Quảng Trị: Hội thảo triển khai giải pháp sử dụng vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Chiều ngày 1/3, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) phối hợp Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam tổ chức hội thảo triển khai giải pháp sử dụng vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Tại hội thảo, đại diện Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam đã giới thiệu quá trình nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin AVAC ASF LIVE dùng để phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi do công ty tự phát triển.

AVAC ASF LIVE

Đại diện Công ty cổ phần AVAC Việt Nam giới thiệu quá trình nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin AVAC ASF LIVE dùng để phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi do công ty tự phát triển – Ảnh: L.A

Vắc xin này có những ưu điểm nổi trội như: được nhược độc hóa bằng phương pháp cắt bỏ gen độc và nuôi trên môi trường tế bào dòng DMAC; chỉ tiêm 1 liều duy nhất cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên; thời gian bảo hộ kéo dài ít nhất 5 tháng.

Vắc xin AVAC ASF LIVE đã được thử nghiệm tiêm và cho kết quả khả quan ở hơn 10 tỉnh trong cả nước. Tại Quảng Trị đã tiêm được 370 liều tại một số hộ nuôi và qua lấy mẫu xét nghiệm kháng thể dịch tả lợn Châu Phi đã cho kết quả tốt.

Theo thống kê của Chi cục CN&TY, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ cuối tháng 2/2019, bệnh đã xảy ra ở hầu hết các xã, phường, thị trấn. Tính từ lúc bệnh dịch xuất hiện đến nay, toàn tỉnh đã tiêu hủy gần 66.000 con lợn mắc bệnh với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 3.460 tấn.

Dịch bệnh không những gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người chăn nuôi mà còn tốn nhiều kinh phí, công sức của các địa phương trong công tác tiêu hủy lợn bệnh, chết. Hệ lụy kéo theo là vấn đề ô nhiễm môi trường từ việc chôn hủy, tổng đàn lợn giảm mạnh, giá lợn giống tăng cao, công tác tái đàn lợn sau dịch gặp nhiều khó khăn, an sinh xã hội bị ảnh hưởng…

Hiện nay, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được khống chế từ cuối tháng 12/2023 nhưng nguy cơ bùng phát bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn là mối đe dọa thường trực. Do vậy, việc sử dụng vắc xin dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn thịt tại hộ nuôi trước khi mầm bệnh xâm nhập là giải pháp an toàn, hiệu quả để chủ động phòng, chống; không làm phát sinh lây lan dịch bệnh trong điều kiện sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh.

Lê An

Nguồn: Báo Quảng Trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *