Công ty TNHH dịch vụ An Hạ: Mang đến sản phẩm heo sạch

(Người Chăn Nuôi) – Vấn đề chất cấm trong chăn nuôi đang được dư luận hết sức quan tâm trong thời gian qua, việc người tiêu dùng mong muốn có được sản phẩm sạch, an toàn được đặt lên hàng đầu. Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ đã luôn tiên phong sản xuất và phân phối sản phẩm thịt heo sạch cho người dân. Cùng Người Chăn nuôi chia sẻ đôi điều với bà Nguyễn Thị Hồng Thắm (ảnh), Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ để hiểu thêm về điều này.

Bà có thể giới thiệu đôi nét về Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ?

An Hạ là một trong những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng nhiều sản phẩm nông sản sạch; có trụ sở chính tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Thời gian qua, Công ty còn thực hiện liên kết và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với 646 hộ chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP ở Củ Chi và Hóc Môn. Việc sản xuất ra thịt heo đạt chứng nhận VietGAP được An Hạ thực hiện thành chuỗi liên kết khép kín từ thu mua, giết mổ, phân phối đến tận tay người tiêu dùng để đảm bảo đúng chất lượng sản phẩm.

Theo bà, chuỗi liên kết này được thực hiện như thế nào và hiệu quả ra sao?

Từ ngày 9/10/2015, Công ty An Hạ đã đưa ra thị trường 2 sạp chuyên bán thịt heo VietGAP tại chợ Hòa Bình (quận 5). Cùng với sự giúp sức của Sở NN&PTNT và báo chí, người dân thành phố mới biết chuyện… có thịt heo sạch VietGAP bắt đầu bán tại chợ Hòa Bình. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm xuất hiện, heo được nuôi và chứng nhận VietGAP (nuôi theo thực hành nông nghiệp tốt nghĩa là không sử dụng chất cấm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc từ trại nuôi đến người tiêu dùng) mới có kênh tiêu thụ riêng tại chợ Hòa Bình. Liên tiếp trong những ngày đầu ra mắt thịt VietGAP, số lượng người mua tăng cao, thậm chí có ngày, không ít người dân từ các huyện xa của thành phố phải tới chợ thật sớm mới có thể mua được thịt. Giá bán lẻ thịt heo VietGAP bằng với giá thịt heo thông thường. Thịt heo tươi hồng tự nhiên, phần nạc không sát da. Sau mua, thịt heo được đựng trong các túi nilon có in chữ VietGAP để người tiêu dùng có thể nhận biết, so sánh.

Điểm bán thịt heo VietGAP của Công ty An Hạ tại chợ Hòa Bình, Q5, TP HCM – Ảnh: CTV

Đến nay sản phẩm heo sạch đã được mở rộng hơn phải không, thưa bà?

Sau hơn một tháng triển khai bán thí điểm thịt heo VietGAP tại chợ Hòa Bình, Công ty vừa tăng thêm ba điểm bán lẻ khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo đó, thịt heo VietGAP đã có mặt tại chợ Bà Điểm (huyện Hóc Môn), chợ Tân Định (quận 1), và cửa hàng của Sở NN&PTNT (Hai Bà Trưng, quận 1); lượng thịt được tiêu thụ tại 4 điểm bán lẻ đạt khoảng 1 tấn/ngày. Bên cạnh đó, Công ty còn cung cấp thịt sỉ 17 – 19 tấn/ngày cho các nhà hàng, khách sạn, trường học. Mặc dù khắt khe đầu ra và quy chuẩn trong chăn nuôi nhưng hiện giá bán thịt heo VietGAP vẫn chỉ bằng với heo thường tại chợ. Cụ thể, thịt vai, thịt nách 70.000 đồng/kg; thịt ba rọi 85.000 đồng/kg; sườn non 125.000 đồng/kg… Sau này Công ty sẽ tăng giá bán, còn thời đểm hiện tại, chúng tôi muốn người tiêu dùng quen hơn với thịt sạch nên vẫn giữ giá thấp như vậy. Các hộ chăn nuôi cũng đã hiểu được điều này nên đã chấp nhận bán heo VietGAP ngang bằng với giá heo thường cho Công ty. Trong thời gian tới, nếu việc hợp tác giữa Công ty An Hạ và các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh thành công, sản phẩm thịt heo VietGAP sẽ được đóng gói sẵn và đưa vào các siêu thị.

Trong quá trình cung ứng sản phẩm heo sạch ra thị trường có gặp khó khăn nào không, thưa bà?

Việc tiểu thương không bán thịt heo VietGAP của Công ty nhưng vẫn mạo nhận để bán cho khách hàng đang khiến chúng tôi đau đầu. Công ty An Hạ chỉ chọn 2 quầy sạp số 123D – 124D để phân phối thịt tại chợ Hòa Bình với số lượng 300 – 400 kg, trong thời gian từ 6 giờ đến 10 giờ sáng mỗi ngày. Sau 10 giờ, nếu thịt còn dư không bán hết, Công ty sẽ thu hồi về xử lý theo quy định. Tuy nhiên, do các quầy sạp trong chợ lại tương tự nhau về hình thức, kiểu dáng – vì đều do Dự án LIFSAP đầu tư hỗ trợ, một số tiểu thương lợi dụng sự “mập mờ” này khi bán nên không ít người tiêu dùng mua nhầm. Vấn đề này chính quyền, ban quản lý chợ nên vào cuộc, giải quyết thỏa đáng, cũng như thông tin rộng rãi cho người tiêu dùng biết các điểm bán thịt heo an toàn.

Cùng đó, sau giết mổ, cả tảng heo VietGAP của An Hạ sẽ được đóng dấu kiểm dịch có chữ VietGAP, nếu cần thiết, Công ty dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Nhưng khi pha lóc, các dấu hiệu nhận biết sẽ không còn như ban đầu, khả năng bị trà trộn các loại thịt heo khác khá lớn.

Vậy, giải pháp nào cho vấn đề này, thưa bà?

Để giải quyết bài toán trà trộn thịt heo, Công ty An Hạ hướng đến việc cử nhân viên trực tiếp bán; hướng tới việc đóng gói sẵn sản phẩm để phân phối cho người mua, mở dịch vụ giao hàng tận nơi theo số điện thoại 0933.781.616. Về khả năng cung ứng, Công ty hoàn toàn đủ khả năng cung cấp thịt heo VietGAP (khoảng vài trăm con/ngày). Vừa qua, một số hộ chăn nuôi heo VietGAP tại 12 tỉnh, thành phố có tìm đến Công ty đề nghị cung cấp heo hơi; vì người dân thấy được lợi ích mỗi tạ heo hơi VietGAP bán ra giá cao hơn heo nuôi bình thường 100.000 – 200.000 đồng/kg. Điều này chứng tỏ nguồn cung heo VietGAP ra thị trường khá dồi dào, không lo thiếu hụt.

Hương Chi (thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *