Một số giống gà bản địa ở miền Bắc

(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Xin tư vấn một số giống gà bản địa ở miền Bắc?

(Câu hỏi của Nguyễn Hương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương)

Trả lời:

Những giống gà bản địa có thịt thơm ngon, sức sống chịu cao, thích nghi với điều kiện khó khăn, khắc nghiệt… nên đã và đang phát triển trên mọi miền đất nước. Dưới đây là một số giống gà tiêu biểu.

  1. Gà ri (Công nhận TCVN 12469-4:2018): Là giống gà phân bố chủ yếu tại khu vực miền Bắc, miền Trung. Gà ri có vóc dáng nhỏ. Khi trưởng thành, gà mái có màu lông nâu, vàng rơm, nâu đất; gà trống có màu vàng rơm, đỏ thẫm, đầu và cánh có màu ánh xanh; mỏ, chân, da màu vàng. Gà có đặc tính chịu được với điều kiện khắc nghiệt, nghèo dinh dưỡng ở miền Bắc và miền Trung, sức kháng bệnh tốt, dễ nuôi, chăm con tốt, thích hợp nuôi chăn thả tự do, vừa để lấy thịt vừa để lấy trứng.
  2. Gà mía (Công nhận TCVN 12469-2:2018): Nguồn gốc ở xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Gà con 1 ngày tuổi có màu vàng nhạt đồng nhất. Khi trưởng thành, gà mái có lông màu lá chuối khô, thân dài, ngực rộng nhưng không sâu; Gà trống, lông màu mật, cổ dài, mào cờ ngả, tích tai to dài, màu đỏ tươi. Tỷ lệ nuôi sống trung bình giai đoạn 1 – 20 tuần tuổi trên 95%. Khối lượng cơ thể: Ở 20 tuần tuổi khối lượng trung bình của gà trống là 1,97 (kg) và gà mái là 1,43 (kg). Lượng thức ăn tiêu thụ đến 20 tuần tuổi trung bình cho 1 con mái là 8,02 (kg). Tuổi thành thục sinh dục: 21 tuần tuổi. Năng suất trứng 48 tuần đẻ trung bình là 66,82 quả/mái; Tỷ lệ nở/tổng trứng ấp đạt 75,15%.
  3. Gà Đông Tảo (Công nhận TCVN 12469-6:2018): Nguồn gốc giống ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Gà con 1 ngày tuổi có màu lông vàng nhạt đồng nhất. Khi trưởng thành, gà mái có lông màu lá chuối khô, thân dài, ngực rộng và có yếm; Gà trống có lông màu mận, đầu và cổ to ngắn, vùng bụng và ngực ít lông, da dày màu đỏ, đặc biệt chân rất to có ba hàng vảy xù xì màu đỏ. Tỷ lệ nuôi sống trung bình giai đoạn 1 – 20 tuần tuổi trên 95%. Khối lượng cơ thể: Ở 20 tuần tuổi khối lượng trung bình của gà trống là 2,46 (kg) và gà mái là 1,87 (kg). Lượng thức ăn tiêu thụ đến hết giai đoạn hậu bị trung bình cho 1 con mái là 10,56 (kg). Tuổi thành thục sinh dục: 23 tuần tuổi. Năng suất trứng 48 tuần đẻ, trung bình 61,72 quả/mái; Tỷ lệ nở/tổng trứng ấp đạt 60,69%.
  4. Gà Lạc Thủy: Nguồn gốc giống từ huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Ở tuổi trưởng thành, quần thể gà có màu lông đồng nhất, gà mái lông màu nâu nhạt (lá chuối khô), gà trống lông màu mận. Chân gà nhỏ, cao vừa phải, da màu vàng. Gà có mào đơn và là giống gà có tốc độ mọc lông nhanh. Khối lượng cơ thể: Ở 20 tuần tuổi khối lượng trung bình của gà trống là 1,9 kg và gà mái là 1,6 kg. Tuổi thành thục sinh dục: 19 tuần tuổi. Năng suất trứng 68 tuần đẻ, trung bình 90 quả/mái; Tỷ lệ nở/tổng trứng ấp đạt 78%.
  5. Gà Hồ (Công nhận TCVN 12469-3:2018): Là một giống gà quý ở Việt Nam, nguồn gốc ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Gà mái thường có 3 màu lông: đất thó (trắng, xanh), vỏ quả nhãn chín và màu sẻ (giống lông chim sẻ); gà trống màu mận, da dày màu đỏ, chân rất to, mào nụ. Khối lượng cơ thể gà trưởng thành: gà trống từ 4,5 – 5,5 kg/con và gà mái từ 3,5 – 4 kg/con. Tuổi đẻ trứng đầu là 185 ngày tuổi. Mỗi năm gà đẻ 3 – 4 lứa, mỗi lứa từ 10 – 15 trứng, khối lượng trứng 50 – 55 g/quả.

hỏi đáp chăn nuôi

Ban KHKT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *