Hiệu quả mô hình vỗ béo bò thịt

Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 14/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 – 2025 và những năm tiếp theo xác định: Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm có năng suất, chất lượng cao phải dựa trên đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và khai thác, phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế của địa phương, bảo đảm hiệu quả kinh tế, vệ sinh môi trường. Bám sát định hướng đó, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình triển khai dự án “Xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt” giai đoạn 2020 – 2022 với sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông quốc gia.

Mục tiêu của dự án là nâng cao năng suất, giá trị trong chăn nuôi bò vỗ béo, gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường; từ hiệu quả các mô hình trình diễn, thông qua các lớp đào tạo, hội thảo tuyên truyền sẽ nhân rộng mô hình ra cộng đồng từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, năm 2021, Trung tâm đã xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt với 2 điểm trình diễn tại Đông Hưng, Thái Thụy; quy mô 250 con; 40 hộ tham gia. Trung tâm hỗ trợ 50% tổng lượng thức ăn tinh hỗn hợp, 50% lượng thuốc tẩy ký sinh trùng và gần 50% lượng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi với tổng khối lượng 33.750kg thức ăn hỗn hợp, 375 liều thuốc tẩy ký sinh trùng, 46 lít chế phẩm vi sinh; lượng vật tư còn lại người dân đóng góp đối ứng để xây dựng mô hình.

nuôi bò vỗ béo

Trung tâm Khuyến nông Thái Bình tham quan, đánh giá mô hình triển khai tại hộ ông Bùi Văn Tuân, xã Hà Giang (Đông Hưng).

Kỹ sư Trần Văn Trung, chủ nhiệm dự án cho biết: Các hộ tham gia mô hình phải đáp ứng các tiêu chí dự án như: có bò đúng đối tượng để đưa vào vỗ béo; có chuồng trại phù hợp quy mô, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật nuôi bò vỗ béo, chuồng nuôi làm đệm lót sinh học để bảo đảm vệ sinh môi trường, có khả năng đối ứng vật tư theo yêu cầu mô hình; có khả năng tiếp thu và thực hiện quy trình kỹ thuật của mô hình; chưa nhận được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của ngân sách nhà nước cho cùng một nội dung của mô hình. Để thực hiện có hiệu quả mô hình, Trung tâm đã tổ chức tập huấn kỹ thuật vỗ béo bò thịt cho 40 hộ tham gia mô hình theo phương pháp lấy người học làm trung tâm, thuyết trình có hình ảnh minh họa, thảo luận nhóm, chú trọng thực hành cầm tay chỉ việc, kết hợp tham quan thực tế các mô hình vỗ béo bò thịt. Ngoài ra, các hộ còn được cấp sổ ghi chép và hướng dẫn cụ thể các nội dung ghi chép sổ sách để tổng hợp, báo cáo cũng như giúp hộ chăn nuôi hạch toán kinh tế. Đàn bò chọn nuôi vỗ béo được kiểm tra sức khỏe, bấm thẻ tai theo dõi, đo trọng lượng, phân loại (bò loại thải, bò thịt), tẩy ký sinh trùng và nuôi thích nghi trước khi vào nuôi vỗ béo.

Năm 2021, gia đình ông Bùi Văn Tuân, thôn Lương Đống, xã Hà Giang (Đông Hưng) có 20 con bò được lựa chọn để thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo. Không chỉ được hỗ trợ vật tư, ông Tuân còn được hướng dẫn kỹ thuật chế biến, bảo quản thức ăn và cách vỗ béo bò. Ông Tuân cho biết: Sau 3 tháng, đàn bò của gia đình phát triển khỏe mạnh và tăng cân hơn. Khi bán, trung bình mỗi con bò, tôi lãi thêm được 500.000 đồng so với nuôi truyền thống. Nuôi bò vỗ béo thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi tự nhiên như trước đây.

Gia đình ông Bùi Sỹ Dem, thôn Trường Xuân, xã Thụy Trường (Thái Thụy) tham gia mô hình với 9 con bò thịt giống lai Sind, 3B. Ông Dem cho biết:  Đàn bò được nuôi trên nền đệm lót sinh học có sức đề kháng, miễn dịch tốt. Tác động của hệ vi sinh vật có lợi sẽ tiêu diệt hoàn toàn vi sinh vật tiềm ẩn mầm mống gây bệnh, bảo đảm vật nuôi luôn sinh trưởng khỏe mạnh, đồng đều, duy trì tỷ lệ đàn. Ngoài ra, áp dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học giúp gia đình xử lý chất thải từ chăn nuôi, môi trường nuôi sạch, không mùi. Sau sử dụng, đệm lót đem ủ thành nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho các loại cây trồng, đặc biệt là cỏ trồng phục vụ nguồn thức ăn xanh cho bò.

mô hình nuôi bò

Trung tâm Khuyến nông bàn giao vật tư hỗ trợ các hộ tham gia mô hình.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, sau 3 tháng đưa vào vỗ béo, mức tăng trọng bình quân 767,85 g/con/ngày (đối với bò loại thải), 874,28 g/con/ngày (với bò thịt), hiệu quả kinh tế tăng bình quân 22,69% so với nuôi vỗ béo không áp dụng quy trình (yêu cầu của dự án là ≥ 15%). Với giá bán hiện tại, mô hình vỗ béo 250 con bò cho lãi ước đạt 675 triệu đồng, cao hơn nuôi bò vỗ béo không áp dụng quy trình 125 triệu đồng.

Mô hình vỗ béo bò thịt trên nền đệm lót sinh học là mô hình phù hợp với xu hướng phát triển chăn nuôi bền vững gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi diện tích đất cho phát triển chăn nuôi gia trại và trang trại đang gặp nhiều khó khăn.

Ngân Huyền

Nguồn: Báo Thái Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *