Phong tỏa nguy cơ, chủ động bảo vệ

(Người Chăn Nuôi) – Dịch bệnh luôn là nỗi ám ảnh lớn đối với ngành chăn nuôi, bởi đây là nguyên nhân gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Với khí hậu nhiệt đới ẩm như ở nước ta, việc triệt tiêu hoàn toàn dịch bệnh gần như là không thể, vì vậy, chỉ còn giải pháp là ngăn chặn và phong tỏa tốt mọi nguy cơ, bảo vệ đàn vật nuôi an toàn.

Nỗi ám ảnh dịch bệnh

Theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, 3 tháng đầu năm 2023 cả nước có 5 ổ dịch cúm gia cầm tại 4 tỉnh, số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy gần 7.000 con; 15 ổ dịch lở mồm long móng tại 6 tỉnh, thành phố, số gia súc mắc bệnh trên 600 con; 31 ổ dịch viêm da nổi cục tại 5 tỉnh, số trâu, bò mắc bệnh trên 200 con; 81 ổ Dịch tả heo châu Phi (ASF) tại 26 tỉnh, thành phố với trên 3.400 con heo mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy.

Ðiều đáng nói, sau nhiều năm được khống chế tốt, gần đây, virus tai xanh đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Thanh Hóa… Ngoài ra, chó nghi mắc bệnh dại đã được báo cáo tại 21 tỉnh, thành phố. Ðặc biệt có 18 người chết vì bệnh dại tại 13 tỉnh, thành phố.

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian tới, nguy cơ các loại dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là rất cao. Qua đó gây tổn thất lớn về kinh tế, phát triển chăn nuôi và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường.

Tại Nghệ An, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ ngày 22/3 – 4/4/2023, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 2 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 3 hộ chăn nuôi thuộc xã Hùng Thành, huyện Yên Thành và xã Nghi Ân, TP. Vinh. Tổng số gà ốm, chết, buộc phải tiêu hủy là 2.670 con. Sau đó, UBND huyện Yên Thành và TP. Vinh đã thực hiện công bố dịch cúm gia cầm H5N1 theo đúng quy định.

Trước đó, trong tháng 2/2023, tại xóm 7, xã Hưng Chính, TP. Vinh cũng ghi nhận 1 ổ dịch cúm gia cầm quy mô lớn tại 1 hộ chăn nuôi. Ðể khống chế dịch bệnh và hạn chế nguy cơ lây lan trên diện rộng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các đơn vị liên quan tức thì triển khai các phương án ứng phó, đồng thời tiêu hủy 4.192 con vịt.

gia cầm

Chủ động ngăn chặn và phong tỏa tốt mọi nguy cơ, bảo vệ đàn vật nuôi an toàn. Ảnh: Nam Anh

 

Nguyên nhân dễ tìm

Theo Bộ NN&PTNT, kết quả kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, những nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh có chiều hướng gia tăng mạnh thời gian qua tới từ nhiều lý do.

Thứ nhất, do tỷ lệ tiêm phòng đạt rất thấp, nhiều nơi chỉ đạt dưới 30%. Ðặc biệt nhiều gia súc, gia cầm không được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc đã được tiêm nhưng hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch. Thế nhưng, nhiều địa phương chưa phê duyệt, chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh, chưa có kinh phí mua vaccine, tổ chức tiêm phòng… Trong khi đó, kết quả giám sát chủ động cho thấy nhiều loại mầm bệnh còn lưu hành rộng rãi với tỷ lệ cao.

Thứ hai, việc sản xuất con giống chưa thực sự đồng bộ và được kiểm soát chặt chẽ. Việc kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm giống đối với các cơ sở này chưa thường xuyên. Hơn nữa, tình trạng thiếu giống và giá con giống tăng cao đã dẫn đến không ít người dân mua giống trôi nổi trên thị trường. Và nguồn giống này là một hiểm họa lây nhiễm dịch bệnh.

Thứ nữa là tỷ lệ tiêm phòng định kỳ tại các hộ chăn nuôi gia trại và nhỏ lẻ đạt thấp. Thường thì chỉ khi không may xảy ra dịch mới cầu cứu cơ quan thú y về tiêm vớt vát… Cùng với đó là việc mua bán gia súc, gia cầm ở chợ còn diễn ra khá đơn giản, gần như không gặp khó khăn về kiểm soát.

Ðiển hình như tại Nghệ An, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, nguyên nhân gây nên dịch cúm gia cầm A/H5N1 vừa rồi mang nặng yếu tố chủ quan. Cụ thể, đàn gia cầm chưa được tiêm vaccine phòng bệnh và hộ bị dịch không thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Còn hộ nuôi tại TP. Vinh thì nhập con giống trôi nổi, không có hồ sơ quản lý nguồn gốc.

Trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Ngô Ðức Quỳnh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An nhấn mạnh: Thực sự đáng lo khi ý thức của người nuôi chưa tốt, các hộ chưa thực sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Nghệ An dù có tổng đàn gia cầm lớn nhưng chưa thể phủ kín vaccine phòng bệnh. Từ những yếu tố trên, thấy rằng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và lây lan sang địa bàn khác rất dễ xảy ra.

 

Cấp bách ngăn chặn

Báo cáo tại “Hội nghị phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 10/3/2023, đại diện Cục Thú Y nhấn mạnh, trong thời gian tới, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật có thể tái phát, phát sinh và lây lan trên phạm vi rộng là rất cao do tổng đàn gia súc, gia cầm chiếm số lượng lớn nhưng hình thức chăn nuôi theo quy mô nông hộ nhỏ lẻ vẫn còn chiếm đa số, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, chưa an toàn dịch bệnh; một số loại mầm bệnh còn tồn tại lâu ngoài môi trường và đường truyền lây rất phức tạp; thời tiết thay đổi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi và đặc biệt là chưa thực hiện tốt công tác tiêm vaccine phòng bệnh cho vật nuôi.

Trước dự báo nghiêm trọng đó, phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng định kỳ, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm trên động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người; chủ động triển khai công tác giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, không để lây lan trên diện rộng.

Trong công văn về việc rà soát, chấn chỉnh tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi, Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh: Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tổ chức thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi, số lượng vật nuôi thuộc diện tiêm phòng đối với từng bệnh của địa phương; tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền đối với chủ vật nuôi và cộng đồng về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi; căn cứ tình hình lưu hành các loại mầm bệnh, nguy cơ dịch bệnh, khuyến cáo sử dụng vaccine, các địa phương khẩn trương tổ chức triển khai tiêm phòng đại trà đợt 1/2023 (trong tháng 4 – 5/2023), rà soát tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung, bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vaccine.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức TiếnThứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến cho biết: Cần tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ tiêu dùng trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Ðồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, cung ứng các loại thuốc, vaccine thú y, hóa chất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Ông Phùng Ðức Tiến – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Phan Thảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *