Những đột phá và thách thức sau khi thông qua Luật Chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Việc triển khai Luật Chăn nuôi được kỳ vọng sẽ góp phần giúp ngành phát triển ổn định, bền vững, tạo ra sản phẩm có chất lượng, kiểm soát an toàn thực phẩm cho trên 96 triệu người tiêu dùng nội địa và khoảng 13 – 15 triệu khách du lịch đến Việt Nam hàng năm.

“Luật Chăn nuôi là khung pháp lý quan trọng nhất cho ngành chăn nuôi phát triển theo tư duy hiện đại, gắn sản xuất với chế biến và thị trường, kết nối theo chuỗi giá trị, chăn nuôi chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, mọi việc đang ở phía trước, muốn chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững và hội nhập mạnh với thế giới cần rất nhiều nỗ lực và đổi mới”,  TS Võ Trọng Thành, Cục Chăn nuôi chia sẻ.

Ngày 19/11/2018, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Chăn nuôi với tỷ lệ nhất trí là 93,61%. Việc ban hành Luật Chăn nuôi được coi là một bước ngoặt đột phá có tác động đến sinh kế hàng triệu hộ chăn nuôi trực tiếp và hàng trăm nghìn lao động tham gia vào các công đoạn khác nhau của ngành chăn nuôi bao gồm: Sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thiết bị chăn nuôi, giết mổ và chế biến thực phẩm; Nuôi và chăm sóc thú cảnh, bảo tồn nguồn gen, biểu diễn nghệ thuật, nghiên cứu khoa học về chăn nuôi.

 Đồ họa: Văn Hùng

Luật Chăn nuôi cũng đảm bảo hài hòa, đồng bộ và khỏa lấp các khoảng trống về pháp luật trong lĩnh vực chăn nuôi mà chưa được điều chỉnh bởi tại các Luật khác như Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật, Luật Môi trường, Luật An toàn Thực phẩm. Đặc biệt Luật Chăn nuôi cũng mở đường cho sự hội nhập của ngành chăn nuôi Việt Nam với thế giới thông qua việc chuẩn hóa về tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, phúc lợi vật nuôi và bảo vệ môi trường.

6 điểm đột phá

Kê khai và đăng ký chăn nuôi

Đã đến lúc phải coi chăn nuôi là một ngành sản xuất có điều kiện vì sự tương tác mạnh của ngành này đối với vấn đề kiểm soát môi trường và an toàn thực phẩm. Điều 54 của Luật quy định “Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã”; Điều 57 quy định: Chỉ khi cơ sở chăn nuôi kê khai thì mới được hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, được hỗ trợ về bảo hiểm và hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi; Được tập huấn, đào tạo về chăn nuôi; Quảng bá sản phẩm theo quy định của pháp luật. Chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi (phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nguồn nước bảo đảm chất lượng, có biện pháp bảo vệ môi trường, có khoảng cách an toàn từ trang trại chăn nuôi đến nơi ở của con người. Trang trại chăn nuôi sẽ phải có hồ sơ ghi chép quá trình chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vaccine và các thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; Lưu giữ hồ sơ tối thiểu 1 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi.

Đối xử nhân đạo với vật nuôi

Đây là một nội dung đột phá trong Luật này nhằm cải thiện hình ảnh của con người Việt Nam giàu nhân văn, thân thiện và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Ngoài ra, nội dung này còn giúp cho việc hội nhập quốc tế trong chăn nuôi, đồng thời mở hành lang pháp lý cho xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Đối xử nhân đạo với vật nuôi tại Điều 69, 70, 71 và 72 bao gồm các quy định nhằm đảm bảo vật nuôi không bị đói, khát, căng thẳng, sợ hãi và đặc biệt không bị đối xử thô bạo trong các hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, nghiên cứu khoa học và biểu diễn nghệ thuật. Nội dung này được yêu cầu phải tôn trọng, hài hòa với các hoạt động về nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa truyền thống và được cộng đồng xã hội chấp thuận.

Áp dụng đơn vị chăn nuôi

Hiện nay, các nước có nền chăn nuôi phát triển như Mỹ, Canada, Đức, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch… đều đang sử dụng đơn vị chăn nuôi để quy hoạch và kiểm soát chăn nuôi. Điều 53 của Luật Chăn nuôi quy định, Đơn vị vật nuôi là đơn vị quy đổi của gia súc, gia cầm theo khối lượng sống, không phụ thuộc vào giống, tuổi và giới tính. Mỗi đơn vị vật nuôi tương đương với 500 kg khối lượng sống. Đây là một thông số cơ sở để giúp cho việc tính toán mật độ chăn nuôi và sức chịu tải của môi trường, làm căn cứ cho quy hoạch phát triển chăn nuôi trong dài hạn của địa phương cũng như kế hoạch xây dựng trang trại của nhà đầu tư chăn nuôi.

Phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Bản chất của việc phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị chính là tạo ra sự gắn kết hiệu quả giữa các khâu từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến và phân phối ra thị trường. Khoản 2, Điều 9 của Luật quy định rằng, các tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác, liên kết sản xuất phải ký kết hợp đồng thì mới được hưởng các chính sách hỗ trợ. Khoản 3 của Luật cũng nêu rõ UBND các cấp có trách nhiệm: Tạo điều kiện và hỗ trợ các bên tham gia đàm phán, ký kết và thực hiện các cam kết trong hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại sản phẩm chăn nuôi. Như vậy với việc Luật hóa nội dung này sẽ giúp thúc đẩy việc đầu tư vào chăn nuôi và tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo tư duy sản xuất phải xuất phát từ nhu cầu thị trường, coi trọng việc nâng cao giá trị gia tăng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm trong chuỗi.

Luật hóa chăn nuôi chim yến, ong mật, hươu sao, chó, mèo

Tại các điều 64, 65, 66 và 67 của Luật đã đề cập đến việc nuôi các vật nuôi trên. Các yêu cầu về kiểm soát mật độ, dịch bệnh, kiểm soát môi trường, cân bằng với sinh thái. Chính phủ sẽ quy định chi tiết hơn các điều kiện chăn nuôi các loại vật nuôi này. Như vậy, việc đưa vào Luật Chăn nuôi các quy định về quản lý nhà nước các vật nuôi nói trên các đã ghi nhận mức độ phổ biến cũng như vai trò quan trọng của những vật nuôi này. Trên cơ sở Luật Chăn nuôi, Nhà nước có thể ban hành các quy định cụ thể hơn về điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng và khai thác sản phẩm đối với chim yến, ong mật, hươu sao, chó, mèo.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi – công nghệ 4.0

Từ trước đến nay, các số liệu tham chiếu để xây dựng các chương trình, đề án, dự án trong ngành chăn nuôi thường gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn thông tin và mức độ xác thực của các thông tin. Các mảng thông tin thường rời rạc, không liên tục và thiếu tính hệ thống. Điều 11 Luật Chăn nuôi quy định về việc thiết lập “Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi”, được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương, được chuẩn hóa để cập nhật và quản lý bằng công nghệ thông tin. Các cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm: Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi; Cơ sở dữ liệu về giống vật nuôi, nguồn gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; Cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi; chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; Cơ sở dữ liệu khác về chăn nuôi (đặc biệt là dữ liệu về tổng đàn và sản phẩm sản xuất của ngành chăn nuôi).

Thách thức thế nào?

Tiến độ áp dụng

Ngày 1/1/2020 Luật Chăn nuôi sẽ có hiệu lực, trong đó có 16 điều khoản sẽ do Chính phủ xây dựng và đưa vào các Nghị định của Chính phủ, cùng với khoảng 5 – 7 thông tư hướng dẫn chi tiết về Luật Chăn nuôi do Bộ NN&PTNT xây dựng và ban hành. Đây là một khối lượng lớn công việc và các cơ quan chủ quản buộc phải hoàn thành trong năm 2019 để khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực là áp dụng.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho việc cập nhật, vận hành hệ thống thông tin

Một số nội dung của Luật Chăn nuôi liên quan đến xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, khai báo và đăng ký chăn nuôi… cần phải xây dựng, chạy thử phần mềm và tổ chức tập huấn đào tạo cho các bên liên quan. Việc này đòi hỏi phải có nguồn lực về tài chính và nhân sự chuyên môn triển khai. Nếu không chuẩn bị tốt kế hoạch về tài chính, nhân lực, cơ sở hạ tầng thông tin thì sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai nội dung này.

Sự phối hợp liên cấp, liên ngành

Sự phân cấp giữa Trung ương và địa phương, cũng như sự phối hợp giữa các ngành liên quan (nông nghiệp, công thương, y tế, tài nguyên và môi trường) là rất quan trọng. Tuy nhiên, trước đến nay vẫn có những “độ vênh” nhất định trong phối hợp hành động giữa các bộ ngành và các cấp. Vậy cơ chế vận hành và phân công rõ trách nhiệm có thể coi là cần thiết để tránh những xung đột và tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Thay đổi tư duy, tập quán sản xuất

Ở nước ta, đa số cơ sở chăn nuôi và gần 90% cơ sở giết mổ vẫn đang hoạt động tự phát và nhỏ lẻ, kiểm soát môi trường kém, nhiều nông hộ và trang trại quá coi trọng việc sử dụng kháng sinh và vaccine để phòng trị bệnh mà lại xem nhẹ an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, sản xuất chăn nuôi nhưng thiếu gắn kết thị trường… Riêng chi phí cho thú y và các hao hụt do dịch bệnh trong các cơ sở chăn nuôi đang dao động 5 – 12%. Đây là mức thất thoát quá lớn và làm giảm lợi nhuận của người chăn nuôi. Các giải pháp nào để người chăn nuôi giảm và tiến tới không sử dụng kháng sinh là thách thức không hề nhỏ. Việc đổi mới tư duy sản xuất là rất quan trọng.

TS Võ Trọng Thành, Cục Chăn nuôi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *