Phát triển đàn lợn đen bản địa trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực

Với mục đích phát triển đàn lợn đen bản địa trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) khuyến khích người dân tích cực nhân giống và đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng thành lập Tổ hợp tác (THT).

Xã An Thắng hiện là địa phương tập trung nhiều hộ dân phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa của huyện. Theo chính quyền xã, hiện xã đang triển khai mô hình chăn nuôi lợn đen địa phương thông qua Dự án CSSP từ cuối năm 2020, đến nay xã đã thành lập được 05 THT với 55 hộ nghèo, cận nghèo tham gia tại các thôn Tiến Bộ, Nà Mu, Nà Mòn, Khuổi Làng, Phiêng Pẻn. Qua quá trình thực hiện đạt hiệu quả, người dân tiếp tục duy trì tái đàn và luôn chú trọng công tác chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

nuôi lợn đen

Nhờ chăn nuôi lợn đen bản địa đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình bà Triệu Mùi Muổng ở thôn Nà Mòn, xã An Thắng (Pác Nặm).

Trưởng thôn Nà Mòn Triệu Văn Chín cho biết: Lợn đen chống chịu tốt với thời tiết giá lạnh, dịch bệnh, chất lượng thịt ngon nên khách hàng rất ưa chuộng. Khác với cách chăn nuôi thả rông trước kia, giờ đây các hộ chăn nuôi lợn đen tham gia vào THT, được tập huấn kỹ thuật chăm sóc đàn lợn, người dân làm chuồng trại quy củ, vệ sinh sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn.

Thôn có 30 hộ đều chăn nuôi lợn đen, hộ ít nuôi từ 3 – 4 con, hộ nuôi nhiều từ 30 – 40 con. Tổng đàn lợn đen của thôn hiện khoảng 146 con. Giá thịt lợn đen hiện nay dao động từ 60.000 – 80.000 đồng/kg. Những năm gần đây, từ việc phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa đã giúp nhiều hộ gia đình đồng bào Dao đỏ trong thôn thoát nghèo và có thu nhập ổn định. Điển hình như gia đình ông Lý Văn Quý, Triệu Văn Nhạy… 

Gia đình bà Triệu Mùi Muổng, ở thôn Nà Mòn phấn khởi cho hay: "Mỗi năm, gia đình tôi duy trì chăn nuôi 02 lứa lợn, từ 1 – 3 con lợn nái và 7 – 8 con lợn thịt. Gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, thông thường nuôi từ 9 – 10 tháng, lợn đạt cân nặng từ 50 – 60kg có thể xuất bán. Ngay từ khâu lựa chọn con giống, thức ăn chăn nuôi đến công tác phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi luôn được gia đình chú trọng thực hiện, nhờ đó đàn lợn luôn phát triển khỏe mạnh, mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình".

Theo chính quyền huyện, chăn nuôi lợn đen trên địa bàn huyện hiện nay chủ yếu tập trung nhiều ở các xã Bằng Thành, Nghiên Loan, An Thắng, Xuân La, Cao Tân… Riêng năm 2022, Ban Điều phối dự án CSSP huyện đã phối hợp với Hội Nông dân thành lập được 22 THT chăn nuôi lợn đen địa phương với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Huyện đề ra mục tiêu phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa trở thành hàng hóa mang lại thu nhập cho người dân; tích cực tuyên truyền người dân đảm bảo công tác vệ sinh chuồng trại, thường xuyên tăng cường phòng, chống dịch bệnh, tăng đàn lợn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân./.

Thanh Hảo

Nguồn: Báo Bắc Kạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *