Một số nông dân ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã không đi theo ngành nghề truyền thống của địa phương như đánh bắt hải sản mà chuyển sang nuôi hươu sao lấy nhung cho thu nhập cao.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn ở thôn Sơn Long, xã Quỳnh Lập, nhìn đàn hươu sao đang sinh trưởng tốt, thấy rõ niềm vui trên khuôn mặt của ông. Gia đình ông bắt đầu nuôi hươu lại từ năm 2010. Ông đã cải tạo đất vườn để trồng cỏ voi, xây dựng chuồng trại kiên cố, ngăn thành các ô có kích thước 4 m2 để nuôi riêng biệt từng con. Ông cho biết, hươu là động vật hoang dã nhưng dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh. Chuồng trại thường xuyên được vệ sinh, giữ ấm vào mùa Đông và cung cấp đủ thức ăn. Thức ăn của hươu sao chủ yếu là lá sung, xoan, cỏ voi và các phụ phẩm nông nghiệp. Mỗi ngày ông cho hươu ăn 2 lần sáng và chiều.
Nghề nuôi hươu sao đem lại thu nhập 130 triệu đồng/năm cho gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn ở thôn Sơn Long, xã Quỳnh Lập. Ảnh Thanh Thủy
Giai đoạn hươu lên nhung hoặc sinh sản, chủ nuôi cần bồi bổ thêm thức ăn có hàm lượng tinh bột cao như ngô, đậu tương, nguồn cỏ voi gia đình tự trồng quanh vườn nhà. So với các loài vật khác, hươu sao cho thu nhập cao hơn. Hiện tại, đàn hươu của gia đình ông có 4 con đực lấy nhung và 7 con hươu cái sinh sản. Ngoài việc bán nhung hươu tươi, ông Hoàn còn phối giống, cho hươu sinh sản để bán con giống. Sau 3 – 4 tháng, hươu có thể xuất bán với giá từ 25 – 30 triệu đồng/con. Mỗi năm, đàn hươu cho thu nhập bình quân 130 triệu đồng/năm. Đối với gia đình ở nông thôn thì đây là mức thu nhập khá giúp 2 vợ chồng ông có cuộc sống ổn định.
Nghề nuôi hươu giúp gia đình chị Lê Thị Bưởi ở thôn Tân Thành, xã Quỳnh Lập nuôi các con ăn học. Ảnh: Thanh Thuỷ
Đối với gia đình chị Lê Thị Bưởi ở thôn Tân Thành, xã Quỳnh Lập, nghề nuôi hươu sao lấy nhung đã giúp gia đình chị nuôi 4 người con học hành đến nơi, đến chốn. Những năm gần đây, nhờ kết nối đầu ra hiệu quả nên nghề nuôi hươu đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc, chị cho biết, hươu thường gặp một số bệnh như tụ huyết trùng, đường ruột…, người nuôi phải dựa vào kinh nghiệm, các đặc điểm của bệnh để lấy thuốc điều trị phù hợp. Với đàn hươu 13 con, trong đó, có 5 con cái sinh sản và 8 con đực lấy nhung, chị có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.
Hiện nay, ở xã Quỳnh Lập đã thành lập được Tổ hội chăn nuôi hươu sinh sản tại 2 xóm Sơn Long và Tân Thành, với 15 thành viên, tổng đàn hươu trên 200 con. Theo chia sẻ của những người nuôi hươu thì hươu đực nuôi sang năm thứ 2 sẽ bắt đầu có nhung, hươu cái 2 tuổi bắt đầu sinh sản. Trung bình mỗi đợt, 1 con hươu cho khoảng 0,6 – 0,8 kg nhung, bình quân mỗi năm có thể cắt nhung 2 lần. Giá nhung hươu hiện tại dao động từ 10 – 12 triệu đồng/kg, giá hươu giống 25 – 30 triệu đồng/con. Riêng nguồn hươu giống chất lượng được bán đi nhiều nơi trong và ngoài thị xã.
Hươu đực trưởng thành có thể đem lại nguồn thu 10 – 15 triệu đồng/con/năm. Ảnh: Thanh Thuỷ
Ông Trương Công Vũ – Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Lập cho biết: Mô hình nuôi hươu sao lấy nhung hiện là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần đa dạng các ngành nghề cho địa phương. Để kịp thời hỗ trợ mô hình này, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Nghệ An đã giải ngân nguồn vốn cho 10 hộ nuôi hươu vay vốn với tổng số tiền 500 triệu đồng.
Thanh Thủy
Nguồn: Báo Nghệ An