“Gỡ khó” cho chăn nuôi

Được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong phát triển chăn nuôi (CN), nhưng hiện nay lĩnh vực CN của Quảng Bình đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Đặc biệt, việc liên kết đầu ra cho sản phẩm còn phụ thuộc vào thị trường tự do, CN nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, quy hoạch CN ở các địa phương thiếu đồng bộ…

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN-TY) tỉnh, năm 2023 ngành CN phải đối mặt với nhiều biến động, khó khăn do dịch bệnh gia súc xảy ra gây thiệt hại cho người CN ở các hộ nhỏ lẻ; đặc biệt, giá cả các sản phẩm CN đang ở mức thấp, trong khi giá thức ăn công nghiệp còn cao nên CN nông hộ giảm. Điều này dẫn đến tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh không đạt theo kế hoạch của kịch bản tăng trưởng kinh tế. Trong đó, đàn trâu có 31.583 con, đạt 94,84% so với kế hoạch, giảm 8% so với cùng kỳ; đàn bò 90.051 con, đạt 82,62% so với kế hoạch, giảm 15% so với cùng kỳ; đàn lợn 254.985 con, đạt 94,44% so với kế hoạch…

Nhiều năm qua, huyện Lệ Thủy luôn chú trọng, quan tâm phát triển trong lĩnh vực CN, vì thế, đàn gia súc, gia cầm ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển ổn định. Đến nay, đàn trâu 5.355 con (bằng 100,36% so với cùng kỳ); đàn bò 11.880 con (bằng 101,11% so với cùng kỳ); đàn lợn 42.700 con (bằng 103,52% so với cùng kỳ); đàn gia cầm 2.184.700 con (bằng 101,47% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, địa phương đã chủ động thực hiện tốt việc thụ tinh nhân tạo nên đàn bò lai ngày càng tăng; triển khai chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng đàn lợn, giống gia cầm và các loại đặc sản có giá trị cao nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường…

chăn nuôi Quảng Bình

Chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 65 – 70% tổng số đàn vật nuôi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Nguyễn Hữu Hán cho biết, mặc dù có tốc độ tăng trưởng khá ổn định, tuy nhiên, lĩnh vực CN trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, như: CN chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, hộ gia đình; CN tập trung, trang trại phát triển còn chậm; việc tiêu thụ sản phẩm CN gặp nhiều khó khăn, chủ yếu bán tự do trên thị trường và thông qua các tư thương; sự liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế…

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ cao trong CN ở địa phương còn khó khăn, chưa có mô hình quy mô lớn; công nghệ áp dụng chưa đồng bộ, mức độ áp dụng khoa học công nghệ chưa cao; công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh thú y chưa được quan tâm đúng mức; việc tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ thấp…

“Để gỡ khó cho lĩnh vực CN, địa phương sẽ tập trung phát triển đa dạng giống vật nuôi, ưu tiên các giống mới, giống có chất lượng cao nhằm nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của các vùng để đẩy mạnh phát triển CN toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác tiêm phòng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn sản xuất…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy thông tin.

Gia đình bà Cao Thị Lương (SN 1963), thôn 5, Yên Thọ, xã Tân Hóa (Minh Hóa) đã thực hiện CN lợn theo quy mô nhỏ lẻ từ nhiều năm qua. Mỗi năm, gia đình bà xuất chuồng hơn 30 con lợn thịt. Tuy nhiên, do CN đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao nên gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn…

“Gia đình tôi hiện chỉ duy trì nuôi 2 con lợn nái và 9 con lợn thịt, mặc dù gia đình đã đầu tư xây dựng 7 chuồng trại theo quy mô khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường, nhưng không dám tái đàn vì sợ lỗ…”, bà Lương cho hay.

Theo Chi cục trưởng Chi cục CN-TY tỉnh Trần Công Tám, năm 2023, đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Giá nguyên liệu đầu vào trong CN, thuốc thú y tăng cao; giá đầu ra sản phẩm CN không ổn định (thấp và có thời điểm thấp hơn giá thành); liên kết đầu ra cho sản phẩm, còn phụ thuộc vào thị trường tự do, phụ thuộc vào các thương lái trên địa bàn; các chuỗi liên kết nâng cao giá trị sản phẩm trong CN còn hạn chế; cơ sở CN nhỏ lẻ chiếm 65-70% tổng số đàn vật nuôi, vì thế rất khó để triển khai thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong CN, công tác vệ sinh, tiêu độc; công tác chỉ đạo phát triển CN ở một số địa phương chưa thật sự quyết liệt, chưa đạt chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; chính sách hỗ trợ phát triển CN còn hạn chế…

Dịch bệnh trên vật nuôi tái diễn trên diện rộng và diễn biến phức tạp, như: Dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm; ý thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế; công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các ổ dịch bệnh động vật tại các địa phương còn chậm, chưa quyết liệt, nhất là việc kiểm soát giết mổ, mua bán vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch; tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin trên đàn vật nuôi ở các địa phương còn thấp. Mặt khác, cán bộ CN-TY cấp huyện, cấp xã còn thiếu và yếu về chuyên môn làm ảnh hưởng đến việc triển khai các nhiệm vụ thú y, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh động vật…

“Năm 2024, dự báo khí hậu biến đổi theo chiều hướng phức tạp, dịch bệnh động vật khó kiểm soát, nguy cơ xâm nhiễm rất cao; giá thức ăn vẫn tăng cao, giá đầu ra của sản phẩm CN không ổn định phụ thuộc vào tư thương; người CN thiếu vốn để đầu tư nâng cấp cơ sở, trang thiết bị, phòng, chống dịch bệnh nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan là rất lớn, sản xuất CN khó đạt kế hoạch. Vì vậy, đơn vị sẽ chỉ đạo, tập trung phát triển CN theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và điều kiện CN; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi; chủ động giám sát, xây dựng các phương án phòng dịch có hiệu quả…”, Chi cục trưởng Chi cục CN-TY tỉnh Trần Công Tám cho hay.

>> Năm 2023, tỷ trọng CN chiếm 53,6% trong sản xuất nông nghiệp, với giá trị ước đạt hơn 3.300 tỷ đồng. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt hơn 82.756 tấn, tăng 5,2% cùng kỳ. Ngoài ra, một số mô hình CN theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế, chủ động được nguồn thức ăn tại địa phương, giảm phụ thuộc vào thức ăn CN công nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo được nguồn thực phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm…

Ngọc Hải

Nguồn: Báo Quảng Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *