Giá thức ăn giảm là tín hiệu vui cho người chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính trong quý I/2024 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này sẽ góp phần quan trọng giúp người chăn nuôi yên tâm ổn định sản xuất.

 Bức tranh toàn cảnh của ngành chăn nuôi 3 tháng đầu năm có nhiều điểm tích cực, trong đó phải kể đến hầu hết giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đều giảm so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể: ngô hạt 6.827 đồng/kg (giảm 20,3%), khô dầu đậu tương 14.162 đồng/kg (giảm 4,4%), cám mì 6.026 đồng/kg (giảm 15,1%), cám gạo 5.971 đồng/kg (giảm 11,7%); DDGS 8.054 đồng/kg (giảm 18,3%). So với quý IV/2023 và giá cao điểm tại quý II/2022, giá các nguyên liệu chính trong quý I/2024 có xu hướng giảm nhẹ. 

giá thức ăn chăn nuôi

Giá TĂCN giảm khiến người chăn nuôi bớt khó, yên tâm sản xuất. Ảnh: ST

Không chỉ vậy, giá các loại thức ăn hỗn hợp chính bình quân trong quý I/2024 cũng giảm từ 10,7 – 15,6% tùy loại so với bình quân quý I/2023 (giai đoạn cao điểm của giá TĂCN thành phẩm). Cụ thể, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho heo 12.087 đồng/kg (giảm 15,6%); thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu 12.090 đồng/kg (giảm 13,1%); thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng 12.633 đồng/kg (giảm 10,7%).

Giống như nhiều địa phương trên cả nước, giá các loại TĂCN gia súc, gia cầm được điều chỉnh giảm nhiều lần thời gian qua là một trong những tín hiệu tích cực để ngành chăn nuôi tỉnh Thái Nguyên duy trì ổn định và phát triển. Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu chăn nuôi 95.000 con trâu, bò; 610.000 con heo, 16.000.000 con gia cầm và sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 222.850 tấn (tăng 1.050 tấn so với năm ngoái). Giá cám giảm, người chăn nuôi cũng như các đại lý phân phối, hộ kinh doanh mặt hàng này đều rất phấn khởi. Bởi khi người dân đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn gia súc, gia cầm sẽ giúp cho lượng TĂCN được bán ra tăng mạnh. 

Ông Phạm Quang Phúc, Chủ tịch Hội Chăn nuôi, Thú y Thái Nguyên, chia sẻ: Thức ăn là khoản chi phí chiếm phần lớn trong chăn nuôi với khoảng 65 – 70% giá thành sản xuất. Do vậy, việc giá TĂCN được điều chỉnh giảm cộng với giá bán các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng gia cầm duy trì ở mức ổn định là tín hiệu tích cực để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển. 

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị giao ban lĩnh vực chăn nuôi mới đây, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, cho biết: Từ sau Tết Nguyên đán, ngành chăn nuôi rất phấn khởi bởi lẽ thị trường ổn định hơn, không phập phù như năm 2023. Đặc biệt, giá các nguyên liệu TĂCN cũng đang giảm. “So với cùng kỳ năm 2023, giá ngô giảm 20%; khô dầu đậu tương giảm 4,4%; cám mì giảm 15%; cám gạo giảm 11,7%. Giá các loại thức ăn hỗn hợp chính cũng giảm từ 10,7 đến 15,6% so với bình quân quý I/2023. Đây là những điểm sáng tích cực để ngành chăn nuôi có thể kỳ vọng vào một năm phát triển thuận lợi”, ông Sơn nhấn mạnh thêm. 

Cục Chăn nuôi dự báo, do nguồn cung nguyên liệu ổn định, giá giảm nên giá TĂCN thành phẩm trong nước sẽ tiếp tục theo xu hướng giảm, tuy nhiên khó có thể quay trở lại mức giá thời điểm trước đại dịch COVID-19. Thời gian tới, Cục Chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng cường các kênh theo dõi bám sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu TĂCN trong nước và thế giới, từ đó có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành chăn nuôi.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *