Hiệu quả từ dự án chăn nuôi bò giúp phụ nữ yếu thế

Cách đây 3 năm, thông qua dự án “Ngân hàng bò GCS” – Hàn Quốc do Tổ chức Chia sẻ dân sự toàn cầu (GCS) triển khai, nhiều phụ nữ yếu thế trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi bò, phát triển kinh tế. Từ đó đến nay, dự án đã phát huy tốt hiệu quả, giúp nhiều chị em khó khăn nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Trước đây, gia đình chị Phạm Thị Linh (sinh năm 1975), ở thôn Mỹ Tường, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ thuộc diện cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Năm 2019, thông qua Hội LHPN huyện Cam Lộ, chị được dự án “Ngân hàng bò GCS” hỗ trợ cho vay 18 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản, phát triển kinh tế. Số tiền này ban đầu được vợ chồng chị Linh sử dụng để xây dựng chuồng trại; mua một con bò đực trị giá 16 triệu đồng về nuôi trong vòng 5 tháng và bán lại với giá 26 triệu đồng. Nhờ đó, vợ chồng chị có tiền trang trải nợ nần, mua tiếp một con bò giống trị giá 18 triệu đồng về chăm sóc. Bò của chị phát triển rất tốt, chỉ sau một năm đã sinh sản một bê con, bán được 15 triệu đồng. Hiện tại bò mẹ tiếp tục sinh thêm một bê con đã hơn 2 tháng tuổi. Theo chị Linh, việc chăn nuôi bò không quá vất vả vì chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn có sẵn như cỏ, khoai, sắn… “Chỉ trong vòng 2 năm từ khi tiếp cận nguồn vốn, mua bò về chăn nuôi, gia đình tôi đã bớt đi phần nào những khó khăn, có tiền cho con cái đi học và sửa sang nhà cửa. Tính ra, bình quân mỗi năm một bò mẹ sinh một bê con, chúng tôi có khoản thu nhập khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng”, chị Linh chia sẻ.

nuôi bò

Bò do chị Linh nuôi phát triển tốt, sinh sản thêm một bê con – Ảnh: T.P

Cũng như chị Linh, chị Võ Thị Luyến (sinh năm 1988), ở thôn Mỹ Tường, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ được dự án “Ngân hàng bò GCS” hỗ trợ giải ngân 18 triệu đồng chăn nuôi bò sinh sản từ năm 2019. Chị Luyến cho hay: “Thời điểm đó, cùng với số tiền được hỗ trợ, vợ chồng tôi vay mượn bạn bè, người thân thêm một ít để đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố và mua 2 con bò mẹ về nuôi. Sau 2 năm chăm sóc, bò phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh. Hiện tại, đàn bò của chúng tôi đã tăng từ 2 con lên 5 con. Dù đã có thể bán được nhưng vợ chồng tôi bàn bạc tiếp tục nuôi để bò sinh sản nhiều hơn”. Chị cũng cho biết thêm, gia đình chị nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt để đảm bảo bò hạn chế tiếp xúc với bò chăn thả, tránh xa các mầm bệnh. Đều đặn mỗi tháng, chị tiết kiệm 500 nghìn đồng để hoàn trả vốn vay cho dự án. “Không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành đến Hội LHPN huyện, tổ chức GCS. Tôi mong rằng dự án “Ngân hàng bò GCS” sẽ tiếp tục được triển khai để các chị em, đặc biệt là phụ nữ yếu thế như chúng tôi được hỗ trợ nguồn vốn phát triển kinh tế, thoát nghèo”, chị Luyến tâm sự.

Được triển khai từ năm 2019, dự án “Ngân hàng bò GCS” tại huyện Cam Lộ do Quỹ Hạnh phúc KRX tài trợ vốn, Tổ chức GCS là đơn vị quản lý vốn, Hội LHPN huyện Cam Lộ tổ chức thực hiện với mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình hội viên phụ nữ có người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, hộ nghèo… nâng cao thu nhập thông qua hoạt động chăn nuôi bò sinh sản, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống. Giai đoạn 2019 – 2022, dự án đã hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi bò sinh sản cho 50 hội viên phụ nữ thuộc đối tượng dễ tổn thương với tổng số tiền là 900 triệu đồng. Trong đó, mỗi hộ được vay 18 triệu đồng với lãi suất 0,2%/tháng. Số lãi suất này chủ yếu để phục vụ công tác quản lý vốn. Sau thời hạn 3 năm vay vốn, các hộ sẽ hoàn trả vốn cho dự án để dự án tiếp tục giúp đỡ các hộ khó khăn khác trong cộng đồng. Cùng với hỗ trợ vay vốn, các hội viên phụ nữ còn được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, quản lý vốn cũng như cung cấp dụng cụ thú y để các hộ gia đình thực hiện dự án có hiệu quả.

Quản lý dự án “Ngân hàng bò GCS” tại Quảng Trị Hồ Việt Hưng cho biết: “Thời gian qua, thông qua Hội LHPN huyện Cam Lộ, chúng tôi đã triển khai 2 dự án cho 95 hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện. Trong đó, dự án thứ nhất được thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2022 với tổng số vốn là 900 triệu đồng cho 50 hộ dân tại các xã Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam An; dự án thứ hai thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2022 với tổng số vốn 720 triệu đồng cho 45 hộ dân ở các xã Cam Chính, Cam Tuyền và Cam Thành. Chúng tôi thấy rằng, đây là một dự án rất phù hợp với các hội viên phụ nữ, đặc biệt là đối tượng phụ nữ yếu thế, dễ bị tổn thương trên địa bàn huyện. Việc chăn nuôi bò sinh sản là giải pháp hiệu quả nâng cao thu nhập, trao cơ hội thoát nghèo cho chị em. Đặc biệt rất phù hợp với điều kiện và khả năng lao động của các hộ gia đình có người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, thường xuyên đau ốm, bệnh tật”. Anh Hưng cũng cho biết thêm, từ năm 2016 đến nay, tổ chức GCS đã thực hiện được 22 dự án chăn nuôi bò với tổng ngân sách là 13,53 tỉ đồng cho 745 gia đình là hộ có người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, hộ nghèo…

Chủ tịch Hội LHPN huyện Cam Lộ Lê Thị Hường cho hay: “Dự án “Ngân hàng bò GCS” giai đoạn 2019 – 2022 đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhiều hội viên phụ nữ yếu thế trên địa bàn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bằng sức lao động chính đáng của mình, phù hợp với hoàn cảnh. Thông qua các hoạt động của dự án đã thu hút chị em yếu thế tích cực tham gia vào tổ chức hội. Thời gian tới, để tạo điều kiện cho phụ nữ yếu thế trên địa bàn tiếp tục được hưởng lợi từ các dự án nói chung và dự án “Ngân hàng bò GCS” nói riêng, Hội LHPN huyện sẽ làm tốt công tác phối hợp, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, kỹ năng quản lý vốn, hướng dẫn và tổ chức kiểm tra trong quá trì2nh sử dụng vốn để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ chị em”.

Trúc Phương

Nguồn: Báo Quảng Trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *