Lệ Thủy (Quảng Bình): Tập trung phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) có hơn 1 nghìn con trâu, bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục (VDNC) và hàng trăm con lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Trước tình hình này, huyện đã huy động lực lượng, phương tiện, kinh phí dập dịch, nỗ lực giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho bà con.

Lũ lụt lịch sử năm 2020 đã gây thiệt hại nặng nề đến ngành chăn nuôi của huyện Lệ Thủy. Nhằm khôi phục lại đàn gia súc, gia cầm sau lũ, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực; trong đó, tập trung khôi phục lại các trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, bò và lợn.

Gần một năm sau lũ, đàn gia súc trên địa bàn đã phát triển ổn định trở lại, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng những tháng đầu năm 2021 đạt trên 10.000 tấn, tăng 10,19% so với cùng kỳ. Đến nay, toàn huyện Lệ Thủy có trên 35.900 con lợn, 16.700 con trâu, bò.

Đàn gia súc phát triển nhưng luôn tiềm ẩn các loại dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã xuất hiện bệnh VDNC khiến 1.456 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 137 con bị chết phải tiêu hủy tại 16/26 xã, thị trấn. Bên cạnh đó, DTLCP cũng xuất hiện trên địa bàn các xã: Thanh Thủy, Phú Thủy, Xuân Thủy từ cuối tháng 6-2021, làm trên 300 con lợn phải tiêu hủy.

Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: “Sau khi phát hiện bệnh VDNC trên đàn trâu, bò và DTLCP, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT) huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi-Thú y, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các địa phương khẩn trương khoanh vùng, dập dịch. Đồng thời, huyện yêu cầu các hộ chăn nuôi phải nhốt gia súc, cách ly các con bị bệnh để phòng chống, chăm sóc. Khi dịch lan rộng, huyện đã huy động lực lượng, phương tiện, hóa chất để phun tiêu độc, khử trùng tại các hộ có gia súc bị bệnh; đề nghị tỉnh hỗ trợ vắc-xin tiêm cho các loại vật nuôi cũng như công bố dịch theo quy định”.

Để khống chế dịch bệnh trên đàn gia súc, huyện Lệ Thủy đã được tỉnh cấp 7.500 liều vắc-xin để tiêm cho đàn trâu, bò. UBND huyện cũng đã phân bổ 300 lít hóa chất từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và trích kinh phí mua thêm 500 lít hóa chất, 120kg vôi bột để cấp cho các địa phương phun tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch, khu vực chăn nuôi, chợ buôn bán động vật; đồng thời, hướng dẫn bà con cách chăm sóc, điều trị, tiêu hủy đàn vật nuôi bị bệnh theo quy định.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, ở thôn Phú Hòa, xã Phú Thủy có 10 con bò bị mắc bệnh VDNC, trong đó có 2 con bị chết. Ông Tiến cho hay: “Để phòng, chống dịch bệnh VDNC, tôi đã được cán bộ Phòng Nông nghiệp-PTNT hướng dẫn cách ly những con bò mắc bệnh riêng để điều trị, con nào chết thì đem tiêu hủy theo quy định. Đồng thời, tôi cho bò uống thêm sữa, nước bột, ăn cỏ tươi và uống nước chanh để bổ sung Vitamin C; tiêm thuốc bổ và thuốc kháng sinh. Nhờ đó, đàn bò đã dần khỏi bệnh. Tại chuồng trại, tôi cũng đã rải vôi, phun tiêu độc khử trùng và thuốc diệt ruồi, muỗi, bọ chét; liên hệ với cán bộ thú y để tiêm vắc-xin phòng dịch cho đàn bò”.

Người dân huyện Lệ Thủy phun tiêu độc khử trùng để phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò.

Phú Thủy là một trong những địa phương có đàn gia súc mắc mắc bệnh VDNC nhiều nhất huyện. Toàn xã có 1.300 con trâu, bò thì có 141 con bị mắc bệnh VDNC, trong đó có 21 con bị chết (chủ yếu là nghé).

Tại xã Thanh Thủy, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, nhất là DTLCP cũng được triển khai khẩn trương. Sau khi dịch bệnh được phát hiện tại một trang trại chăn nuôi ở thôn 2 Thanh Mỹ, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành tiêu huy toàn bộ lợn bị bệnh và công bố dịch.

Ông Trần Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết: “Nhằm bảo vệ đàn lợn cho bà con, không để dịch bệnh lây lan, xã đã cho phun tiêu độc khử trùng tại chuồng trại chăn nuôi và các khu vực có nguy cơ lây nhiễm; theo dõi, giám sát đàn lợn và tuyệt đối không bán lợn ra thị trường. Nhờ đó, dịch nhanh chóng được dập tắt, không lây sang các hộ lân cận. Hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc trên địa bàn xã nay đã trở lại bình thường…”. 

Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống nên các loại dịch bệnh trên đàn gia súc ở huyện Lệ Thủy nhanh chóng được khống chế, dập tắt. Hiện nhiều địa phương đã đủ thời gian công cố hết dịch nhưng do số lượng trâu, bò được tiêm vắc-xin chưa đạt nên chưa công bố. Đối với DTLCP, UBND huyện cũng đã công bố hết dịch ngày 30-7-2021 tại xã Thanh Thủy. Riêng xã Xuân Thủy và Phú Thủy cũng cơ bản khống chế DTLCP, nên Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đang báo cáo Chi cục Chăn nuôi-Thú y thẩm định để công bố hết dịch.

Huyện Lệ Thủy đang đề xuất tỉnh cấp thêm 3.000 liều vắc-xin phòng bệnh VDNC trên đàn trâu, bò để ưu tiên phân bổ cho 16 xã, thị trấn có dịch tiêm cho số trâu, bò còn lại và công bố hết dịch. Còn đối với DTLCP, hiện vẫn chưa có vắc-xin hay thuốc điều trị nên huyện tập trung tuyên truyền cho bà con cách thức phòng bệnh hoặc tiêu hủy lợn bệnh, phun tiêu độc khử trùng khi có dịch xảy ra. Những hộ dân có gia súc chết do dịch bệnh cũng đã được chính quyền địa phương lập danh sách đề xuất lên cấp trên để có chính sách hỗ trợ.

Xuân Vương

Nguồn: Báo Quảng Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *