Gia cầm vẫn nhiều lợi thế để vượt thách thức

(Người Chăn Nuôi) – Lạm phát đang ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu. Chi phí thức ăn và năng lượng tăng cao khiến ngành chăn nuôi gia cầm chịu áp lực kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, thịt gà tốt cho sức khỏe, giá cả phải chăng nên vẫn tiếp tục được ưa chuộng.

Jan Henriksen Giám đốc điều hành AviagenThách thức đặt ra đối với cấp quản lý và sản xuất trong ngành này là đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ đang tăng, đồng thời vẫn duy trì mức giá phải chăng cho người tiêu dùng toàn cầu. Giải pháp nằm ở những tiến bộ trong chăn nuôi, hiệu quả sử dụng thức ăn, năng suất và phúc lợi vật nuôi.

Thịt gà đã thay thế thịt bò và thịt heo để trở thành protein được tiêu thụ nhiều nhất thế giới. Triển vọng Protein động vật toàn cầu của Rabobank năm 2023 dự báo, tăng trưởng của các loại thịt khác giảm nhưng thịt gia cầm vẫn duy trì ổn định, thậm chí tăng cao hơn ở một số thị trường.

Giá sản phẩm và khả năng chi trả của người tiêu dùng là yếu tố quan trọng, nhất là trong thời kỳ lạm phát leo thang và rủi ro an ninh lương thực tại nhiều quốc gia đang phát triển. Thịt gà có mức giá hấp dẫn nhờ sản xuất hiệu quả. Đây là loại thịt bền vững nhất trong tất cả loại protein động vật trên cạn, đòi hỏi ít tài nguyên thiên nhiên hơn trong quá trình chăn nuôi như đất nông nghiệp, nước, điện và khí đốt. Ngoài ra, tỷ lệ biến đổi thức ăn trong chăn nuôi gia cầm khá hiệu quả cũng giúp sản phẩm này có cơ hội đánh bại thịt bò và thịt heo khi chi phí thức ăn chiếm tới 60 – 70% tổng chi phí chăn nuôi.

So sánh ngành chăn nuôi gia cầm ngày nay với 20 năm trước sẽ thấy rõ những bước tiến vượt bậc về hiệu quả sản xuất. Cụ thể, để gà thịt tăng trọng lên 2,5 kg chỉ cần một lượng thức ăn dưới 0,8 kg. Nhờ đó, những trại nuôi quy mô khoảng 1 triệu con gà thịt mỗi năm có thể tiết kiệm được 80 tấn thức ăn.

Ngoài ra, tôc độ tăng trưởng của gia cầm cũng tốt hơn, cùng với cắt giảm nhu cầu sản xuất và vận chuyển thức ăn, dẫn dến sử dụng năng lượng cũng ít hơn 16%. Khi chi phí thức ăn và năng lượng thấp hơn, giá thịt gà tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm, siêu thị, nhà hàng cũng hợp lý hơn, từ đó duy trì mức giá thấp cho người tiêu dùng.

Ngoài hiệu quả sử dụng thức ăn, phúc lợi động vật cũng quan trọng không kém. Gia cầm khỏe mạnh với phúc lợi tốt sẽ có khả năng kháng bệnh và đạt tỷ lệ sống cao hơn. Hiệu suất chăn nuôi tốt có nghĩa gia cầm vượt trội về chất lượng sản xuất như sản lượng thịt và trọng lượng tăng hàng ngày. Nuôi gia cầm phát triển mạnh ở nhiều vùng khí hậu và điều kiện nuôi khác nhau, từ đó mang lại lợi nhuận cao hơn cho nhà sản xuất và giá thấp hơn cho người tiêu dùng.

Các chuyên gia kinh tế dự đoán, lạm phát tiếp tục tăng suốt năm 2023 và các yếu tố gây căng thẳng cho nền kinh tế hiện nay vẫn dai dẳng. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gia cầm tại thế giới đã chuẩn bị và cam kết theo đuổi mục tiêu bền vững hơn về kinh tế, từ đó duy trì giá bán phải chăng.

Những tiến bộ mà ngành gia cầm đã đạt được về hiệu quả sản xuất, năng suất, sức khỏe và phúc lợi sẽ tiếp tục được duy trì. Đây là lợi thế để ngành này vượt qua thách thức kinh tế hiện tại và tương lai, đồng thời vẫn đảm bảo thực phẩm bền vững, bổ dưỡng và giá phải chăng cho 9,5 tỷ người vào năm 2050.

Jan Henriksen

Giám đốc điều hành Aviagen

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *