Tình hình chăn nuôi cả nước tháng 6/2022

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm nhìn chung diễn ra trong điều kiện thuận lợi do dịch bệnh covid ở trong nước đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng hàng nông sản trên thế giới tăng cao. Giá cả các nguyên, nhiên liệu đầu vào chủ yếu phục vụ sản xuất nông lâm thủy sản (như xăng dầu,phân bón, thức ăn chăn nuôi…) tăng cao đã ảnh hưởng tới sản xuất nông lâm thủy sản.

Tình hình chung

Trong 6 tháng, đàn lợn và gia cầm cả nước phát triển ổn định, dịch bệnh lớn không xảy ra nhưng tình hình chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng. Ước tính tổng đàn lợn của cả nước tính đến cuối tháng 6 tăng 3,8%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 2116,3 nghìn tấn, tăng 5,7%; đàn gia cầm tăng khoảng 1,2% so với cùng thời điểm năm trước, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 980,7 nghìn tấn, tăng 5,2%.

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 6 năm 2022 ước đạt 34,8 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 176 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 56,4 triệu USD, giảm 1,5%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 45,5 triệu USD, giảm 13,5%.

Ước giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 6 năm 2022 đạt 301,6 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1,6 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 718,4 triệu USD, tăng 13%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 641,3 triệu USD, giảm 14,7%.

Chăn nuôi trâu, bò: Chăn nuôi trâu, bò trên cả nước trong 6 tháng năm 2022 bị ảnh hưởng từ diễn biến thời tiết khắc nghiệt đến dịch bệnh phức tạp. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê (TCTK), tổng số trâu của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Sáu năm 2022 giảm 1,4%, tổng số bò tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm 2021.

Chăn nuôi lợn: Ngành chăn nuôi đang đứng trước nhiều khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Nguyên nhân của sự tăng giá này chủ yếu đến từ việc giá nhập khẩu của các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán sản phẩm đầu ra lại giảm, điều này đã gây áp lực lớn cho người chăn nuôi. Theo số liệu ước tính của TCTK, tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Sáu năm 2022 tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2021.

Chăn nuôi gia cầm: Đàn gia cầm 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng do khu vực hộ và doanh nghiệp đều phát triển ổn định. Theo số liệu ước tính của TCTK, tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Sáu năm 2022 tăng 1,2% so với cùng thời điểm năm 2021.

chăn nuôi gia cầm

Theo số liệu tính toán của TCTK, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ 2021 cụ thể như sau: Sản lượng thịt trâu ước đạt 62,0 nghìn tấn, tăng 1,8% (trong đó quý II ước đạt 28,2 nghìn tấn, tăng 2,7%); sản lượng thịt bò ước đạt 241,2 nghìn tấn, tăng 4,4% (quý II ước đạt 112,3 nghìn tấn, tăng 5,6%); sản lượng sữa bò tươi 6 tháng ước đạt 617,8 triệu lít, tăng 10,1% (quý II ước đạt 313,3 triệu lít, tăng 9,7%), sản lượng thịt lợn ước đạt 2116,3 nghìn tấn, tăng 5,7% (quý II ước đạt 1075,3 nghìn tấn, tăng 7,1%), sản lượng thịt gia cầm ước đạt 980,7 nghìn tấn, tăng 5,2% (quý II ước đạt 473,4 nghìn tấn, tăng 5,1%); sản lượng trứng gia cầm ước đạt 8,8 tỷ quả, tăng 4,8% (quý II ước đạt 4,2 tỷ quả, tăng 5,1%).

Thú y: Theo báo cáo của Cục Thú y, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tính đến ngày 22/6 cụ thể như sau:

– Dịch cúm gia cầm: Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 21 ổ dịch CGC (01 ổ dịch CGC A/H5N6 và 20 ổ dịch CGC A/H5N1) tại 19 huyện của 12 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 58.480 con. Hiện nay, cả nước có 02 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 02 tỉnh Quảng Trị và Kon Tum chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm 2021, số ổ dịch giảm 4,1 lần, số tỉnh có dịch giảm 2,2 lần và số gia cầm tiêu hủy giảm 6,2 lần.

– Dịch tả lợn châu Phi: Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 738 ổ dịch DTLCP tại 216 huyện của 47 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 31.477 con. Hiện nay, cả nước có 119 ổ dịch tại 58 huyện của 24 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; số lợn mắc bệnh là 7.903 con; tổng số lợn chết và tiêu hủy là 8.017 con. So với cùng kỳ năm 2021, xã có dịch DTLCP giảm 1,6 lần và số lợn bị tiêu hủy giảm 3,23 lần.

– Dịch lở mồm long móng (LMLM): Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 03 ổ dịch LMLM tại 03 huyện của 03 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 39 con. Hiện nay, cả nước không có dịch bệnh LMLM. So với cùng kỳ năm 2021, số xã có dịch giảm gần 27 lần, số gia súc mắc bệnh giảm gần 86 lần.

- Dịch lợn tai xanh: Từ đầu năm 2022 đến nay, không có báo cáo ổ dịch Tai xanh mới phát sinh tại các địa phương.

– Dịch Viêm da nổi cục: Từ đầu năm đến nay, xảy ra 200 ổ dịch VDNC của 43 huyện của 12 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 2.095 con, tổng số gia súc tiêu hủy là 386 con. Hiện nay, cả nước có 11 ổ dịch tại 05 tỉnh Cao Bằng, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Khánh Hòa và Bến Tre chưa qua 21 ngày; số gia súc mắc bệnh là 70 con; tổng gia súc chết và tiêu hủy là 11 con. So với cùng kỳ năm 2021, số ổ dịch giảm 14 lần, số gia súc mắc bệnh giảm 64 lần và số gia súc tiêu hủy giảm 52 lần.

 

Thị trường chăn nuôi:

Trên thị trường thế giới, giá lợn nạc giao tháng 6/2022 ở Chicago, Mỹ biến động giảm trong tháng qua với mức giảm 2,1 UScent/lb xuống mức 108,875 UScent/lb. Giá thịt lợn giảm do doanh số xuất khẩu thịt lợn ở mức thấp.

Tại thị trường trong nước, trong tháng 5/2022, giá lợn hơi tại các vùng trên cả nước tăng. Giá lợn hơi miền Bắc tăng 1.000 – 2.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 56.000 – 58.000 đồng/kg. Cụ thể, mức giao dịch cao nhất trong khu vực vẫn được ghi nhận tại Hưng Yên và Hà Nội là 58.000 đồng/kg. Ngoại trừ tỉnh Tuyên Quang hiện đang thu mua heo hơi với giá 57.000 đồng/kg, các tỉnh thành còn lại đều giao dịch ở mức 56.000 đồng/kg.

Thị trường lợn hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên tăng 1.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 54.000 – 57.000 đồng/kg. Trong đó, thương lái tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Lâm Đồng thu mua heo hơi với giá cao nhất là 57.000 đồng/kg. Thấp hơn một giá ở mức 56.000 đồng/kg gồm có các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Đắk Lắk và Bình Thuận. Các định phương còn lại ở mức 55.000 đồng/kg.

Thị trường lợn hơi miền Nam ghi nhận giá thu mua biến động tăng từ 2.000 đồng/kg tại nhiều tỉnh thành, dao động trong khoảng 55.000 – 60.000 đồng/kg. Trong đó, giá lợn hơi tại Vũng Tàu và Cần Thơ đang ở mức 55.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Các tỉnh thành còn lại thu mua lợn hơi trong khoảng 56.000 – 60.000 đồng/kg.

Giá thu mua gà tại trại biến động trái chiều tại các vùng miền trong tháng qua. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày miền Bắc, miền Trung và miền Nam tăng 6.000 đồng/kg lên mức 58.000 – 59.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Bắc, miền Trung và miền Nam ổn định ở mức 28.000 – 35.000 đồng/kg. Giá trứng gà miền Bắc, miền Trung và miền Nam tăng 100 đồng/quả lên mức 2.100 – 2.700 đồng/quả. Giá trứng tăng do chi phí vận chuyển tăng, giá thức ăn chăn nuôi tăng, người nuôi giảm đàn, nguồn cung giảm.

Thị trường xuất khẩu

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 6 năm 2022 ước đạt 34,8 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 176 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 56,4 triệu USD, giảm 1,5%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 45,5 triệu USD, giảm 13,5%.

Thị trường nhập khẩu

Sản phẩm chăn nuôi:

Ước giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 6 năm 2022 đạt 301,6 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1,6 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 718,4 triệu USD, tăng 13%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 641,3 triệu USD, giảm 14,7%.

Thức ăn gia súc và nguyên liệu:

Ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 6 năm 2022 đạt 600 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2,6 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chủ yếu từ các thị trường: Achentina (chiếm 26,9% thị phần), Braxin (21,4%) và Hoa Kỳ (13,6%). So với cùng kỳ năm 2021, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam từ Achentina giảm 27,5%, Braxin (+178,4%) và Hoa Kỳ (-25%).

Đậu tương:

Khối lượng đậu tương nhập khẩu tháng 6 năm 2022 ước đạt 200 nghìn tấn với giá trị đạt 146,8 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1,1 triệu tấn và 765,6 triệu USD, tăng 2,3% về khối lượng và tăng 25,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Braxin, Hoa Kỳ và Canada là 3 thị trường cung cấp đậu tương chính cho Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022 với 99,2% thị phần.

Lúa mì:

Ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì tháng 6 năm 2022 đạt 310 nghìn tấn với giá trị nhập khẩu đạt 112,5 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu lúa mì 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2,3 triệu tấn và 832,3 triệu USD, giảm 1,9% về khối lượng nhưng tăng 30,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn nhập khẩu lúa mì chính của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022 là từ các thị trường: Ôxtrâylia (chiếm tỷ trọng 64,2%), Braxin (15,6%) và Hoa Kỳ (6,6%). So với cùng kỳ năm 2021, giá trị nhập khẩu lúa mì của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022 từ Ôxtrâylia tăng 24,1%; Braxin (+104,6%) và Hoa Kỳ (+7,4%).

Ngô:

Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu tháng 6 năm 2022 đạt 1,1 triệu tấn với giá trị đạt 419,1 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô 6 tháng đầu năm 2022 đạt 4,7 triệu tấn và 1,7 tỷ USD, giảm 11,6% về khối lượng nhưng tăng 16,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn nhập khẩu ngô của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022 chủ yếu từ 3 thị trường: Achentina, Ấn Độ và Braxin, chiếm 80,4% thị phần. So với cùng kỳ năm 2021, giá trị nhập khẩu ngô trong 5 tháng đầu năm 2022 từ Achentina tăng 44,6%, Ấn Độ (+16,7%) và Braxin (-65,3%).

Nguồn: channuoivietnam.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *