Bà Rịa – Vũng Tàu: Chủ động phòng, chống dịch bệnh gia cầm

Ở thời điểm này, dịch cúm gia cầm đã bắt đầu xuất hiện một số tỉnh lận cận. Để phòng tránh nguy cơ xuất hiện và lây lan dịch bệnh, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa.

Mặc dù hiện đang là thời điểm mùa khô, song ông Nguyễn Sỹ Hữu (ấp An Điền, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) vẫn thận trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vịt hơn 3.000 con của gia đình. Với hơn 5 năm kinh nghiệm, ông Hữu cho rằng, không thể chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống dịch bệnh cho gia cầm, nhất là thời điểm nhạy cảm. Vì nếu dịch xuất hiện và bùng phát thì  gây thiệt hại rất lớn.

Theo chia sẻ của ông Hữu, vịt là loại gia cầm dễ mắc bệnh về hô hấp, đường ruột và tả. Do đó, để bảo vệ an toàn cho đàn vịt, ngoài việc tiêm phòng vắc xin khi mới nuôi và theo định kỳ hướng dẫn của cán bộ thú y xã, ông cũng thường xuyên rắc vôi bột chung quanh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, bổ sung thức ăn dinh dưỡng, nhằm tăng cường sức đề kháng cho đàn gia cầm.

nuôi vịt

Để phòng, chống các nguy cơ xuất hiện mầm bệnh, ông Nguyễn Sỹ Hữu (ấp An Điền, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) thường xuyên phun khử chuồng trại.

Dù thời điểm nào cũng phải thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh để đàn gia cầm luôn khỏe mạnh. Đặc biệt, trong thời điểm chuyển mùa nguy cơ xuất hiện dịch rất cao, do đó ông thường xuyên phun xịt thuốc sát khuẩn theo định kỳ, 1 đến 2 lần/tháng. Ngoài ra, ông Hữu chủ động lựa chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, theo dõi sát sao, khi đàn vịt xuất hiện bất kỳ biểu hiện lạ, sẽ tách đàn để theo dõi. “Làm chặt chẽ như vậy sẽ  giảm bớt rủi ro trong chăn nuôi, thiệt hại kinh tế cho gia đình và ảnh hưởng tới những hộ chung quanh”, ông Hữu nhấn mạnh.

Đang nuôi đàn gà hơn 3.000 con, ông Nguyễn Văn Long (ấp Phước Trung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) luôn ý thức trong việc phòng, chống dịch bệnh. Theo ông Long, trước khi tái đàn ông phải vệ sinh chuồng trại, phun khử sát khuẩn, đồng thời để chuồng nghỉ ngơi khoảng tháng rưỡi,  nhằm xử lý các mầm bệnh có nguy cơ còn tiềm ấn của lứa nuôi trước, sau đó mới bắt đầu thả lứa mới. Để đàn gia cầm khỏe mạnh, ông Long tuân thủ các hướng dẫn của nhân viên thú y địa phương về việc tiêm các loại vắc xin như: cúm, tả, môrô… ngay từ tháng đầu tiên.

Các tháng tiếp theo sẽ tiêm vắc xin phòng tiêu chảy đường ruột. Cũng theo ông Long, chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào việc phòng, chống dịch bệnh cho gia cầm. Do đó, ông đã đầu tư đệm lót sinh học để giảm thiểu tối đa mùi và nguy cơ dịch bệnh. Đối với những thời điểm nhạy cảm, ông sẽ chủ động nâng thời gian sát khuẩn (trung bình 1 ngày/lần).

“Mình đã đầu tư hết cả vốn liếng vào chăn nuôi nên không thể chủ quan được. Nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong những năm vừa rồi là một bài học lớn cho nhiều hộ nông dân, lúc nào công tác phòng, chống dịch cũng phải đặt lên hàng đầu”, ông Long chia sẻ thêm.

xử lý chuồng trại chăn nuôi

Ông Nguyễn Văn Long (ấp Phước Trung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) xử lý chuồng trại bằng vôi bột trước khi tái đàn.

Thống  kê  từ  ngành nông  nghiệp cho  biết, tổng đàn gia cầm của tỉnh hiện  nay  khoảng 6,433 triệu con. Thời điểm hiện tại, các DN, trang trại, hộ chăn nuôi đang tập trung tái đàn vật nuôi. Tuy nhiên, với diễn biến thất thường của thời tiết cũng như dịch bệnh có nguy cơ xuất hiện, ngành nông nghiệp khuyến cáo các đơn vị liên quan rà soát các cơ sở chăn nuôi, chủ động giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm theo quy định.

Ngành nông nghiệp chủ động tập trung vào những đợt cao điểm như trước, trong và sau Tết, do đó, công tác phòng ngừa tiêu độc khử trùng, tiêm phòng đã được thực hiện theo đúng lịch định kỳ. Ngoài  ra, ngành  còn  tập trung hướng dẫn bà con và các địa phương theo dõi thường xuyên và nắm tình hình để khi có dịch là có giải pháp ngăn chặn ngay lập tức.

Thực hiện tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, khuyến cáo hạn chế tái đàn số  lượng lớn vào thời điểm này. Gia cầm xuất ra khỏi địa phương đang có dịch phải được sự cho phép của cơ quan thú y, khi có kết quả xét nghiệm âm tính mới vận chuyển khỏi vùng có dịch. Khi nhập gia cầm cần kiểm tra rõ nguồn gốc, tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, bởi đây là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng dịch.

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), từ đầu năm đến nay, một số dịch bệnh nguy hiểm như, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục ở trâu, bò… đã xuất hiện trên đàn vật nuôi gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong đó, 4 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã phát sinh tại các tỉnh, thành phố tổng số gia cầm mắc bệnh chết và phải tiêu hủy là 13.600 con. Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin ngay từ đầu năm, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn vật nuôi được tiêm phòng. Mặt khác, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn cơ sở chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng; đồng thời tổ chức ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến các sản phẩm động vật không bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Hồng Phúc – Thành Công

Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *