Tiêu thụ thịt gia cầm: Tiếp tục “thăng hạng”

(Người Chăn Nuôi) – Nhiều dự báo cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm ở trong nước và trên thị trường thế giới sẽ tăng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người chăn nuôi vẫn cần thận trọng đầu tư vì đối mặt nhiều rủi ro khi chi phí đầu vào tăng, nhất là giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đang tăng “chóng mặt”.

Vị thế quan trọng

Gia cầm là một trong những ngành công nghiệp vững chắc và quan trọng nhất trên thế giới thông qua sản xuất gà thịt và gà đẻ. Thị trường gia cầm được định vị là một trong những ngành quan trọng nhất trên toàn cầu do sự tham gia vào an ninh lương thực của thế giới và vai trò hàng đầu của ngành trên các thị trường quốc tế.

Thị trường gia cầm thế giới đang tìm cách kích hoạt trở lại sau đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tất cả quốc gia trong năm 2020 và 2021. Hiện nay, việc mở cửa thị trường trở lại đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc tăng cường các mối liên kết thông qua các hoạt động, sự kiện… trong lĩnh vực gia cầm.

tiêu thụ gà thịt

Ảnh: Shutterstock

Ngành gia cầm thế giới đang phát triển nhanh chóng hàng năm nhờ vào ứng dụng công nghệ, cải tiến phúc lợi động vật và tối ưu hóa cơ sở hạ tầng trang trại. Kết quả là, sản lượng gia cầm đã tăng từ 94 triệu tấn năm 2009 lên 131 triệu tấn vào năm 2019. Sự tăng trưởng này có nghĩa là sản lượng tăng 39% trong 1 thập kỷ. Trong số lượng sản xuất này, ước tính có 15,2%, tương đương 20 triệu tấn được xuất khẩu sang các thị trường khác nhau. Sản lượng thịt gia cầm năm 2021 đã đạt 135,2 triệu tấn và chiếm trên 40% tổng sản lượng thịt các loại. Trong số sản lượng của năm 2019, châu Á tham gia với 37,8%, là châu lục có vai trò lớn nhất trong ngành gia cầm toàn cầu. Ở vị trí thứ 2 là Mỹ Latinh với 20,7%, tiếp theo là Bắc Mỹ với 18,5% và ở vị trí thứ 4 là châu Âu với 16,8%.

Ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam hơn 10 năm qua cũng đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Tổng đàn gia cầm từ 100 triệu con đến nay đã đạt khoảng 523 triệu con, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 31 trên thế giới; Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt hơn 1,9 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm ước đạt 17,5 tỷ quả (năm 2021). Trong 6 tháng đầu năm 2022, đàn gia cầm tiếp tục tăng do khu vực hộ và doanh nghiệp đều phát triển ổn định. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6/2022 tăng 1,2% so cùng thời điểm năm 2021; Sản lượng thịt gia cầm ước đạt 980,7 nghìn tấn, tăng 5,2%; Sản lượng trứng gia cầm ước đạt 8,8 tỷ quả, tăng 4,8%.

 

Thịt gia cầm “lên ngôi”

Theo statista.com, tiêu thụ thịt gia cầm bình quân đầu người của Việt Nam năm 2016 là 16,5 kg/người/năm, dự kiến sẽ tăng lên 17,22 kg/người/năm trong năm 2022 và lên mức 20,3 kg/người/năm đến năm 2029.

Theo ghi nhận của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ năm 2000 đến nay, mức tiêu thụ thịt gà trên bình quân đầu người hàng năm đều tăng và tăng cao hơn so mức tăng tiêu thụ các loại thịt khác. Trong năm 2021 – 2030, FAO dự đoán sản lượng thịt gia cầm tiếp tục tăng trưởng cao và tăng nhanh hơn so với sự tăng trưởng của các loại thịt khác. Ðến năm 2030, thịt gia cầm sẽ chiếm tỷ trọng trên 41% tổng các loại thịt sản xuất và trên 52% tổng thịt thương mại.

Còn tại Việt Nam, ngày 10/6/2022, Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos công bố kết quả nghiên cứu về thị trường heo Việt Nam năm 2022 cho thấy, mức tiêu thụ thịt heo của người Việt Nam ít hơn so với 5 – 6 năm trước. Năm 2018, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ trung bình 31,4 kg thịt heo, đến năm 2022 mức tiêu thụ giảm còn 23,5 kg. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, lượng tiêu thụ thịt gia cầm trên đầu người tăng trưởng nổi bật nhất, tăng 8,5%/năm. Năm 2020, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ bình quân gần 17 kg thịt gia cầm, dự báo năm 2022, mỗi người dân tiêu thụ khoảng 20 kg.

tiêu thụ gà thịt

Quầy hàng thịt gà trong siêu thị. Ảnh: Shutterstock

 

Còn đó những khó khăn

Năm 2020 và 2021, thị trường toàn cầu gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gia cầm đã vượt qua được những thách thức này với những kỳ vọng đáng kể và tiếp tục là một trong những ngành mạnh nhất trên toàn thế giới.

Dự báo trong năm 2022 đưa ra những con số thuận lợi cho chăn nuôi gia cầm trong 3 lĩnh vực cơ bản: Tăng xuất khẩu, nhập khẩu và tiêu thụ bình quân đầu người. Sự gia tăng tiêu thụ các sản phẩm gia cầm thúc đẩy mức tiêu thụ theo đầu người cao hơn trên toàn cầu.

số liệu tiêu thụ gà thịt

Số liệu: Statista/ Ðồ họa: Nguyễn Hùng

Trong thập kỷ qua, ngành chăn nuôi gia cầm đã tăng trưởng theo cấp số nhân, điều này đã đưa nó trở thành một trong những ngành công nghiệp thực phẩm phát triển và tiên tiến nhất trên thế giới. Thị trường gia cầm có được sức mạnh và sự ổn định nhờ vào quá trình kỹ thuật hóa không ngừng của các trang trại chăn nuôi gia cầm, nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm gia cầm, sự cập nhật liên tục của các công nghệ mới và việc tối ưu hóa cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng trong các chuồng nuôi gia cầm. Ngoài ra, những cải tiến về dinh dưỡng, di truyền, quản lý và phòng chống dịch bệnh đã góp phần đáng kể vào việc sản xuất gà thịt và gà đẻ hiệu quả.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gia cầm trên thế giới và cả ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức trong thời gian này và những năm tới như: Giá nguyên vật liệu; Các vấn đề hậu cần và vận tải biển; Sự biến động của giá kim loại và hydrocacbon; Các vấn đề đang diễn ra liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất của trang trại gia cầm…

 

Hướng đi nào để bền vững?

Giá gà công nghiệp bán ra tại chuồng hiện ở mức 37.000 – 40.000 đồng/kg, được xem là mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Giá tăng do cung thấp hơn cầu vì nguồn cung trong nước và nhập khẩu đều giảm.

tiêu thụ gà thịt

Ngành chăn nuôi gia cầm hiện vẫn đang gặp khó do giá thức ăn tăng. Ảnh: Shutterstock

Theo Bộ NN&PTNT, tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 6/2022 đạt 301,6 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1,6 tỷ USD, giảm 13,2% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 641,3 triệu USD, giảm 14,7%. Nhập khẩu sản phẩm từ thịt giảm sút có nguyên nhân là do nguồn cung không còn dồi dào như trước.

Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Ðông Nam bộ cho hay, sau dịch COVID-19 người nông dân giảm tái đàn nhiều do cạn kiệt tiền, không còn tài chính cũng như giá đầu vào của con giống, thức ăn, thuốc thú y, các loại vật tư nông nghiệp, chẳng hạn như trấu… tăng cao. Mặc dù giá tăng cao nhưng không có nguyên liệu để mua. Ðơn cử như trấu chỉ là chất độn nhưng giá từ 1.300 đồng tăng lên 2.000 – 2.200 đồng/kg. Ðã thế cũng không dễ để mua do xăng dầu tăng nhiều người tìm trấu để thay thế. Con giống không thể nhập về hoặc nhập rất khó khăn. Bên cạnh dịch COVID-19, cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine khiến các chuỗi cung ứng đứt gãy. Gà nhập khẩu trước đây có mặt ở thị trường trong nước nhưng hiện nay gần như khan hiếm.

Chủ một trang trại chăn nuôi gà chia sẻ, suốt 3 năm qua, các trại nuôi gà công nghiệp phải “gồng mình” gánh lỗ do giá gà thường ổn định với mức giá thấp, nhất là giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, giá gà giảm sâu chưa từng có. Nhiều trang trại đã phải “treo chuồng”, ngừng chăn nuôi. Ðến nay, giá gà thịt tăng cao nhưng khôi phục lại đàn nuôi không dễ vì chi phí đầu vào hiện tăng quá cao, từ giá con giống đến mọi chi phí khác, đặc biệt là giá TĂCN.

Ðồng quan điểm, ông Quyết cho rằng, nhiều trại nuôi đã “treo chuồng” vì thua lỗ do giá gà giảm sâu suốt thời gian xảy ra dịch COVID-19. Người nuôi chưa kịp vực dậy sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì rơi vào cảnh chi phí chăn nuôi tăng cao, nhất là TĂCN tăng giá sốc. Những trại chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc đầu tư theo hướng tự phát rất khó tồn tại trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên khó khăn chính là sự sàng lọc để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn vì chỉ những trang trại đầu tư bài bản, tham gia chuỗi liên kết phát triển bền vững mới có nền tảng phát triển sản xuất trong giai đoạn cả thị trường đầu vào và đầu ra liên tục biến động mạnh thời gian gần đây.

Một chủ trang trại nuôi gà công nghiệp ở Ðồng Nai cũng cho hay, nhờ tham gia chuỗi liên kết nên thời điểm xảy ra dịch COVID-1 dù giá gà giảm sâu nhưng doanh nghiệp trong chuỗi liên kết vẫn bao tiêu sản phẩm gà của trang trại với giá đã ký hợp đồng trước đó. Như vậy mới thấy rằng, trước nhiều biến động lớn về đầu vào và đầu ra như hiện nay thì việc tham gia chuỗi giá trị vẫn giúp đảm bảo được lợi ích.

ông Nguyễn Thanh SơnTS. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam chia sẻ: “Nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm của Việt Nam ngày càng tăng hoàn toàn phù hợp với xu thế tiêu thụ thịt của thế giới. Theo đó, mức tăng trưởng tiêu thụ thịt gia cầm ở Việt Nam sẽ cao hơn so với thịt heo trong thời gian tới”.

Phương Ngọc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *