Bám sát tình hình buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật

(Người Chăn Nuôi) – Cục Thú y vừa ban hành văn bản 191/TY-PC,TTr gửi Chi cục Kiểm dịch động vật vùng, Chi cục Chăn nuôi/Thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.

Trong văn bản, Cục Thú y yêu cầu Chi cục Chăn nuôi Thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra tại các chợ đầu mối, trạm/chốt kiểm dịch 24/24 giờ; Phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng Giấy chứng nhận kiểm dịch khống, Giấy chứng nhận kiểm dịch giả; Thực hiện nghiêm việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định.

Lực lượng chức năng Lai Châu bắt giữ xe tải chở động vật không rõ nguồn gốc. Ảnh: ST

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xác định nguồn gốc động vật trong thực hiện kiểm dịch vận chuyển xuất tỉnh; Từ chối kiểm dịch các trường hợp không rõ nguồn gốc, hợp thức hóa lô hàng kiểm dịch; Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các địa bàn tiếp giáp biên giới; tăng cường truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ tại địa bàn,…

Đồng thời, Chi cục Thú y các vùng/Chi cục Kiểm dịch động vật vùng có nhiệm vụ tổ chức kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nhập khẩu tại cửa khẩu, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu (nhất là các phụ phẩm), nhập khẩu để gia công, chế biến xuất khẩu; tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quả cảnh lãnh thổ Việt Nam. Phối hợp với các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Ban Chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông… để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam. 

Ngoài ra, các địa phương cần tuyên truyền cho nhân dân nhất là người dân ở khu vực biên giới về tác hại của việc nhập lậu, nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mất an toàn thực phẩm do vận chuyển trái phép, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam. 

Cục Thú y cũng chỉ đạo cơ quan Thú y địa phương, thống kê và tổng hợp số liệu tổng đàn gia súc, gia cầm thuộc địa bàn quản lý, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, hợp thức hóa động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc để làm kiểm dịch xuất tỉnh…

Minh Khuê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *