Phòng trị bệnh viêm phổi trên bê

(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Xin cho biết triệu chứng bê bị viêm phổi và cách chữa như thế nào?

Trả lời

Bê khi bị bệnh viêm phổi thì trên lâm sàng có các triệu chứng như ăn kém, bê đi lại chậm chạp, mệt mỏi, quan sát niêm mạc mắt đỏ sẫm, chảy nước mắt, nước mũi, khó thở và thường thở bằng bụng, ho tăng dần khi ho chảy nhiều bọt khí dãi rớt. Thông thường bê sẽ bị sốt cao 40 – 410C, kèm run rẩy, co giật nhẹ, đi siêu vẹo hoặc nằm một chỗ. Bệnh cần chữa trị kịp thời nếu không bê có thể bị chết. Giai đoạn chuyển mùa thời tiết ẩm và mưa phùn nhiều chính là điều kiện để bệnh viêm phổi phát triển, đặc biệt là đối với những con gia súc nhỏ. Bệnh có thể lây theo đường tiếp xúc, hít thở không khí có chứa vi khuẩn gây bệnh. Bệnh viêm phổi còn do vi khuẩn gây bệnh có sẵn trong đường hô hấp của bê, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển thành bệnh.

 

Phòng bệnh

Khi bê mới sinh ra cần phải cho bú sữa đầu ngay, càng sớm càng tốt vì trong sữa đầu có nhiều loại khoáng thể cần thiết giúp cho bê tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, không để chuồng trại bị ẩm ướt. Tiêm phòng đầy đủ hàng năm các loại bệnh truyền nhiễm cho bò mẹ. Tẩy ký sinh trùng đường tiêu hóa cho bê. Bổ sung đầy đủ khoáng, vitamin giúp cân đối dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại từ 1 – 2 lần/tháng.

 

Điều trị

Bệnh do vi khuẩn gây nên, vì vậy có thể sử dụng một trong các kháng sinh như: Kanamycin, Bio Genta-tylosin hoặc Tiamulin. Thông thường thời gian điều trị 4 – 5 ngày. Nếu sốt cao thì dùng thuốc hạ sốt cho bê. Ngoài dùng thuốc kháng sinh điều trị cần trợ sức, trợ lực cho bê bằng Vitamin nhóm B, C. Cho bê nghỉ ngơi, bú sữa mẹ đều, bổ sung thức ăn xanh, ngon khi bê đã ăn được cỏ. Giữ ấm, phòng ẩm tốt trong thời gian điều trị bệnh.

 

Hỏi

Tôi nuôi gần 100 con heo thịt, đã tiêm phòng theo quy định của thú y xã. Thời tiết thay đổi mưa nắng liên tục vừa qua, một số con trong đàn heo bị ủ rũ, sốt 40 – 410C, khó thở, ho khan, ho từng tiếng, sau ho liên tục, da ở tai, đùi, dưới da bụng nổi lên từng đám có màu đỏ, vài hôm sau chuyển sang màu tím, một số con chết nhanh, hầu của heo bị sưng thủy thủng. Vậy đó là bệnh gì, cách phòng và điều trị bệnh ra sao?

 

Trả lời

Có thể chẩn đoán đây là bệnh tụ huyết trùng heo thể cấp tính. Bệnh này do vi khuẩn gây ra, do vậy phát hiện và điều trị sớm có thể cho hiệu quả tốt. Khi heo vừa có dấu hiệu mắc bệnh cần có biện pháp cách ly, điều trị ngay, không để lây lan. Nhiều trường hợp đã tiêm phòng tụ huyết trùng nhưng vẫn có tỷ lệ mắc bệnh thấp. Bệnh rất dễ bị mắc vào mùa mưa, thời tiết chuyển mùa, nóng ẩm, khi sức đề kháng cơ thể bị giảm sút, vi khuẩn phát triển gây bệnh cho heo.

 

Phòng bệnh

Thường xuyên vệ sinh tiêu độc chuồng trại chăn nuôi theo định kỳ hàng tháng, hoặc đột xuất bằng các loại thuốc sát trùng chuồng trại, như: Iodin 1%. Cho ăn đầy đủ cân đối dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho heo. Giữ ấm, phòng ẩm, nhất là khi thời tiết giao mùa nắng nóng, mưa nhiều. Cần tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho heo theo quy trình nuôi thịt. Nuôi theo quy trình sinh học, cùng vào – cùng ra . Nên xây hầm bioga để đảm bảo vệ sinh cho gia súc và môi trường.

 

Điều trị

Có thể sử dụng kháng sinh như: Kanamycin dùng liều 30 mg/kg thể trọng tiêm bắp phối hợp với Sulfamerazin với liều 50 mg/kg thể trọng cho uống, dùng thuốc liên tục 4 – 5 ngày. Dùng thuốc chữa triệu chứng và nâng cao sức đề kháng, nếu sốt dùng thuốc tiêm Analgin để hạ sốt; tiêm cafein, Vitamin B1, C để nâng cao thể trạng. Hộ lý: cách ly những heo bắt đầu có triệu chứng để điều trị. Giữ chuồng khô sạch và phun thuốc sát trùng 1 – 2 lần/tuần. Chú ý nuôi dưỡng, chăm sóc tốt heo trong thời gian điều trị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *