Bình Phước: Chủ động phòng, chống, đẩy lùi bệnh dịch tả lợn châu Phi

Bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và trở thành nỗi ám ảnh đối với ngành chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Bình Phước từ năm 2019. Tuy nhiên, bệnh này đã được kiểm soát và đẩy lùi từ nhiều năm nay, đưa ngành chăn nuôi heo trở lại phát triển ổn định. Thế nhưng, từ tháng 3-2023, trên địa bàn xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài xuất hiện một ổ dịch và uy hiếp đến các phường lân cận. Đến ngày 7-11, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Đồng Xoài đã ghi nhận thêm một ổ dịch tại khu phố Tân Trà 2, phường Tân Bình.

Xuất hiện ổ dịch thứ 2 

Ông Nguyễn Văn Thương, ở tổ 8, khu phố Tân Trà 2, phường Tân Bình cho biết: Đầu tiên tôi thấy đàn heo bỏ ăn, nóng sốt, sau đó chuyển sang thân nhiệt lạnh. Tôi nghĩ do thay đổi thời tiết nên mua thuốc thú y về tự điều trị. Sau đó thấy đàn heo khỏe hơn, chịu ăn trở lại. Nhưng rồi đàn heo lại bỏ ăn, sốt và một số con chết. Từ khi xuất hiện các triệu chứng cho đến khi heo chết khoảng một tuần. Thấy bệnh nghiêm trọng tôi lên mạng tìm hiểu thông tin và nghi ngờ đàn heo bị bệnh dịch tả châu Phi nên đã trình báo phường và cơ quan thú y.

dịch tả heo Bình Phước

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Đồng Xoài tiêu hủy đàn heo nhiễm bệnh của gia đình ông Nguyễn Văn Thương, tổ 8, khu phố Tân Trà 2, phường Tân Bình

Nhận thông tin nghi ngờ bệnh dịch, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Đồng Xoài đã cử cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra và qua kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y Vùng 6 cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, đàn heo 20 con (trọng lượng 592 kg) của gia đình ông Thương đã được lực lượng chức năng tiêu hủy.

Từ tháng 3 đến nay dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện trở lại trên địa bàn thành phố và đây là ổ dịch thứ 2. Chúng tôi đã tổ chức nhiều biện pháp để phòng, chống, tuy nhiên triệt để 100% là rất khó. 

Ông Phạm Văn Huy

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Đồng Xoài

Từ khi ở tổ 8, khu phố Tân Trà 2 xuất hiện ổ dịch ông Nguyễn Xuân Thiện, tổ 8, khu phố Tân Trà 2, phường Tân Bình đã chủ động phòng, chống dịch cho đàn heo của gia đình theo hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Đồng Xoài.

“Tôi đã chủ động xịt sát khuẩn, sát trùng chuồng trại, xung quanh khuôn viên gia đình mỗi ngày 2 lần. Thuốc để xịt sát trùng trước đây gia đình tôi tự mua và giờ được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố hỗ trợ một số loại chuyên dùng để phòng, chống dịch bệnh này”, ông Nguyễn Xuân Thiện cho biết.

Chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Hiện tổng đàn heo trên địa bàn thành phố Đồng Xoài là 7.993 con, trong đó có 4.175 con được nuôi quy mô trang trại nhỏ và vừa. Để khoanh vùng dập dịch tránh lây lan, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố đã triển khai đồng loạt  nhiều biện pháp đảm bảo an toàn chăn nuôi cho các hộ dân, trang trại.

dịch tả heo Bình Phước

Ông Nguyễn Văn Thương, tổ 8, khu phố Tân Trà 2, phường Tân Bình tiếp tục xử lý sát trùng ổ dịch

Ông Phạm Văn Huy cho biết thêm: Khi xác minh được ổ dịch, chúng tôi triển khai ngay các biện pháp phòng chống, khoanh vùng và xử lý các công tác thú y, tiêu độc, khử trùng, cách ly và tiến hành tiêu hủy để tiêu diệt mầm bệnh. Ngoài ra, chúng tôi tuyên truyền qua loa phát thanh, khu phố, ấp để các hộ chăn nuôi xung quanh chủ động phòng, chống cho đàn heo của gia đình. Ngày 9-11, UBND thành phố Đồng Xoài đã công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

dịch tả heo Bình Phước

Ông Nguyễn Xuân Thiện, tổ 8, khu phố Tân Trà 2, phường Tân Bình đã chủ động xịt sát khuẩn, sát trùng chuồng trại, xung quanh khuôn viên gia đình mỗi ngày 

Trước diễn biến của dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Đồng Xoài khuyến cáo: Người chăn nuôi khi phát hiện đàn heo của gia đình bị dịch bệnh tả lợn châu Phi hoặc nằm trong vùng uy hiếp, vùng tiệm cận phải thực hiện những việc: Thông tin kịp thời cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố, UBND phường bất cứ khi nào phát hiện heo bệnh, các sản phẩm heo nghi bị bệnh, nghi nhiễm bệnh. Tiêu hủy đàn heo nhiễm bệnh và các đàn heo xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

dịch tả heo Bình Phước

Ông Phạm Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Đồng Xoài và cán bộ Hội Nông dân phường Tân Bình hỗ trợ tư vấn và cấp thuốc cho người chăn nuôi phòng, chống dịch

Người chăn nuôi, người giết mổ, cơ sở giết mổ, hộ kinh doanh buôn bán thịt heo cần áp dụng nghiêm “5 không”: Không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển heo chết, không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, thịt heo chết, không vứt heo chết ra ngoài môi trường, không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý nhiệt.

Để bảo vệ an toàn cho đàn heo, ngoài việc thực hiện các biện pháp khuyến cáo, các chủ trang trại, hộ chăn nuôi phải chủ động phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn đàn gia súc.

Ngọc Bích

Nguồn: Báo Bình Phước

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *