

Riêng ngành dâu tằm, hiện chưa chủ động được nguồn trứng giống tằm, phụ thuộc phần lớn nguồn giống nhập khẩu. Công tác nhập khẩu trứng giống tằm theo đường chính ngạch chưa được thực hiện, công tác nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng để phục vụ sản xuất. Trong khi diện tích trồng dâu tại địa phương đang phát triển mạnh đạt 9.681 ha, sản lượng kén tằm đạt 6.570 tấn, với khoảng trên 15.000 hộ trồng dâu, nuôi tằm.

Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách đầu tư, hỗ trợ cho phát triển chăn nuôi cùng với việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển chăn nuôi, giết mổ, chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Đây chính là một trong những thách thức chính đối với sự phát triển của ngành Chăn nuôi Lâm Đồng hiện nay và dự báo cả ở những năm tiếp theo.

Nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành chăn nuôi địa phương, ngành Chăn nuôi Lâm Đồng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng trang trại chăn nuôi quy mô lớn, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, chăn nuôi khép kín, chăn nuôi hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, chú trọng các giải pháp nhằm phát triển liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại.

Về đề xuất tháo gỡ khó khăn, ngày 18/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ làm việc, đàm phán với cơ quan chức năng có thẩm quyền của Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được nhập khẩu trứng tằm theo đường chính ngạch, đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất, tránh phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay.

C.Phong

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *