Bình Dương: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Để chủ động ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh động vật, không để lây lan ra diện rộng, thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bình Dương tập trung các nguồn lực để triển khai thực hiện, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn, chất lượng cho thị trường.

Triển khai nhiều giải pháp

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT), trong 9 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay, cùng với việc chưa tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ cho gia súc, gia cầm nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất cao. Chính vì vậy, trong thời gian tới ngành thú y phải tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Bên cạnh đó, tình trạng giá bán thịt động vật trên thị trường thời gian qua biến động bất thường và luôn thấp hơn giá thành sản xuất (trừ các loại trứng gia cầm), nhiều người chăn nuôi cắt giảm số lượng, cắt giảm tái đàn đối với gia cầm. Đối với giá heo hơi chỉ tăng nhẹ trong tháng 5, người chăn nuôi bắt đầu có lãi. Tình hình giá cả động vật, sản phẩm động vật thời gian tới có chiều hướng biến động do tình hình tiêu thụ và cung ứng trên thị trường không ổn định.

chăn nuôi bình dương

 Ngành thú y tỉnh tiến hành tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Để hạn chế thấp nhất dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã phối hợp với các địa phương thực hiện tiêm phòng, vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường, phòng chống dịch bệnh. Trong 9 tháng qua, ngành thú y thực hiện tiêm vắc xin lở mồm long móng trên đàn trâu, bò được 12.343 liều; tiêm vắc xin lở mồm long móng trên heo được 1.106.006 liều; tiêm vắc xin dịch tả cổ điển trên heo đạt 4.470 liều; tiêm vắc xin phòng viêm da nổi cục miễn phí tại các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ đạt 4.800 liều; tiêm vắc xin cúm gia cầm miễn phí tại các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ được 1.196.406 liều.

Bên cạnh đó, chi cục tiếp tục thực hiện các biện pháp duy trì vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm, Niu-cat-xơn, lở mồm long móng gia súc và dịch tả heo cổ điển; đồng thời lập kế hoạch giám sát các vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh, tăng cường công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản.

Nâng cao hiệu quả

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, dự báo từ nay đến cuối năm người dân sẽ tập trung tái đàn để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân trong tỉnh tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ tái phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi rất cao do thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi để các loại mầm bệnh phát sinh, phát triển. Bình Dương là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm tương đối lớn nhưng tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn cao.

Ông Trần Phú Cường cho rằng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế phát sinh, thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tham mưu Sở NN&PTNT tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; trong đó, tập trung chỉ đạo, theo dõi sát diễn biến tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm… Cùng với đó, chi cục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng vắc xin đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn; đồng thời tiếp tục triển khai, hướng dẫn xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.

Ngành NN&PTNT Bình Dương cũng hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao. Mặt khác, ngành NN&PTNT phối hợp các đơn vị, ban ngành có liên quan về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch liên ngành, trạm kiểm dịch theo quy định.

Trong 9 tháng năm 2023, ngành thú y tỉnh đã thực hiện kiểm tra, phúc kiểm được 22.631 lượt phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào tỉnh (tăng 33,1% so với cùng kỳ, tăng 5.631 lượt) với 98.805 con heo, 7.312.049 con gia cầm, 7.265,3 tấn sản phẩm động vật và 2.158,6 tấn sản phẩm chế biến. Công tác phúc kiểm được thực hiện chặt chẽ góp phần phòng, chống dịch bệnh hiệu quả và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

 THOẠI PHƯƠNG – THẢO TRÚC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *