Những tháng đầu năm 2023, ngành chăn nuôi đối mặt nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, giá sản phẩm chăn nuôi thấp. Nhưng Từ quý II trở đi, ngành chăn nuôi bắt đầu trên đà hồi phục, giá sản phẩm chăn nuôi từ mức dưới giá thành sản xuất đã khôi phục về mức người chăn nuôi có lợi nhuận.
Dự báo những tháng cuối năm, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao nhờ thị trường tiêu thụ ngày càng khởi sắc.
Chi phí giảm, giá tốt
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, sơ kết 6 tháng đầu năm 2023, ngành chăn nuôi vẫn đạt mức tăng trưởng tốt dù không bằng cùng kỳ mọi năm. Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá, trong một thời gian dài, giá các loại gia súc, gia cầm đều giảm. Nhưng từ tháng 4 đến nay, bức tranh ngành chăn nuôi đã có biến chuyển tích cực hơn, giá các vật nuôi tăng trở lại mặc dù kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp. Điều này góp phần để ngành chăn nuôi có thể đạt mục tiêu đề ra của cả năm.
Hiện nay, giá heo hơi đang chạm mốc gần 60 ngàn đồng/kg, đây là mức giá cao hơn nhiều so với những tháng trước đó. Với mức giá này, người chăn nuôi đã có lợi nhuận tốt. Giá các sản phẩm gia cầm cũng đang ở mức tốt. Cụ thể, gà công nghiệp bán tại trại có giá hơn 30 ngàn đồng/kg; vịt thịt tăng mạnh từ 51-53 ngàn đồng/kg, tăng hơn cả chục ngàn đồng/kg so với tháng trước đó. Với mức giá trên, người chăn nuôi gia cầm cũng đã có lợi nhuận tốt. Ngoài thông tin giá sản phẩm chăn nuôi tăng, hoạt động chăn nuôi cũng thuận lợi hơn khi hàng loạt các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đã có nhiều đợt hạ giá thức ăn chăn nuôi.
Trang trại nuôi bò theo hướng công nghiệp tại H.Xuân Lộc
Ông Phạm Văn Đạo, chủ trang trại nuôi heo tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, giá heo hơi tăng lên mức người nuôi có lợi nhuận trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại trên đà giảm là thuận lợi rất lớn cho người nuôi yên tâm sản xuất. Kỳ vọng thị trường cuối năm sẽ càng khởi sắc để người chăn nuôi khôi phục lại sau thời gian thua lỗ kéo dài vừa qua.
Khôi phục lại mức tăng trưởng cao
Căn cứ trên đà khôi phục của ngành chăn nuôi, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu phấn đấu ngành chăn nuôi sẽ tăng giá trị sản xuất khoảng 3,5 – 4% so với năm 2022.
Trong đó, ngành chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai đang thuộc tốp đầu cả nước về mức tăng trưởng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt gần 21,8 ngàn tỷ đồng, tăng 3,67% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngành chăn nuôi vẫn chiếm tỷ trọng lớn, có mức tăng trưởng cao với giá trị sản xuất đạt hơn 14,4 ngàn tỷ đồng, tăng 4,75% so với cùng kỳ năm ngoái và kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng tốt hơn vào những tháng cuối năm. Tính đến tháng 7 năm 2023, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt gần 2,7 triệu con, tổng đàn gà khoảng 25 triệu con, đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, thời gian tới, ngành chăn nuôi vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: dịch bệnh trên đàn vật nuôi còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao. Đặc biệt, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký và 2 hiệp định còn đang trong giai đoạn đàm phán thì áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước sẽ càng gia tăng. Cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu như thịt gà, thịt heo xuất vào thị trường Việt Nam.
Bàn về giải pháp phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Chăn nuôi phải bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 gồm: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động khoa học – công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi. Đây là những đề án được xây dựng rất công phu, khoa học, trên cơ sở của Chiến lược, là “rường cột” để thực hiện chiến lược về giống, công nghiệp giống, thức ăn, môi trường, thiết bị chăn nuôi, chế biến, khoa học công nghệ và cũng là những căn cứ pháp lý quan trọng, xuyên suốt trong một thời gian dài.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, giải pháp để tăng lợi thế cho ngành chăn nuôi là phải làm chủ công nghệ giống, thức ăn, chế biến… nhất là với các ngành hàng quan trọng như heo, gia cầm, bò sữa. Bên cạnh đó, kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tăng đàn gia súc, theo dõi diễn biến cung cầu, tránh đột biến về giá cả.
Phan Anh
Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai