Phòng và điều trị bệnh xoắn khuẩn ở trâu, bò

(Người Chăn Nuôi) – Bệnh xoắn khuẩn ở trâu, bò gây ra thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và có khả năng lây sang người. Xoắn khuẩn Leptospira gây bệnh chủ yếu qua đường tiêu hóa với các biểu hiện bệnh đặc trưng. Phòng và điều trị bệnh kịp thời là vô cùng quan trọng.

Tác nhân gây bệnh

Bệnh do vi khuẩn Leptospira interrogans gây ra cho người và nhiều loài động vật như trâu, bò, dê, heo, chó, mèo, động vật hoang dã. Các serotype gây bệnh không có vật chủ cố định, chỉ một số serotype cảm nhiễm một số vật chủ nhất định.

Động vật mang trùng, chủ yếu là các gia súc nhiễm bệnh, động vật hoang dã mang bệnh, đặc biệt là chuột. Mầm bệnh được thải qua nước tiểu động vật, làm cho thức ăn, nước uống, nước rửa chuồng, nước tắm của gia súc, nước ao, hồ, mương, rãnh và môi trường bị nhiễm khuẩn.

Ở động vật mang trùng, xoắn khuẩn cư trú trong thận và bài thải qua nước tiểu hàng tháng, hàng năm hoặc dài hơn, đây là nguồn bệnh rất nguy hiểm. Bệnh phát sinh và phát triển quanh năm, nhưng thường thấy bệnh xảy ra nhiều vào các tháng nóng ẩm, mưa nhiều từ mùa hè tới đầu mùa thu.

Do người, động vật khỏe tiếp xúc trực tiếp với người, động vật mang bệnh, đặc biệt là bệnh lây khi phối giống. Hoặc khi người, động vật khỏe tiếp xúc với nguồn nước hoặc môi trường nhiễm khuẩn, xoắn khuẩn xâm nhập qua niêm mạc miệng, mũi, giác mạc mắt và da bị xây xát, tổn thương để vào cơ thể gây bệnh.

 

Triệu chứng

Thời gian nung bệnh 10 – 20 ngày. Gia súc phát bệnh ở 3 thể:

Thể quá cấp: Bệnh phát ra đột ngột, con vật sốt cao, giảm hoặc ngừng nhu động dạ cỏ và ruột, mệt mỏi, mắt lờ đờ thích nằm, kém ăn hoặc bỏ ăn, táo bón. Niêm mạc và da vàng sẫm, nước tiểu cũng vàng. Thể này thường gặp ở gia súc có chửa, vật bệnh chết trong thời gian 3 – 7 ngày.

Thể cấp tính: Thường gặp ở gia súc non, sốt cao 40 – 410C, mệt nhọc, ít ăn hoặc bỏ ăn, nhu động dạ cỏ giảm. Một số trường hợp sau giai đoạn táo bón, con vật tiêu chảy. Da, niêm mạc vàng sẫm, nước tiểu vàng hoặc nâu vì có huyết sắc tố, đôi khi lẫn cả máu. Mí mắt, môi, má có hiện tượng phù thũng và hoại tử da. Con vật gầy nhanh, lông dựng và thiếu máu nặng. Bệnh kéo dài 5 – 10 ngày, tỷ lệ chết 50 – 70%

Thể mãn tính: Xảy ra trên trâu, bò, dê mọi lứa tuổi. Vật bệnh chỉ thể hiện gầy yếu, lông rụng, thiếu máu, đôi khi có phù thũng ở mặt, ở yếm ngực, nước tiểu vàng, tiêu chảy dai dẳng. Gia súc chửa có thể bị sảy thai.

 

Bệnh tích

Hiện tượng vàng da và niêm mạc, rất rõ ở niêm mạc mắt. Trên da và niêm mạc miệng có những mảng hoại tử, loét. Tổ chức liên kết dưới da vàng, keo nhầy và thủy thũng. Tích nước xoang ngực, xoang bụng, dịch có màu vàng. Xuất huyết dưới da, niêm mạc ruột, phổi, tim, thận và lách, máu loãng. Thận nhạt màu, có những điểm hoại tử màu vàng xám xen kẽ, bổ ra thấy giới hạn giữa vùng vỏ và tủy không rõ. Bàng quang chứa đầy nước tiểu màu đỏ, vàng hoặc sẫm. Có khi bàng quang xẹp, không có nước tiểu. Gan sưng, vàng, nát, có những đám hoại tử. Phần lớn túi mật teo, mật đặc quánh. Hạch lâm ba ruột sưng, phổi thủy thũng, phế quản, phế nang có nhiều nước.

 

Phòng bệnh

Cần xét nghiệm huyết thanh học xác định chủng leptospira gây bệnh tại địa phương để chọn loại vaccine tiêm phòng phù hợp. Hiện nay thường dùng là vaccine chết gồm 6 chủng gây bệnh phổ biến tại Việt Nam. Ngoài phòng bằng vaccine nên kết hợp với chẩn đoán để phát hiện gia súc bệnh kịp thời cách ly tránh lây lan.

tiêm phòng vaccine cho bò

Tiêm phòng xoắn khuẩn ở trâu, bò – Ảnh: Nguyễn Thành Long

Vệ sinh sát trùng chuồng trại bằng BIOKON 1/200 định kỳ 15 ngày/lần. Chú ý diệt chuột trong khu trại chăn nuôi vì chuột mang mầm bệnh và làm lây lan bệnh giữa các khu trại. Kiểm tra huyết thanh học định kỳ để xử lý các trường hợp bệnh mãn tính. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống và môi trường xung quanh hàng ngày. Thu dọn phân, nước tiểu và đồ ăn thừa, tránh làm lây lan mầm bệnh. Tăng cường và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để trâu có sức đề kháng tốt, chống chịu được bệnh. Sát khuẩn định kỳ 2 tuần/lần chuồng trại và môi trường xung quanh bằng các dung dịch có tính khử trùng mạnh như Vimekon.

 

Trị bệnh

Cần phải phát hiện sớm, cách ly tuyệt đối, điều trị kịp thời, triệt để cho gia súc mắc bệnh xoắn khuẩn. Có thể dùng kháng huyết thanh Lepto để điều trị nhưng chú ý kháng huyết thanh được chế từ các serotyp gây bệnh mới có hiệu quả điều trị cao. Khi trâu, bò bị bệnh có thể sử dụng một trong các loại kháng sinh sau: Pen-Strep liều 1 g/100 thể trọng tiêm bắp ngày 1 – 2 lần trong 5 – 7 ngày liền. Dùng Floxy, liều lượng 1 ml/15 kg thể trọng trong 3 – 5 ngày. Cùng đó kết hợp với một số thuốc kháng viêm, hạ nhiệt sử dụng trong 3 – 5 ngày. Nên kết hợp tiếp nước có chất điện giải để giải độc cho máu và các thuốc hỗ trợ khác như Vitamin C, B – Complex. Kiểm tra huyết thanh học định kỳ để xử lý các trường hợp bệnh mãn tính.

Một số loại thuốc trị xoắn khuẩn trên thị trường: Tylosin-200 Inj là một sản phẩm nhập khẩu Hàn Quốc của Công ty Samyang Anipharm, thuốc được đánh giá cao với tác dụng chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi sinh vật nhạy cảm gây ra. Với hoạt chất Tylosin ngăn chặn các vi khuẩn có hại, thuốc được dùng để trị xoắn khuẩn ở trâu. Sản phẩm dùng để tiêm dưới bắp hoặc da với liều lượng sau:

– Gia súc: 0,5 – 1 ml/10 kg thể trọng, trong 3 – 5 ngày.

– Bê, cừu, dê: 0,3 – 0,4 ml/10 kg thể trọng mỗi ngày, trong 3 – 5 ngày.

– Heo: 0,5 – 0,75 ml/10 kg thể trọng cứ 12 giờ một lần, trong 3 ngày.

– Chó, mèo: 0,5 – 2 ml/10 kg thể trọng mỗi ngày, trong 3 – 5 ngày.

Oxytetracycline L.A thuốc trị xoắn khuẩn ở trâu là sản phẩm nhập khẩu từ Công ty Quilu Animal, Trung Quốc và được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Oxytetracycline L.A với thành phần chính là hoạt chất Oxytetracycline có hiệu quả cao trong việc trị xoắn khuẩn ở trâu cũng như một số loài khác như bò, heo, cừu, dê… Cách dùng: Tiêm 1 liều đơn 1 ml/10 kg thể trọng. Trong trường hợp viêm nhiễm nặng cần điều trị thêm 1 liều sau mũi tiêm đầu 72 giờ. Nếu nồng độ vượt quá 20 ml ở trâu bò, 10 ml ở heo và 5 ml ở cừu và dê, thì nên chia làm 2 liều và tiêm vào hai nơi.

Bích Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *