Chăn nuôi cuối năm: Thúc đẩy tiêu thụ

(Người Chăn Nuôi) – Do ảnh hưởng dịch COVID-19, ngành chăn nuôi những tháng đầu năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ cũng như lưu thông sản phẩm. Tuy nhiên thời điểm cuối năm, ngành chăn nuôi quyết tâm khắc phục khó khăn, đẩy mạnh nâng cao chất lượng và tiêu thụ sản phẩm.

Khó khăn vì COVID-19

Chiều 25/10, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, ngành chăn nuôi vẫn cơ bản phát triển ổn định. Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng trên 4,7 triệu tấn, đồng thời, về trứng, đạt trên 12 tỷ quả, sữa đạt gần 900 nghìn tấn. Giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tính tăng 4,2%.

Cụ thể, đến cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021, tổng đàn heo cả nước trên 28 triệu con, tăng 5%, những tỉnh có đàn heo lớn như Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa; Sản lượng thịt heo hơi 9 tháng đầu năm đạt khoảng 2,9 triệu tấn, 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn duy trì phát triển, hiện tổng đàn heo thịt trên 6 triệu con, chiếm 23 – 24% tổng đàn heo thịt của cả nước.

chăn nuôi heo

Việc tham gia vào mô hình kinh tế tập thể giúp ngành chăn nuôi heo hạn chế được nhiều rủi ro từ thị trường – Ảnh: CTV

Tổng đàn gia cầm khoảng 523 triệu con, tăng 4,4%, những tỉnh có đàn gia cầm trên 20 triệu con như: Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai; Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt gần 1,3 triệu tấn; Sản lượng trứng gia cầm đạt gần 12 tỷ quả, tăng 5% so cùng kỳ.Đàn bò gần 6,3 triệu con, tăng 1,8%, trong đó đàn bò sữa trên 331 nghìn con, tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung với trên 2,32 triệu con (chiếm 237%); Sản lượng thịt bò hơi 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 335,5 nghìn tấn; Sản lượng sữa bò tươi đạt gần 900 nghìn tấn, tăng 11,5% so cùng kỳ năm 2020. Đàn trâu khoảng 2,34 triệu con, giảm 3,8% so cùng kỳ năm 2020, tập trung chủ yếu các tỉnh miền núi và Trung du chiếm 55,3%; Sản lượng thịt trâu 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 91,4 nghìn tấn. Hiện, cả nước có trên 2,65 triệu con dê và khoảng 115 nghìn con cừu; Tổng sản lượng thịt dê, cừu trong 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 27,1 nghìn tấn.

Ông Trọng cho biết thêm, do dịch COVID-19 nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường học, bếp ăn tập thể cơ bản dừng hoạt động; Các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, chợ đầu mối, chợ dân sinh không hoạt động, đặc biệt 3 chợ đầu mối là Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức phải đóng cửa… dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm rõ rệt 30 – 50% như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đối với ngành chăn nuôi heo, thịt heo chiếm thị phần lớn trong các sản phẩm chăn nuôi, ở Việt Nam chiếm khoảng 65 – 66%, hiện nay cũng đang chịu tác động tiêu cực ở nhiều quốc gia do người tiêu dùng đã chuyển sang tiêu thụ các loại protein khác.

Người sản xuất, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được, lưu thông hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá lứa, ứ đọng; Chi phí sản xuất phát sinh quá lớn, một bộ phận người dân, cơ sở phải dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ nguồn lực tái sản xuất; Việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.

Lượng gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ đều giảm so thời điểm trước dịch COVID-19 là 27,7% đối với heo, 49,8% đối với gà. Nguyên nhân chính là do việc đóng cửa các chợ đầu mối, chợ truyền thống, xét nghiệm COVID-19 khó khăn, thiếu lao động do có F0 và F1. Đặc biệt, nhiều cơ sở giết mổ không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”.

 

Tiêu thụ sẽ tăng

Đó là nhận định mà ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra tại Hội nghị. Theo ông Toản, những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ tăng dần theo tiến độ hồi phục và mở cửa tại một số đô thị. Tuy nhiên về giá đang duy trì ở mức thấp, có biến động tăng giảm theo chu kỳ sản xuất do: Thị trường trong nước tác động liên thông với thị trường nước ngoài; Nhu cầu cao tập trung vào tháng 11, 12 (Noel và Tết Nguyên đán).

Còn theo Cục Chăn nuôi, đến nay, mặc dù các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường, tuy nhiên lượng nhân công lao động ở các địa phương vẫn chưa quay lại các thành phố lớn để làm việc, các trường học vẫn đóng cửa, các quán ăn mở đón khách, khách du lịch với số lượng hạn chế do vậy mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn hạn chế. Khi kiểm soát tốt được dịch bệnh COVID-19 thì mọi hoạt động sẽ dần trở lại bình thường và nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sẽ tăng trong những ngày sắp tới.

chế biến gia cầm

Lượng gia cầm đưa vào giết mổ 9 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh – Ảnh: Lượng Huệ

Cục Chăn nuôi cũng nhận định: Từ nay đến cuối năm 2021, nếu kiểm soát tốt dịch bệnh đối với người, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thì cơ bản chủ động được nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, một phần cho xuất khẩu, kể cả nhu cầu cho Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Tuy nhiên, trong các tháng tới, để góp phần giúp ổn định sản xuất của ngành chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cho rằng, cần có hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn để duy trì đủ nguồn cung cho tiêu dùng trong nước và một phần cho xuất khẩu.

Các địa phương rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất (giống, thức ăn, máy móc thiết bị, vật tư…) để xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất cụ thể trong mọi tình huống. Các địa phương đã khống chế được dịch COVID-19 cần đẩy mạnh phát triển sản xuất để hỗ trợ và bù đắp lại phần thiếu hụt cho các tỉnh phía Nam khi dịch COVID-19 chưa được khống chế.

Đặc biệt, tiếp tục khôi phục, tăng đàn heo; Ổn định phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ và phát triển một số loại vật nuôi lợi thế trong điều kiện có dịch COVID-19 và sau dịch.  Tăng cường chỉ đạo triển khai mô hình chăn nuôi ăn toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, tăng cường chăn nuôi theo hướng hữu cơ trong chuỗi nông nghiệp tuần hoàn.

Tại Hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp đã nêu các ý kiến cần được quan tâm để khắc phục những bất cập hiện nay. Theo đó, việc giá một số sản phẩm chăn nuôi giảm là do tác động của dịch COVID-19 và do chăn nuôi nhỏ lẻ thiếu thông tin. Dẫn đến người dân đổ xô bán nên giá xuống rất nhanh. Do đó, cần có những thông tin kịp thời, chính thống đến sớm với người chăn nuôi, tránh đổ xô theo trào lưu.

Đồng thời, các doanh nghiệp mong muốn Bộ NN&PTNT, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Thú y có nhiều chương trình hợp tác, xúc tiến thị trường, thông tin cho các doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam. Để từ đó, các doanh nghiệp có thông tin để cùng tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, do ảnh hưởng của COVID-19, tiêu thụ nông sản nói chung và thịt heo, gia cầm nói riêng có những ảnh hưởng nhất định. Những ngày gần đây, giá thịt heo tăng trở lại theo từng ngày, giá gà công nghiệp cũng đã tăng. Do đó, chúng ta cần phải tính toán để từ nay đến Tết đảm bảo nguồn cung thực phẩm.

“Ngành chăn nuôi phải tổ chức thành chuỗi sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ. Đây là đòi hỏi trước mắt và lâu dài để chăn nuôi đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Nếu để sản xuất nhỏ lẻ sẽ không chỉ rất khó đảm bảo về tiêu thụ mà kể cả phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

thứ trưởng bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Từ nay đến cuối năm, chăn nuôi rất quan trọng vì đây là lĩnh vực còn dư địa phát triển để góp phần tăng trưởng ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, cuối năm nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cao, phức tạp. Nếu không làm tốt về thú y sẽ không đảm bảo hệ thống phòng chống dịch bệnh. Hiện, tỷ lệ tiêm vaccine phòng cho gia súc, gia cầm ở các địa phương chưa cao. Chỉ có vaccine mới đáp ứng được việc phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đồng thời cần đảm bảo quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, sức khỏe đàn vật nuôi. Với những cơ sở an toàn dịch bệnh đã xây dựng được phải duy trì và củng cố phát triển, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm để vừa đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

 

cục trưởng cục chế biến nguyễn quốc toản>> Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Các hệ thống bán lẻ cần xây dựng chương trình bình ổn giá với thịt gia súc, gia cầm và trứng nhằm một mặt tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho sản xuất trong nước sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, mặt khác chuẩn bị trữ hàng phục vụ nhu cầu tăng các tháng cuối năm. Các hộ chăn nuôi tăng cường xây dựng liên kết ngang (thông qua các hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội…) để tiếp cận vào chuỗi của các doanh nghiệp, chủ động tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung cầu.

Phương Khang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *