Chủ động giám sát dịch bệnh trên vật nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Từ đầu năm 2024 đến nay, dịch bệnh trên đàn vật nuôi của nước ta cơ bản được kiểm soát ổn định. Đây là tiền đề để Cục Thú y triển khai các nhiệm vụ quan trọng, góp phần đảm bảo sản xuất trong toàn ngành.

Theo báo cáo mới đây của Cục Thú y, từ đầu năm đến ngày 20/2/2024, cả nước có 2 ổ dịch bệnh cúm gia cầm tại tỉnh Ninh Bình và Long An. Số gia cầm mắc bệnh là 3.708 con, số gia cầm chết và tiêu hủy là 3.863 con; 37 ổ dịch dịch tả heo châu Phi thuộc 24 huyện của 13 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Số heo mắc bệnh là 1.716 con, số heo chết và tiêu hủy là 1.968 con; 3 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục tại tỉnh Quảng Ngãi chưa qua 21 ngày. Số gia súc mắc bệnh là 3 con, số gia súc chết và tiêu hủy là 1 con. Hiện nay, cả nước không có ổ dịch bệnh lở mồm long móng và tai xanh.

giám sát dịch bệnh trên vật nuôi

Cán bộ thú y thực hiện tiêm phòng vaccine dịch tả heo châu Phi. Ảnh: ST

Công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đã được triển khai chặt chẽ, đảm bảo theo đúng quy định. Cục Thú y đã ban hành các văn bản gửi Đại sứ quán và Cơ quan thú y có thẩm quyền của các nước đề nghị cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, trao đổi mẫu HC, phối hợp kiểm soát kiểm dịch xuất khẩu. Đồng thời, thông báo và đề nghị các nước làm rõ thông tin về lô hàng cho kết quả xét nghiệm dương tính với Newcastle; ban hành quy trình xét nghiệm phân biệt chủng virus Newcastle độc lực cao.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai sau Tết, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết: Cục sẽ theo dõi tình hình dịch bệnh, nhất là các bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục, dại. Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, tổ chức triển khai thực hiện 6 Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật. 

Cùng đó, Cục sẽ tham mưu Bộ ký văn bản chỉ đạo về phòng, chống bệnh cúm gia cầm; Triển khai Tháng tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc; Hoàn thành xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật; Rà soát, đề xuất bổ sung bệnh dịch tả heo châu Phi vào Danh mục bệnh phải tiêm phòng bắt buộc. Xây dựng và trình Bộ ban hành Kế hoạch quốc gia giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật xuất khẩu, giai đoạn 2024 – 2030, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/6/2024.

Triển khai giám sát chủ động, cảnh báo, điều tra, xử lý ổ dịch nhằm chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Xác định hiệu lực các loại vaccine phù hợp; xây dựng bản đồ dịch tễ của các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm để làm căn cứ chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh. Chủ động ứng phó với các dịch bệnh động vật truyền nhiễm trên cạn nguy hiểm mới nổi, các dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người. 

Đáng chú ý, Cục Thú y sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo các yêu cầu của Tổ chức Thú y Thế giới để hướng tới xuất khẩu và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tại 7 tỉnh vùng Đông Nam bộ; đề xuất kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng đã ký với Trung Quốc trước đó. 

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *