Phòng, trị một số bệnh thường gặp trên dê

(Người Chăn Nuôi) – Dê là loài gia súc dễ nuôi, có sức đề kháng tốt. Tuy nhiên trong quá trình nuôi cũng có thể mắc một số bệnh làm giảm năng suất, chất lượng và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận chăn nuôi.

Bệnh lở mồm long móng

Nguyên nhân: Do loại virus lở mồm long móng type A, O có hướng thượng bì gây nên. Bệnh lây lan nhanh, mạnh cho nhiều loài nhai lại và có thể lây sang người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, tiêu hóa, tiếp xúc.

Triệu chứng: Dê sốt cao, xuất hiện các mụn nước nhỏ ở mồm, lưỡi, bầu vú, móng và bàn chân, khi vỡ để lại các vết loét sâu có thể gây long móng.

Phòng bệnh: Tiêm phòng vaccine lở mồm long móng.

Điều trị: Không có biện pháp điều trị hiệu quả. Chữa loét ở miệng: Dùng chất sát trùng nhẹ, chua nhẹ để rửa miệng như: Khế chín, chanh mỗi ngày xoa 2 – 3 lần. Dùng Han-Iodine 10% pha 20 – 30 ml với 100 ml nước sạch sát trùng vết thương ngày 1 – 2 lần liên tục 4 – 5 ngày. Chữa móng: Cạo sạch đất, rửa bằng nước sát trùng rồi bôi cồn iốt 10%, formol 1% hoặc than xoan trộn lá đào, nhọ nồi, phèn, nghệ củ…

nuôi dê

 

Bệnh tụ huyết trùng

Nguyên nhân: Bệnh do vi khuẩn Pasteurella hemotyca hoặc P.mutocida gây nên.

Triệu chứng: Bệnh thường xảy ra ở thể quá cấp hay cấp tính, dê sốt cao, chảy nước mắt, nước mũi, lờ đờ, sút cân khó thở và ho. Phổ biến thường thấy một con dê trong đàn chết đột ngột trước khi có triệu chứng.

Phòng bệnh: Đảm bảo môi trường nuôi nhốt thông thoáng để giảm độ ẩm trong chuồng nuôi, đàn dê mới nhập về phải cách ly ít nhất 2 tuần. Định kỳ 6 tháng/lần tiêm phòng vaccine tụ huyết trùng.

Điều trị: Sử dụng một trong các loại thuốc sau:

– Kanatialin: 1 ml/6 – 10 kg TT.

– Linspec 5/10: 1 ml/10 – 12 kg TT.

– Ampicillin (5 – 10 mg/kg TT), Genta-Tylan (0,1 – 0,2 ml/kg TT, 2 lần/ngày).

– Kết hợp trợ sức bằng B – Complex, Vitamin ADE…

 

Bệnh viêm phổi

Nguyên nhân

– Do một số chủng vi khuẩn, virus và ký sinh trùng gây nên.

– Các yếu tố tác động bất lợi của môi trường như bị lạnh, gió lùa, chuồng trại ẩm ướt mất vệ sinh, nuôi nhốt chật chội…

Triệu chứng: Bệnh thường ở dạng cấp tính. Thời gian ủ bệnh thường 1 – 2 ngày hoặc lâu hơn. Dê bệnh biểu hiện sốt cao, ho, thở khó, đau, đầu cúi xuống có thể chảy nước mũi và chảy dãi, dê kém ăn hay nằm một chỗ mệt mỏi, ủ rũ. Nếu nặng và không điều trị kịp thời dê sẽ chết hoặc chuyển sang dạng mãn tính dẫn đến gầy còm, ốm yếu.

Điều trị và phòng bệnh: Phải bảo đảm chuồng trại luôn sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tránh mưa hắt gió lùa vào chuồng. Thức ăn, nước uống phải đảm bảo sạch sẽ, đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng. Dê ốm cần được điều trị sớm bằng kháng sinh như: Navet-Gentamox: Tiêm bắp, liều 10 – 15 ml/con/ngày, tiêm liên tục 3 – 5 ngày. Tylosin (11 mg/kg TT), Gentamycine (15 mg/kg TT), Noflox ( 12 mg/kg TT) hoặc Streptomycin ( 30 mg/kg TT) kết hợp với các thuốc trợ sức như: Vitamin B1, Vitamin C.

 

Bệnh cầu trùng

Nguyên nhân: Gây ra bởi ký sinh trùng đơn bào.

Triệu chứng: Dê kém ăn, phân nhão, ỉa chảy có khi lẫn máu.

Phòng bệnh: Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khử trùng tiêu độc định kỳ bằng thuốc sát trùng, vôi bột.

Điều trị: Dùng Vime-Anticoc liều 20 g/12 – 15 kg TT, cho uống liên tục 3 – 5 ngày.

 

Bệnh chướng hơi dạ cỏ

Nguyên nhân: Do dê ăn nhiều thức ăn dễ lên men sinh hơi như: Thức ăn xanh chứa nhiều nước, cây cỏ họ đậu, thân cây ngô non, cây lạc tươi hoặc những thức ăn đang lên men như: Cây cỏ, rơm rạ mục. Do ăn phải những thức ăn chứa độc tố.

Triệu chứng: Dê bồn chồn, khó chịu, mệt mỏi, bụng trái căng to, gõ có âm trống. Đầu hay ngoảnh về phía trái, chảy nước dãi, khó thở.

Phòng bệnh: Không cho dê ăn quá nhiều cỏ non, thức ăn thối, mốc.

Điều trị:

– Làm thoát hơi trong dạ cỏ: Xoa bóp vùng dạ cỏ nhiều lần mỗi lần cách nhau 10 – 15 phút. Cho dê đứng ở trạng thái đầu cao hơn mông.

– Dùng thuốc: Tỏi 3 – 4 củ giã nát hòa với dấm cho uống.

– Nếu nặng, phải nhờ cán bộ thú y dùng troca chọc dạ cỏ cho thoát hơi.

 

Hội chứng tiêu chảy

Nguyên nhân: Bệnh xảy ra ở dê con. Các loại vi khuẩn có khả năng gây bệnh thường là: E.coli, Salmonella, Clostridium perfingens. Một số loài virus như rota virus, corona virus cũng tham gia gây bệnh. Giun sán cũng là một nguyên nhân gây tiêu chảy thường xuyên ở đàn dê.

Triệu chứng

Thể nhẹ: Thể trạng bình thường, tiêu chảy ngắn, phân thay đổi từ nhão đến loãng, tăng nhu động đường ruột.

Thể nặng: Mất nước, mệt mỏi, ủ rủ, kém ăn, mồm khô, hay nằm, hậu môn dính bết phân, phân có mùi hôi thối, gầy sút nhanh, da tai lạnh, mắt nhợt nhạt, bỏ ăn, có thể dẫn đến chết do mất nước.

Điều trị: Cho dê vào nơi ấm, khô ráo, sát trùng sàn chuồng dê ốm. Cho dê uống dung dịch chống mất nước, điện giải như Orêsol 0,3 – 1,5 lít/ngày. Trường hợp dê yếu, phải truyền dung dịch chống mất nước, hạn chế cho ăn các loại thức ăn xanh nhiều nước.

Bệnh ở thể nhẹ có thể dùng các loại lá chát như lá ổi, lá sim, lá chè xanh, quả hồng xiêm xanh cho ăn hoặc giã nát vắt lấy nước cho uống.

Trường hợp nặng thì dùng kháng sinh điều trị. Đối với dê con có thể dùng Cloroxit 4 –  8 viên/chia 2 lần/ngày. Đối với dê lớn nên dùng kháng sinh dạng tiêm như:

– Hanceft: 1 ml/10 kg TT. Tiêm ngày 1 lần.

– Han-Clamox: 1 ml/20 kg TT. Tiêm ngày 1 lần.

– Genta-Coleno, Genta-Tylan, NoFlox, Colistin tiêm bắp với liều 1 ml/8 – 10 kg TT.

Phòng bệnh: Cách ly ngay những con dê mắc bệnh, chuyển dê ra khỏi chuồng ô nhiễm để vệ sinh sát trùng. Chuồng trại hàng ngày phải được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo khô ráo, thông thoáng. Đối với dê con sơ sinh cần được bú sữa đầu càng sớm càng tốt. Thức ăn, nước uống phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, không bị ôi thiu, mốc, không thay đổi thức ăn đột ngột.

Thái Thuận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *