Quản lý thân nhiệt trên heo

(Người Chăn Nuôi) – Việc đo thân nhiệt trên heo sẽ giúp người chăn nuôi phát hiện và điều trị bệnh kịp thời bệnh trên vật nuôi. Tuy nhiên, không phải người nuôi nào cũng có ý thức cho việc này. Vì thế, tạo thói quen đo thân nhiệt trên heo sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả chăn nuôi.

Cách đo thân nhiệt: Dùng nhiệt kế có khấc độ C.

Trước khi dùng vẩy mạnh cho xuống khấc cuối cùng.

Đo thân nhiệt ở trực tràng; con cái, khi cần có thể đo ở âm đạo. Thân nhiệt đo ở trực tràng thường thấp hơn nhiệt độ máu 0,5 – 1,00C, ở âm đạo thấp hơn ở trực tràng 0,2 – 0,50C; nhưng lúc có chửa lại cao hơn 0,50C.

Thường xuyên kiểm tra thân nhiệt heo nuôi. Ảnh: VM

Trong một ngày đo thân nhiệt buổi sáng lúc 7 – 9 giờ, buổi chiều từ 16 – 18 giờ.

 

Ý nghĩa của việc đo thân nhiệt

Thân nhiệt cao hay thấp được coi là triệu chứng bệnh quan trọng. Có thể căn cứ vào thân nhiệt để chẩn đoán là bệnh cấp tính hay mãn tính, bệnh nặng hay bệnh nhẹ (bệnh cấp tính có thân nhiệt cao, còn bệnh mạn tính thân nhiệt thường không cao). Dựa vào thân nhiệt có thể chẩn đoán phân biệt giữa bệnh truyền nhiễm với hiện tượng trúng độc (bệnh truyền nhiễm thân nhiệt tăng cao, trúng độc thân nhiêt không tăng so với bình thường). Dựa vào thân nhiệt hàng ngày để theo dõi kết quả điều trị và tiên lượng (bớt sốt từ từ thường do điều trị đúng và tiên lượng tốt. Nếu đang sốt cao thân nhiệt đột ngột tụt xuống là triệu chứng xấu).

 

Dấu hiệu heo sốt

Riêng với heo khỏe mạnh, thân nhiệt bình thường là 38,5 – 390C, có dáng điệu sinh hoạt như ăn khỏe, vẫy đuôi, đi lại linh hoạt, mắt mở to, khô ráo, mũi màu hồng tươi, ướt và mát, lông mịn, mềm bóng, đuôi cong lên.

– Heo bệnh có dáng điệu buồn bã, nằm im lìm, không muốn cử động hoặc đi lại xiêu vẹo. Khi sốt (thân nhiệt trên 39,50C) hoặc lạnh (dưới 380C) đều không bình thường, phải tìm cách cho heo lấy lại thân nhiệt bình thường. Mũi heo sốt thường khô, nóng, bầm đen, mắt nhắm hoặc chỉ hé mở, khó chịu khi ánh sáng chiếu vào. Khi heo táo bón hoặc tiêu chảy, nước tiểu có mùi tanh, lông xù. Heo bệnh tiểu ít, nước tiểu đỏ hoặc màu cà phê nhạt. Nhịp thở và mạch đập nhanh hơn bình thường. Heo sụt cân, bụng teo tóp, ho, thở khó, da nổi đỏ….  

– Khi heo bị bệnh đường hô hấp thường có biểu hiện thở khó, chảy nước mũi hoặc nhảy mũi, ho, thở thành tiếng khò khè, hoặc khi thở có dính liền với nhịp ở bụng, hoặc phải ngồi như chó ngồi mới thở được. 

Dấu hiệu dễ thấy nhất là heo thở hổn hển, toàn thân ửng đỏ, giảm ăn – bỏ ăn, tăng cường uống nước và bài tiết nước tiểu. Heo nái lờ đờ, run cơ.

 

Cách phòng chống khi heo sốt

– Chọn nơi thoáng mát, cao ráo để xây dựng chuồng trại. Xây chuồng theo hướng Đông – Tây dọc theo chiều dài của chuồng.

– Đảm bảo độ thông thoáng của chuồng.

– Khoảng cách giữa các ô chuồng: 10 – 12 m.

– Xây dựng hành lang rộng tối thiểu 1,5 m.

– Có trang bị các hệ thống điều hòa nhiệt độ trong chuồng như hệ thống phun sương, phun mưa, hoặc tốt nhất là xây chuồng kín với hệ thống làm lạnh. Chủ động điều khiển nhiệt độ trong chuồng nuôi, tránh hiện tượng chênh lệch nhiệt độ quá cao trong chuồng tại các thời điểm trong ngày (ngày, đêm).

– Cung cấp nước đầy đủ, tạo điều kiện cho heo tự điều hòa thân nhiệt một cách tốt nhất. Khi heo bị sốt, bổ sung thêm 5 g NaCl/1 lít nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *