”Mùa xuân” trên những nong tằm

Những đôi bàn tay dẫu đã chai sạn, nhăn nheo qua bao năm tháng dãi dầu mưa nắng vẫn chưa một ngày thôi chăm bẵm từng lá dâu, con tằm, cuộn kén. Về lại Xuân Phong, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng không khí mùa xuân đã ngập tràn trên mỗi con đường, căn nhà và cả từng nụ cười hồn hậu của người nông dân xứ tằm tang…

Làng nghề truyền thống

Đã hơn 30 năm từ ngày những chàng trai, cô gái Xuân Trường (Nam Định) gói ghém hành trang cùng hy vọng lập nghiệp đến với quê hương mới Đạ Tẻh. Vẫn vẹn nguyên cảm xúc về những ngày xưa cũ, trong lòng mỗi người càng chộn rộn, quyến luyến quê xưa khi ngày Tết đã cận kề.

Những năm 1986 – 1987, có một “dòng chảy” vượt qua hàng ngàn cây số mang theo khát vọng về một cuộc sống mới. Ông Phạm Xuân Thịnh, Bí thư Chi bộ thôn Xuân Thượng (xã Đạ Pal) khi đó cũng trong lớp thanh niên từng ngày cần mẫn cuốc từng thớ đất, phát từng mảnh lau sậy, trồng từng hạt lúa, cây ngô. Chỉ khi có những người tìm về quê hương, đưa cây dâu, con tằm vào trồng thử quanh những bãi bồi ven sông thì người dân mới bắt đầu có được cuộc sống ổn định.

Nếu như ông Thịnh còn phải mất một khoảng thời gian khai khẩn đất đai để “làm quen” thì những người đến sau như Trưởng thôn Đinh Quang Tuyến lại giống như một chuyến hành trình chuyển địa điểm nuôi tằm đến nơi cách xa hàng ngàn cây số. Dẫu vậy, sự khác biệt vùng, miền cũng khiến bao người lao đao trong những ngày đầu. 

nuôi tằm

Có những người trẻ đã “nối nghiệp” cha ông bên những nong tằm

Đạ Pal không phải là mảnh đất đầu tiên ở Đạ Tẻh bén rễ những nhánh dâu xanh, nhưng để nói về cái nôi của nghề trồng dâu nuôi tằm, người ta sẽ nhắc đến cái tên Xuân Phong – nơi những người con xa quê mang theo nghề truyền thống. Từ một nhà, hai nhà đầu tiên thử nghiệm, chỉ sau vài năm, cả thôn Xuân Phong khi ấy (nay là thôn Xuân Thượng sau khi sáp nhập 2 thôn Xuân Phong và Xuân Thượng từ năm 2020) đều gắn bó mật thiết với nghề.

Theo những người ở đây, mảnh đất này có thể không giàu phù sa như những bãi bồi bên đồng bằng châu thổ sông Hồng, nhưng bù lại có thời tiết thuận lợi, thổ nhưỡng phù hợp và cả con người từ bấy giờ đến hôm nay. Tất cả như hội tụ, vừa đủ để từ gian khó vươn lên thành làng nghề Xuân Phong như hiện tại.

Từ một tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm, đến ngày 4/1/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định “Công nhận làng nghề trồng dâu nuôi tằm thôn Xuân Phong, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh đạt tiêu chí làng nghề”. Từ đó, làng nghề nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của ngành Nông nghiệp và chính quyền các cấp như mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đầu tư mua nong, né, sàn công nghệ cao, máy móc thiết bị, hệ thống tưới… Đa phần các hộ đã đầu tư khá bài bản từ khâu chọn giống, áp dụng kỹ thuật mới trong việc trồng dâu lai bằng công nghệ tưới nước tự động; không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật cho đến cách xây dựng khu vực nuôi tằm được cách ly tránh con tằm bị nhiễm bệnh. Khi thu hoạch kén, người nuôi tằm chỉ việc bỏ né vào máy dập kén. Từ đó vừa giúp tiết kiệm được công lao động và góp phần nâng cao thu nhập.

nuôi tằm

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật đã giúp người nuôi tằm “khỏe” hơn nhiều so với trước đây

“Cuộc sống được như ngày hôm nay là nhờ cây dâu, con tằm. Nghề này không giàu được, nhưng cái ăn, cái mặc của cả nhà thì nhờ hết vào đó”, câu nói vui mộc mạc của người dân như một cách để khẳng định được vị trí quan trọng cũng như sự gắn bó và cả niềm tự hào của người nông dân ở làng nghề Xuân Phong.

 

Niềm vui nhân đôi

Trở lại Xuân Phong trong những ngày cuối tháng Chạp, chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự thay đổi của một miền quê đang ngày một khởi sắc. Trong từng mái nhà đã có thêm bánh mứt, mai, đào đua nở góc sân nhà, ai cũng tranh thủ trang hoàng nhà cửa để đón con cháu trở về sum họp sau một năm xa cách vì dịch bệnh. 

Không giống như phần lớn làng nghề khác phải tất bật để chuẩn bị cho vụ Tết, người làng Xuân Phong cứ thế bận rộn suốt cả năm. Có chăng là năm nay, bên cạnh niềm vui sum họp, người dân dường như phấn khởi hơn bởi giá kén tằm ở mức cao kỷ lục. Với thu nhập gần như tăng gấp đôi ở thời điểm cận Tết Nguyên đán 2022, mọi việc chi tiêu cũng có vẻ như đã “xông xênh” hơn.

“Cả làng này ai cũng mừng. Bao nhiêu năm giữ nghề, có khi giá kén giảm mạnh, có khi tăng cao, nhưng cao như bây giờ thì rất hiếm. Nghề này không chỉ là truyền thống mà còn là “cần câu” của cả gia đình mười mấy năm qua”, bà Nguyễn Thị Nghĩa bộc bạch. 

Cả cuộc đời gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm, bà Nghĩa bảo rằng ngày xưa, nghề “ăn cơm đứng” thật sự là một nghề vất vả khi người nuôi phải tất bật suốt ngày với nong né mà thu nhập chẳng được bao nhiêu. Bây giờ thì chất lượng tằm giống được đảm bảo, cây dâu giống mới năng suất cao, kỹ thuật chăm tằm đã được đổi mới nên công việc nhàn hơn rất nhiều. Nhiều hộ dân đầu tư xây nhà nuôi tằm còn kỹ hơn xây nhà ở.

Trong tổng số 151 hộ với 500 nhân khẩu của thôn Xuân Phong, gần như 100% lao động sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm. Bên cạnh nhà ở, nhà tằm cũng được đầu tư bài bản. Trước đây là những căn nhà gỗ, nền đất thì đến nay, đa phần tằm đến tuổi ăn ba sẽ được nuôi dưới nền gạch men sạch sẽ, che chắn cẩn thận. Dẫn chúng tôi đi dọc thôn, ông Phạm Xuân Thịnh nói rằng, mỗi nhà ít nhất sẽ nuôi 1 – 2 hộp tằm/tháng. Số lượng này sẽ tùy thuộc vào diện tích cũng như sản lượng dâu. 

“Trước đây là nghề cứu đói của bà con, còn bây giờ chúng tôi tự hào về một nghề truyền thống mang lại cuộc sống đủ đầy nên chẳng một ai nghĩ tới việc từ bỏ. Chính vì thế mà thôn này chẳng có ai còn sức lao động mà không trồng dâu nuôi tằm”, ông Phạm Xuân Thịnh, Bí thư chi bộ, cũng là Chủ nhiệm Làng nghề trồng dâu nuôi tằm khẳng định. 

Từ ngày làng nghề thành lập, diện tích trồng dâu của từng nhà cũng như quy mô nuôi tằm của mỗi hộ đều tăng lên. Diện tích trồng dâu cũng chiếm hơn 40% diện tích đất sản xuất. Sự phát triển cũng nằm trên mỗi nong tằm, bằng việc từ 30 – 35 kg kén/hộp nay đã tăng lên 50 – 60 kg. Và không chỉ có những người của thế kỷ trước, lớp thanh niên lớn lên, có người đi xa tìm kiếm cơ hội nơi thành phố lớn, có người ở lại học hỏi kinh nghiệm từ cha mẹ, ông bà tiếp tục gắn bó.

Tết đến, xuân về, trong câu chuyện của những người con xa quê với nhau, không khí mùa xuân của miền Bắc với gió rét, mưa phùn vẫn còn vẹn nguyên, cay cay nơi sống mũi. Thế nhưng, sự bằng lòng với cuộc sống trên quê hương mới đã giúp nỗi lòng của họ vơi đi ít nhiều. Và, việc xem mảnh đất không phải nơi chôn nhau cắt rốn như quê hương thứ hai cũng là cách mà từng người, từng người nơi đây đanghằng ngày trả ơn mảnh đất lành đã cho mình một cuộc sống mới, ấm no, đủ đầy.

Hồng Thắm – Việt Quỳnh

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *