2024: Chăn nuôi xanh, giảm phát thải

(Người Chăn Nuôi) – Đây là một trong những mục tiêu mà ngành chăn nuôi Việt Nam đặt ra trong năm 2024 và chặng đường sắp tới, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh chia sẻ.

Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng

Ông đánh giá thế nào về kết quả của ngành chăn nuôi năm 2023? 

Ngành chăn nuôi năm 2023 tiếp tục vượt khó, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Số lượng, quy mô và giá trị các ngành hàng chăn nuôi đều gia tăng trong bối cảnh vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là giá sản phẩm chăn nuôi thấp do sức mua giảm.

Cụ thể, chăn nuôi trâu, bò khá ổn định về tổng đàn, không có biến động lớn; chăn nuôi heo có kết quả tích cực dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá heo hơi thấp, chi phí đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học và phòng dịch cao, giá thức ăn chăn nuôi theo xu hướng giảm (từ thời điểm tháng 6 đến nay đã có khoảng 6 đợt giảm giá) nhưng chưa đáng kể, vẫn ở mức cao; chăn nuôi gia cầm tiếp tục tăng do khu vực hộ và doanh nghiệp đều phát triển ổn định.

Tổng đàn heo năm 2023 ước đạt 26,3 triệu con (không kể 4 triệu heo con chưa cai sữa), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022; đàn trâu 2,2 triệu con, giảm 1%; đàn bò 6,4 triệu con, tăng 1%; đàn gia cầm 558,6 triệu con, tăng 2,6%. 

Ước tính cả năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 7,79 triệu tấn, tăng 6,4%. Sản lượng trứng ước đạt 19,2 tỷ quả, tăng 5,2%. Sản lượng sữa tươi nguyên liệu ước đạt trên 1,17 triệu tấn, tăng 3,6% so với năm 2022. Sản lượng thức ăn công nghiệp quy đổi ước đạt 20 triệu tấn, giảm 2,4% so với năm 2022.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Năm 2023, ngành chăn nuôi khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Ảnh: Hồng Thắm

Những “điểm sáng” đã được nhìn thấy rất rõ, vậy còn những tồn tại, hạn chế thì sao, thưa ông? 

Bên cạnh những kết quả tích cực, ngành chăn nuôi vẫn còn một số hạn chế như: Việc áp dụng Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng như các văn bản có liên quan vẫn còn chậm hơn so với mong đợi. Cần tăng cường phối hợp với địa phương chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về chăn nuôi, Chiến lược phát triển chăn nuôi và 5 đề án đi kèm… sớm đi vào thực tiễn quản lý, chỉ đạo sản xuất có hiệu quả đạt được yêu cầu, mục đích.

Nhìn chung, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi, nhất là thức ăn sản xuất trong nước, thức ăn nhập khẩu nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức ở các cấp địa phương và Trung ương.

Vấn đề kê khai hoạt động chăn nuôi đối với chính quyền cấp xã, xử lý chất thải chăn nuôi chưa được quan tâm thực hiện ở nhiều địa phương theo quy định pháp luật về chăn nuôi.

Cơ chế thị trường và những áp lực của sản xuất chăn nuôi trong nước những năm vừa qua sau COVID-19 tiếp tục hiện hữu trong năm 2023 có ảnh hưởng nhất định đến việc chỉ đạo điều hành sản xuất; giá nguyên liệu vật tư đầu vào phục vụ sản xuất vẫn đang ở mức cao, tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi qua biên giới cũng như nhập khẩu chính ngạch sản phẩm chăn nuôi ảnh hưởng đến hoạt động điều tiết, quản trị sản xuất kinh doanh và tác động đến thu nhập của người chăn nuôi, lợi nhuận của doanh nghiệp và công tác quản lý Nhà nước…

Cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng

Ông có nhận định gì về những thuận lợi và khó khăn của ngành trong năm 2024?

Ngành chăn nuôi tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung ương, địa phương và thường xuyên có sự phối hợp, thống nhất cao trong chỉ đạo; việc kiểm soát dịch bệnh, chỉ đạo ổn định thị trường, kiểm tra an toàn thực phẩm và thực phẩm nhập khẩu cũng như tình trạng nhập lậu qua biên giới được tăng cường triển khai. 

Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao; thông tin, tuyên truyền chưa thực sự sát với thực tế. 

Ngoài ra, vấn đề toàn cầu hóa về thị trường, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 16 hiệp định thương mại tự do thương mại, trong đó có 2 hiệp định thế hệ mới đã ký và 2 hiệp định còn đang trong giai đoạn đàm phán. Hơn nữa, khu vực CPTTP và EVFTA đều là những nước có không gian chăn nuôi lớn, sẽ gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu như: thịt bò, thịt gà, thịt heo xuất vào thị trường Việt Nam.

Trước thách thức như vậy, chúng ta sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như thế nào, thưa ông?

Còn nhiều việc cần tiếp tục phải làm, ưu tiên cho những nhiệm vụ chính sau: 

Tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý ngành chăn nuôi, tạo môi trường pháp lý cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Xây dựng kế hoạch và phối hợp với địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người chăn nuôi triển khai đồng bộ các nội dung, giải pháp và dự án ưu tiên trong 5 đề án thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương chỉ đạo đồng bộ các giải pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi heo, gia cầm, bò thịt. 

Hướng dẫn xử lý hiệu quả hơn đối với chất thải chăn nuôi theo hướng chăn nuôi tuần hoàn thông qua nuôi trùn quế, ruồi lính đen ở quy mô nông hộ để làm nguyên liệu protein cho chăn nuôi, thủy sản và làm phân bón hữu cơ, thông qua đó kéo dài thêm chuỗi giá trị gia tăng ở hệ thống chăn nuôi nông hộ.

Còn với mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm phát thải, ngành chăn nuôi có định hướng ra sao, thưa ông?

Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ngành chăn nuôi cũng đặt ra nhiều thách thức về vấn đề bảo vệ môi trường và phát thải khí nhà kính. 

Ước tính trung bình mỗi năm, các loại vật nuôi chính (trâu, bò, heo, gia cầm) phát thải 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu m³ nước thải. Nếu không được kiểm soát tốt, đây sẽ là nguồn phát thải hơn 11 triệu tấn CO2 tương đương hàng năm.

Sau cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), tất cả các bộ, ngành, trong đó Bộ NN&PTNT đã có lộ trình triển khai chương trình, kế hoạch cụ thể về giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp hướng tới mục tiêu quốc gia phát thải về “0” vào năm 2050.

Đối với ngành chăn nuôi, Việt Nam đã có văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đầy đủ, bao gồm Luật Chăn nuôi và các nghị định, các thông tư hướng dẫn. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký phê duyệt Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đi kèm với 5 đề án cốt lõi để thực hiện.

Trong Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi là một trong 5 đề án ưu tiên. Theo đó, các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện và mở ra hướng mới cho chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn bảo đảm hiệu quả, trong đó có việc vận hành tái sử dụng chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần hình thành nền nông nghiệp phát thải thấp nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Mục tiêu của ngành chăn nuôi Việt Nam năm 2024

+ Giá trị sản xuất: Tăng 4 – 5% so với năm 2023.

+ Tổng sản lượng thịt hơi các loại: Trên 8 triệu tấn, tăng 3,5%.

+ Sản lượng trứng các loại: Gần 19,7 tỷ quả, tăng 2,4%.

+ Sản lượng sữa: Trên 1,2 triệu tấn, tăng 4,3%.

+ Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi: Trên 20,5 triệu tấn, tăng 2,5%.

Hồng Thắm

(Thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *