Kỳ vọng vaccine ASF

(Người Chăn Nuôi) – Dịch tả heo châu Phi (ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus thuộc họ Asfarviridae gây ra. ASF được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1921 tại Kenya. Năm 2007 phát hiện có bệnh ở Geogia, sau đó lan đến Nga và một số nước khác ở châu Âu. Gần đây bệnh được phát hiện ở Trung Quốc (2018) và nhiều nước thuộc châu Á.

Theo báo cáo của Cục Thú y, ASF xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 2/2019 tại tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Dịch bệnh sau đó lây nhanh trên diện rộng và đến nay vẫn tiếp tục xảy ra ở các mức độ khác nhau trong phạm vi toàn quốc. Tính đến ngày 25/12, ASF đã xảy ra tại 2.275 xã của 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với tổng số heo buộc tiêu hủy trên 230.000 con, gấp gần 3 lần so cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng đàn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến dự báo từ nay đến cuối năm, số heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy có khả năng lên tới 300.000 con.

Theo nhận định của Cục Thú y, thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh ASF tái phát và phát sinh là rất cao, do đặc điểm của virus này rất nguy hiểm đối với heo, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Việc phải tiêu hủy 100% số heo nhiễm ASF gây ra thiệt hại rất nặng nề cho nông dân. Do đó, vaccine được coi là một kỳ vọng lớn trong ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh.

Trên cơ sở hợp tác giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Nông nghiệp Mỹ; được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ, sự chỉ đạo và giúp đỡ của lãnh đạo Cục Thú y và các phòng thí nghiệm chuyên ngành thuộc Cục Thú y, Công ty Cổ phần thuốc Thú y Trung ương Navetco (Navetco) đã tiến hành nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh ASF tại Việt Nam. Đến nay, Công ty đang nghiên cứu sản xuất đồng thời 2 loại vaccine dùng 2 chủng virus vaccine ASF nhược độc, trong đó chủng ASFV G-delta I 177L được nhân giống sản xuất trên tế bào sơ cấp PBMC và chủng ASFV G-delta I 177L/dLVR nuôi cấy trên tế bào dòng PIPEC (Plum Island Porcine Endothelial Cell).

Sau một thời gian thực hiện, dự án nghiên cứu vaccine ASF tại Navetco đã thu được những kết quả khoa học và thực tiễn quan trọng có thể sử dụng trình Cục Thú y xin cấp phép để sản xuất và lưu hành vaccine tại Việt Nam. Cụ thể, vaccine sản xuất từ virus ASF chủng G-delta I 177L cho khả năng bảo hộ tốt. Qua đánh giá 6 lô vaccine sản xuất thử nghiệm, tất cả đều đạt yêu cầu với 100% heo tiêm vaccine được bảo hộ và 100% heo đối chứng chết do virus ASF cường độc gây ra. Kết quả thử nghiệm trên 1.500 heo đủ các lứa tuổi, các giống heo chứng minh vaccine có hiệu quả bảo vệ đàn heo nuôi. Heo tiêm vaccine an toàn, có đáp ứng kháng thể, đạt trên 90% và đàn heo tiêm được bảo vệ chống lại virus ASF, ngay cả ở những trại bị đe dọa, có nguy cơ dịch xảy ra rất cao. Hiệu quả của vaccine tiêm cho heo trên thực địa, đánh giá bằng công cường độc đạt tỷ lệ bảo hộ 80 – 100%. Đối với virus ASF thích ứng trên tế bào PIPEC, chủng ASFV-G-delta I 177L/dLVR thì hiện tại, Công ty đã sản xuất thành công vaccine này và kiểm tra cho thấy tất cả lô vaccine đều đạt các yêu cầu về vô trùng, an toàn và hiệu lực.

Hiện, Cục Thú y đã chính thức chấp nhận cấp phép thực hiện khảo nghiệm vaccine ASF dùng chủng G-delta I 177 L do Navetco nghiên cứu sản xuất, làm cơ sở cho việc đăng ký lưu hành này tại Việt Nam. Vaccine sẽ được tiến hành khảo nghiệm tại 2 địa điểm, hiện tại công tác khảo nghiệm đã kết thúc tại 1 địa điểm và cho kết quả tốt, trong khi tại địa điểm thứ 2 đang tiếp tục theo dõi và dự kiến sẽ kết thúc trong tháng 12/2021.

Nguyễn An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *