Sử dụng thức ăn cho gia súc mùa đông

(Người Chăn Nuôi) – Vào mùa lạnh, tỷ lệ gia súc bị chết thường tăng cao do đói và rét, đặc biệt ở vùng núi phía Bắc. Việc tìm hiểu và sử dụng thức ăn hợp lý là hết sức quan trọng, để tránh thiệt hại về kinh tế.

Chế độ dinh dưỡng

Trong mùa đông, gia súc thường bị stress lạnh và giải phóng một lượng nhiệt lớn để chống rét. Vì vậy, cung cấp thức ăn giàu năng lượng như bột ngô, cám gạo, bột sắn… và thức ăn nhiều xơ được ưu tiên. Ước tính nhu cầu năng lượng trao đổi để duy trì sự sống (lượng tối thiểu) cho một trâu, bò có khối lượng 250 – 300 kg khoảng 7.500 – 8.500 Kcal, tương đương 15 – 17 kg cỏ tươi.

Ngoài thức ăn, gia súc cần được bổ sung các khoáng chất và vitamin, đặc biệt Vitamin C để tăng sức đề kháng. Người nuôi có thể sử dụng đá liếm hay bánh dinh dưỡng hoặc có thể pha trong nước.

Nước là nhu cầu không thể thiếu với trâu, bò trong mùa đông. Vì vậy, người nuôi cần cho trâu, bò uống ấm và pha muối loãng (< 30 g muối/con/ngày).

Cung cấp đầy đủ thức ăn xanh cho gia súc – Ảnh: ST

 

Biện pháp cho ăn

Vào những ngày ấm, trâu bò có thể chăn thả và bổ sung thêm thức ăn tại chuồng vào ban đêm. Lượng cho ăn 5 – 10  kg thức ăn/con/ngày, trong đó: 3 – 5 kg cỏ tươi xanh hoặc cỏ ủ chua, 1 – 2 kg rơm, 0,5 – 1 kg thức ăn tinh.

Vào ngày trời rét, trâu, bò nhốt tại chuồng và không thả ra ngoài đồng, bãi chăn thả hay trên rừng qua đêm. Trâu, bò phải được cung cấp lượng thức ăn lớn hơn, 20 – 30 kg thức ăn/con/ngày, trong đó: 15 – 20 kg cỏ tươi xanh hoặc cỏ ủ chua, 3 – 4 kg rơm hoặc rơm ủ urê, 1 – 1,5 kg thức ăn tinh.

Vào những ngày rét đậm, rét hại, trâu, bò cần được tăng thêm lượng thức tinh 2 kg để bổ sung năng lượng.

Cho trâu, bò ăn thức ăn thô trước, sau đó cho ăn thức ăn tinh, uống nước. Thức ăn cần được chia làm 2 – 3 bữa/ngày, không cho ăn một lần, đặc biệt là thức ăn tinh.

 

Cách lựa chọn thức ăn

Giải quyết nguồn thức ăn xanh: Cây ngô sinh khối là lựa chọn thích hợp nhằm cung cấp thức ăn xanh trong vụ đông. Ngô sinh khối có thể gieo trồng vào tháng 9 – 11. Ở thời điểm này, mặc dù năng suất có thể thấp hơn chính vụ nhưng giúp chúng ta chủ động giải quyết nguồn thức ăn xanh cho gia súc trong khi cỏ voi, VA06, cỏ sả… phát triển kém. Ngô sinh khối được gieo với mật độ lớn hơn 2 – 3 lần so với ngô lấy hạt và thu cắt sau 2 – 3 tháng khi cây đã có quả non hoặc thu cắt sớm hơn. Trâu, bò có thể cho ăn 10 – 15 kg/con/ngày để duy trì trong mùa đông.

Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp: Rơm, thân lá ngô, thân lá sắn, thân lá lạc…

Bổ sung năng lượng, khoáng và vitamin:  Bánh đa dinh dưỡng nhằm cung cấp các chất dinh dưỡng gồm năng lượng, protein và khoáng chất. Công thức thông thường để sản xuất 10 kg như sau: Rỉ mật đường (4,5 – 5 kg), bột sắn hay cám gạo (0,5 kg), urê (1 kg), bột đất sét khô (0,4 kg), xi măng (0,2 kg), muối ăn (50 g) và chất độn nhiều xơ như vỏ lạc và dây lá lạc nghiền nhỏ (2 – 3 kg). Hòa urê vào nước (0,2 lít) rồi trộn đều với muối ăn, urê và rỉ mật đường; sau đó trộn với các nguyên liệu khác. Hỗn hợp được cho vào khuôn hình trụ hoặc khối vuông có dung tích đủ chứa 2 – 2,5 kg, nén chặt và để khô. Bánh đa dinh dưỡng được bảo quản lâu (4 – 5 tháng). Khối lượng cho trâu, bò ăn khoảng 0,5 – 1 kg/con/ngày cùng với thức ăn khác.Đá liếm hay bánh liếm nhằm bổ sung các khoáng chất và vitamin cho con vật trong mùa đông. Đây là thức ăn bổ sung không thay thế thức ăn hàng ngày được. Để sản xuất 10 kg đá cần canxi cacbonat (3 kg), muối ăn (2,5 kg), dicanxi-phốt phát (0,5 kg), magie sulphat (0,5 kg), xi măng trắng (0,5 kg), đất sét khô (0,5 kg) và nước vừa đủ. Hoà thật đều xi măng trắng, đất sét và muối ăn vào nước; sau đó, trộn đều với các phần còn lại. Hỗn hợp sẽ được đóng bánh (tròn, vuông…) với khối lượng 2 – 3 kg/bánh và phơi khô đến khi cứng mới đem sử dụng.

 

Bảo quản, dự trữ thức ăn

Dự trữ thức ăn dạng khô: Giải pháp này nhằm tận dụng tốt hơn nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm lúa, thân lá ngô, thân lá lạc, ngọn lá sắn… Rơm vụ mùa sau khi thu hoạch đem phơi khô. Thân lá ngô, thân lá lạc, ngọn lá sắn cũng được phơi khô và cắt ngắn. Rơm và các phụ phẩm được đem trộn với nhau, chất đống hay buộc gọn gàng và cất trữ ở nơi khô ráo, tránh ẩm mốc và nước ngấm vào. Hỗn hợp này có thể cho trâu, bò ăn 3 – 5 kg + 1 – 2 kg cám/con/ngày để duy trì trong mùa đông.

Ủ chua thức ăn: Ủ chua (ủ silô hay ủ xanh) là một quá trình làm giảm độ pH đến giá trị mà tại đó thức ăn có thể không bị hư hỏng. Do pH thấp nên khối ủ có mùi vị chua nên người ta gọi là ủ chua. Ủ chua là phương pháp đơn giản để bảo quản và thay đổi giá trị của thức ăn. Các thức ăn dễ ủ chua gồm cỏ họ Hòa thảo như cỏ voi, VA06, cỏ sả, thân lá cây ngô…; thức ăn khó ủ chua gồm cây bộ đậu (thân lá lạc, cỏ stylo, thân lá các loại đậu…) và thân lá sắn.

Phương pháp ủ chua tự nhiên khá đơn giản. Cây cỏ và phụ phẩm được cắt ngắn (2 – 5 cm) cho vào túi nilon dày (dung tích lớn hơn 100 lít) hay hố ủ được xây nổi, trộn với 2 – 5% cám hay bột sắn, bột ngô và 0,5% muối ăn, nén chặt và buộc túi hay đậy nắp hố ủ để đảm bảo yếm khí. Thức ăn ủ chua được sử dụng sau 21 ngày ủ. Trâu, bò có thể ăn với lượng 10 – 15 kg/con/ngày để đảm bảo duy trì.

Kiềm hóa rơm với urê và vôi tôi: Đây là phương pháp làm tăng giá trị dinh dưỡng và khả năng sử dụng rơm, rạ cho trâu, bò. Có nhiều phương pháp khác nhau để kiềm hóa rơm như: rơm (100 kg) với urê (4 kg hòa trong 100 lít nước); rơm (100 kg) với urê (2,5 kg) và vôi tôi (0,5 kg trong 100 lít nước)… Phương pháp này khá đơn giản vì người dân có thể sử dụng các nguyên liệu tại chỗ và túi nilon và sau ủ 2 – 3 tuần là sử dụng được. Lượng ăn cho trâu, bò 5 – 7 kg/con để duy trì.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *