Thành công từ nuôi thỏ thương phẩm

Từng thất bại với mô hình nuôi thỏ thương phẩm do thiếu vốn, kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi nhưng không vì thế mà anh Trần Hoàng Sa (sinh năm 1992), hiện đang sống tại thôn Hà Lộc, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị bỏ cuộc. Sau nhiều năm chịu khó học hỏi, tìm tòi, hiện tại anh Sa sở hữu 2 trại thỏ với số lượng lên đến hơn 1.000 con.

Vốn là sinh viên ngành kinh tế nhưng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Sa đã đặc biệt quan tâm, thích thú với việc chăn nuôi. Tận dụng khoảng đất vườn còn trống của gia đình, anh mua một ít gà, vịt và thỏ về nuôi để vừa thỏa mãn đam mê, vừa tích lũy kinh nghiệm. Nhưng việc chăn nuôi đối với chàng trai trẻ khi ấy gặp rất nhiều khó khăn. “Vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên số vật nuôi tôi mua về đều chết hết. Trắng tay, tôi quyết định đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, cố gắng làm việc, tích lũy vốn cho bản thân”, anh Sa nhớ lại.

nuôi thỏ thương phẩm

Mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm của anh Trần Hoàng Sa là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của tuổi trẻ huyện Hải Lăng – Ảnh: T.P

Đầu năm 2020, trở về quê với khoản tiền dành dụm được sau 2 năm lao động ở nước ngoài, anh Sa bắt đầu tìm hiểu và khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi một cách bài bản hơn. Thay vì nuôi đa con, anh chọn nuôi thỏ vì thấy đây là loài vật dễ chăm sóc, lại được thị trường nhiều tỉnh ưa chuộng. Sau khi xây dựng trại chăn nuôi đầu tiên với tổng diện tích 60 m2, anh nhập 15 con thỏ lai New Zealand từ Đà Nẵng về nuôi thử nghiệm. Anh Sa chia sẻ: “Nguồn thức ăn cho thỏ khá đơn giản như: các loại rau xanh, tinh bột, thức ăn hỗn hợp sản xuất dành riêng cho thỏ nhưng nhược điểm của loài động vật này là rất dễ bị bệnh, khi mắc bệnh, thỏ chết rất nhanh nên cần phải tiêm phòng đầy đủ và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Chuồng nuôi thỏ cũng phải cao ráo, mùa hè thoáng mát, mùa đông ấm áp, đảm bảo đủ không khí, ánh sáng”.

Nhờ rút được kinh nghiệm sau lần nuôi đầu tiên cùng với tinh thần chịu khó tìm tòi, học hỏi từ tivi, sách báo và những người có kinh nghiệm, đàn thỏ của anh Sa phát triển rất nhanh. Đầu năm 2021, anh vay vốn ngân hàng và tiếp tục xây dựng trại thỏ thứ 2 có diện tích 100 m2 , chuyên nuôi thỏ giống. Từ một trại thỏ với 15 con ban đầu, đến nay, anh Sa sở hữu 2 trại thỏ với tổng số lượng lên đến 1.000 con, trong đó có 180 con thỏ mẹ, 220 thỏ con và 600 con thỏ thịt. Anh Sa cho biết, thỏ rất dễ sinh sản, thường sinh từ 5 – 7 lứa/năm, mỗi lứa từ 8 – 10 con. Thỏ thương phẩm khoảng 2,5 – 3 tháng đã có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 2 – 2,5 kg/con. Giá bán thỏ thương phẩm dao động trong khoảng từ 80 – 100 nghìn đồng/kg tùy loại. Với mô hình này mỗi tháng anh Sa lãi khoảng 15 triệu đồng.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên số lượng thỏ bán ra ít hơn so với trước, không nản lòng anh Sa chủ động tìm kiếm thị trường ở các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh và các địa phương như Huế, Đà Nẵng. Được biết, thời gian gần đây, khi cuộc sống bắt đầu trở lại trạng thái “bình thường mới”, lượng thỏ xuất chuồng từ trại thỏ của anh ngày một nhiều và đều đặn hơn. Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Sa cho hay: “Tôi sẽ đầu tư nâng cấp 2 trại thỏ của mình, làm nền chuồng bằng đệm lót sinh học để xử lý triệt để phân thỏ và tận dụng bán nguồn phân này cho những nơi có nhu cầu. Cùng với đó nếu thuận lợi tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, thuê thêm lao động để nhập nhiều giống thỏ về nuôi”.

Theo Bí thư Xã đoàn Hải Sơn Trương Thị Nhớ, mô hình nuôi thỏ thương phẩm của anh Sa là một trong những mô hình thanh niên phát triển kinh tế nổi bật của địa phương trong vòng 2 năm trở lại đây. Dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng anh Sa luôn nỗ lực vươn lên, không những duy trì tốt mà còn mở rộng được cơ sở chăn nuôi của mình. Tinh thần dám nghĩ, dám làm ấy được đoàn cấp trên và địa phương đánh giá rất cao.

Trúc Phương

Nguồn: Báo Quảng Trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *